8 thông tin kinh tế nổi bật tuần từ 07/04 -12/04
Ngày nhập : 14/04/2014 09:13
World Bank dự báo tăng trưởng Việt Nam khiêm tốn chỉ 5,5%, giảm giá dầu từ 90 đồng đến 130 đồng/lít, giữ nguyên giá xăng,Việt Nam thuộc top 10 quốc gia chi phối châu Á ..là những thông tin kinh tế nổi bật tuần qua

Lương người giúp việc thấp nhất 1,9 triệu đồng/tháng, có bảo hiểm

Đó là quy định trong Nghị định về quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình vừa được Chính phủ ban hành.

Cụ thể, mức tiền lương của người giúp việc do hai bên thoả thuận và ghi trong hợp đồng lao động. Mức tiền lương (bao gồm cả chi phí ăn, ở của người lao động sống tại gia đình người sử dụng lao động nếu có) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Theo đó, lương tối thiểu vùng áp dụng theo các mức vùng 1 là 2,7 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 2,4 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 2,1 triệu đồng/tháng; vùng 4 là 1,9 triệu đồng/tháng.

Nghị định cũng quy định người sử dụng lao động và người lao động thoả thuận mức chi phí ăn, ở hằng tháng của người lao động (nếu có), nhưng không vượt quá 50% mức tiền lương trong hợp đồng lao động. Hình thức trả lương, thời hạn trả lương do hai bên thoả thuận..

Giảm giá dầu từ 90 đồng đến 130 đồng/lít, giữ nguyên giá xăng

Ngày (11/4) vừa qua, Bộ Tài chính vừa có công văn yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện giảm giá dầu và giữ nguyên giá xăng bắt đầu từ 15h.

Ngay sau khi có lệnh của Bộ Tài chính, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã giảm giá dầu diesel 90 đồng/lít từ mức 22.600 đồng xuống 22.510 đồng/lít, dầu hỏa giảm 130 đồng/lít từ 22.480 đồng xuống 22.350 đồng, dầu ma dút giảm 100 đồng từ 18.760 đống xuống 18.660 đồng/kg.

Theo Bộ Tài chính, giá bình quân 30 ngày (đến hết 10/4) cho thấy, giá bán lẻ dầu đang cao hơn giá cơ sở, trong khi giá bán lẻ xăng thì thấp hơn. Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp giữ nguyên giá xăng và điều chỉnh giảm các mặt hàng dầu, đồng thời tiếp tục giữ ổn định mức trích Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hằng xăng dầu như hiện hành, giảm sử dụng quỹ đối với xăng từ 200 đồng/lít xuống còn 50 đồng/lít.

EVN được tự quyết nếu giá điện tăng dưới 7%

Bộ Công Thương vừa ban hành thông tư quy định tính toán mức giá bán lẻ điện bình quân. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2014.

Theo đó, đối với trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 7% đến dưới 10% (so với giá bình quân hiện hành và trong khung giá quy định) thì sau khi có ý kiến chấp thuận của Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ tiến hành điều chỉnh ở mức này.

Đối với trường hợp cần điều chỉnh giá bán điện bình quân tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện hiện hành hoặc ngoài phạm vi khung giá quy định, Cục Điều tiết Điện lực phải xem xét và báo cáo Thủ tướng quyết định.

Như vậy với các mức tăng dưới 7%, EVN sẽ được tự thực hiện điều chỉnh giá bán điện. Bên cạnh đó, thông tư cũng quy định EVN phải công bố công khai thông tin điều chỉnh giá điện.

World Bank: Việt Nam dự báo tăng trưởng khiêm tốn chỉ 5,5%

Theo Báo cáo Cập nhật Kinh tế vùng Đông Á và Thái Bình Dương được phát hành trong ngày 07/04/2014 của Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB), các nước đang phát triển thuộc khu vực Đông Á Và Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng kinh tế ổn định trong năm nay, nhờ sự hồi phục của các nền kinh tế thu nhập cao và phản ứng khiêm tốn của thị trường với quyết định thu lại gói nới lỏng định lượng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Nhận xét về Việt Nam, WB cho rằng mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô có cải thiện hơn trong năm 2013, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế vẫn ở dưới mức tiềm năng do phải đối mặt với các vấn đề về cơ cấu trong các doanh nghiệp nhà nước và trong lĩnh vực ngân hàng, và do những méo mó về mặt chính sách tiếp tục gây cản trở đầu tư tư nhân trong nước và cạnh tranh trong các ngành quan trọng.

WB dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ khiêm tốn vào khoảng 5,5% trong năm 2014.

Việt Nam thuộc top 10 quốc gia chi phối châu Á

Tốc độ tăng trưởng bình quân của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020 dự đoán đạt 6,2%, đứng vị trí thứ 4 trong khu vực châu Á.

Theo báo cáo “Sự chuyển đổi của hệ thống tài chính châu Á” (Caged Tiger: The Transformation of the Asian Financial System) mới công bố của Ngân hàng ANZ, Việt Nam là một trong 10 quốc gia châu Á có tầm ảnh hưởng mạnh về kinh tế trong khu vực cũng như trên thế giới.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng bình quân của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020 dự đoán đạt 6,2%, đứng vị trí thứ 4 trong khu vực châu Á. Dự đoán, Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 3 trong 10 năm tiếp theo với tốc độ tăng trưởng 5,3% và vị trí thứ 2 trong 10 năm tiếp theo nữa với tốc độ 4,6%, chỉ xếp sau Philippines và Ấn Độ.

Báo cáo của ANZ cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của châu Á sẽ phụ thuộc và có sự đóng góp nhiều từ 10 nền kinh tế chủ chốt của khu vực châu Á, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

ANZ đánh giá, 10 nền kinh tế này sẽ thống trị cả châu Á và nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, tổng GDP của 10 nền kinh tế này đạt gần 17.000 tỷ USD, chiếm 87% tổng GDP khu vực châu Á, với số dân gần 3.300 tỷ dân, chiếm 70% dân số châu Á tính hết năm 2012.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể lên tới mức 6-6,5%”

Đây là nhận định của ông Naoyuki Shinohara, Phó Chủ tịch thường trực IMF trong cuộc trao đổi với chúng tôi bên lề Diễn đàn kinh tế mùa xuân Quỹ Tiền tệ quốc tế tại Washington, Mỹ.

Theo ông Naoyuki Shinohara cho rằng kinh tế Việt Nam đã vận động rất tốt trong thời gian qua, tình trạng phát triển quá nóng đã phần nào được xoa dịu, tỷ lệ lạm phát ở mức 1 con số.

Tỷ lệ xuất khẩu cũng như đầu tư nước ngoài đều rất tốt. Ông Naoyuki Shinohara nghĩ rằng, các chính sách Chính phủ Việt Nam áp dụng đang phát huy tác dụng, tuy nhiên cũng có rất nhiều cải cách khác mà Việt Nam cần phải tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Ông Naoyuki Shinohara nghĩ kinh tế Việt Nam còn nhiều tiềm năng và tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể lên tới mức 6-6,5%.

Bên cạnh đó, ông Naoyuki Shinohara nghĩ con số 5,6% có thể là chậm hơn so với những năm trước, tuy nhiên Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao trong khu vực và so với thế giới. Tỷ lệ xuất khẩu của Việt Nam tốt nhưng ngược lại thị trường tiêu dùng trong nước lại rất yếu. Một trong những thách thức lớn trong thời gian tới là tạo thêm nhu cầu ở thị trường nội địa.

Năm nay Chính phủ dự kiến vay nước ngoài hơn 4,5 tỷ USD

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 477/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch vay và trả nợ năm 2014. Theo đó, kế hoạch vay trong nước của Chính phủ là 367.000 tỷ đồng. Trong đó, vay để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước là 197.000 tỷ đồng; phát hành trái phiếu cho đầu tư là 100.000 tỷ đồng và đảo nợ khoảng 70.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, kế hoạch vay nước ngoài là 4.520 triệu USD, tương đương 95.800 tỷ đồng. Việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ.

Về kế hoạch trả nợ của Chính phủ năm 2014 là 208.883 tỷ đồng, bao gồm: Trả nợ trong nước là 159.683 tỷ đồng (trong đó, phần chi trả nợ trực tiếp từ nguồn NSNN là 92.323 tỷ đồng và thực hiện vay mới để đảo một phần nghĩa vụ nợ đến hạn); Trả nợ nước ngoài là 49.200 tỷ đồng (trong đó, nghĩa vụ trả nợ của các chương trình, dự án được cấp phát từ NSNN là 26.427 tỷ đồng và chi trả nợ của các khoản vay về cho vay lại là 22.773 tỷ đồng).

Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt hạn mức vay được Chính phủ bảo lãnh và vay thương mại trung dài hạn nước ngoài của các DN, các TCTD theo phương thức tự vay tự trả năm 2014.

Thanh tra Chính phủ: Quý I/2014, phát hiện sai phạm kinh tế hơn 1.000 tỷ đồng

Sáng 11/4 vừa qua, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức họp báo về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng quý I/2014.

Tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cho biết, trong quý I/2014 đã tiến hành 10 cuộc thanh tra, phát hiện vi phạm về kinh tế số tiền hơn 1.000 tỷ đồng, tiến hành hơn 1.000 cuộc thanh tra hành chính, đã kết thúc thanh tra trực tiếp 619 cuộc. Qua thanh tra phát hiện vi phạm với số tiền trên 2.000 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính 113 tập thể, 354 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xem xét 9 vụ việc.

Cũng trong quí I, Trụ sở tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước đã tiếp gần 5.000 lượt người, với trên 1.000 vụ việc, trong đó có 120 đoàn đông người. Thanh tra Chính phủ đã xử lý 2.047 trong tổng số 2.446 đơn đã tiếp nhận.

Thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 3,6 tỷ đồng, 2,5 ha đất, trả lại cho công dân 8,6 tỷ đồng, trả lại quyền lợi cho 375 người, kiến nghị xử lý hành chính 61 người và chuyển cơ quan điều tra 4 vụ.

(Theo Trí thức Trẻ 13/4/2014)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh