Hàn Quốc dẫn đầu FDI tại Việt Nam: Vốn + Công nghệ = Chất
Ngày nhập : 29/08/2014 16:33
- Đầu tư FDI tại Việt Nam tiếp tục sôi động trong nửa đầu năm 2014 với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nhà đầu tư Hàn Quốc. Thời báo Kinh Doanh có cuộc trao đổi về hiện tượng này của các nhà đầu tư Hàn Quốc với Ts. Phan Hữu Thắng – Giám đốc tư vấn cấp cao công ty TNHH tư vấn kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC), Nguyên Cục trưởng Cục ĐTNN Bộ KH&ĐT.

Xin ông cho biết đánh giá của mình về vị trí của nhà đầu tư Hàn Quốc trong bức tranh chung về ĐTNN hiện nay ?

Theo tôi, để đánh giá được một cách tổng quát về các nhà đầu tư, trước hết, cần có một số tiêu chí nhất định để đánh giá vị trí của một nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hiện nay. Từ góc độ nghiên cứu của mình, tôi đề xuất 3 tiêu chí: Xu hướng phát triển (thông qua nguồn vốn đăng ký); Thực tế đầu tư (Thông qua số vốn thực hiện đã đầu tư tại Việt Nam); Chất lượng đầu tư (gắn với mức độ công nghệ áp dụng) và các ảnh hưởng khác tới kinh tế – xã hội Việt Nam. Với các tiêu chí đó, tôi cho rằng đến thời điểm hiện nay, Hàn Quốc được định vào nhóm có hiệu quả cao nhất là: Nhà đầu tư thực sự quan trọng và nhiều tiềm năng.

Trên thực tế, có thể thấy đầu tư của các DN Hàn Quốc luôn đứng trong top 10 các nhà đầu tư có số vốn đăng kí lớn trong nhiều năm vừa qua. Và kết quả hiện đã vươn lên vị trí số 1 trong 7 tháng đầu năm 2014, vượt qua cả Nhật Bản, Đài Loan hay Singapore.

Về tiêu chí thực tế đầu tư, tuy đến thời điểm này chưa có thống kê chính xác về số vốn thực hiện của từng nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nhưng đã có rất nhiều "đại dự án" của các DN Hàn Quốc được triển khai như Samsung đã đầu tư tại Việt Nam trên 5,7 tỷ USD, Samsung Electronic Thái Nguyên (SEV Thái Nguyên) năm 2013 đăng kí đầu tư mới 2 tỷ USD đã giải ngân được 1,4 tỷ USD… và một số tên tuổi lớn khác như LG, Kumho Asiana, Lotte, Hyundai, Daewoo, Posco, …

Đặc biệt, với tiêu chí thứ ba "chất lượng đầu tư và ảnh hưởng khác tới kinh tế – xã hội Việt Nam" có thể thấy rõ nhất "chất lượng" của các nhà đầu tư Hàn Quốc. Đến cuối năm 2013, Hàn Quốc có thêm 3.600 dự án tại Việt Nam, và với những gì các nhà đầu tư có tên tuổi của Hàn Quốc đã đầu tư tại Việt Nam, với các sản phẩm cụ thể có hàm lượng công nghệ cao trong CNTT, điện tử… của Samsung, LG; trong BĐS, sản phẩm công nghiệp khác của Daewoo, Kumho; trong xây dựng và vận hành các TTTM hiện nay của Lotte; trong công nghiệp sửa chữa tàu, công nghiệp khác của Hyundai… cho thấy các nhà đầu tư Hàn Quốc, về tổng thể đã đáp ứng được tiêu chí về chất lượng đầu tư và có các ảnh hưởng khác tới kinh tế – xã hội Việt Nam như chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương nơi đầu tư, tạo nhiều việc làm, mẫu hình về kinh nghiệm quản lý các công trình công nghiệp, thương mại, dịch vụ lớn…

Với kinh nghiệm của mình, ông có thể lý giải sự thành công của các nhà đầu tư Hàn Quốc ?

Đầu tư của Hàn Quốc đã vào Việt Nam từ rất sớm với các tên tuổi Daewoo, Hyundai… Và cho đến nay, đầu tư của họ đã có mặt ở hầu hết các lĩnh vực và địa phương.

Có thể thấy các nhà đầu tư Hàn Quốc, nhất là các nhà đầu tư có tên tuổi, đã sử dụng rất tốt các lợi thế về vốn, công nghệ và thị trường. Họ cũng đã biết "cộng" thêm các ưu điểm của môi trường đầu tư của Việt Nam là sự ổn định chính trị – xã hội; sự cởi mở của luật pháp – chính sách đầu tư phù hợp với thông lệ quốc tế; đã phát huy được các lợi thế của họ khi đầu tư tại Việt Nam.

Đặc biệt, sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực này, tôi thấy một điểm rất quan trọng làm nên lợi thế của các DN Hàn Quốc. Các nhà đầu tư Hàn Quốc thường mạnh mẽ, quyết đoán, nhanh chóng chớp thời cơ và bằng các dự án lớn làm xoay chuyển tình thế. Đây là lợi thế rất riêng của các nhà đầu tư Hàn Quốc so với các nhà đầu tư còn lại.

Để tăng cường chất lượng của hoạt động đầu tư nước ngoài hiện nay, theo ông chúng ta nên cải thiện khâu nào trong hoạt động thu hút đầu tư ?

Sau hơn 25 năm Việt Nam mở cửa đón nhận FDI, đến thời điểm hiện nay, theo tôi, 2 mục tiêu VỐN và CÔNG NGHỆ phải gắn chặt với nhau hơn để tạo ra CHẤT của đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nếu có vốn mà nguồn vốn này không có công nghệ cao, nền kinh tế Việt Nam sẽ không đủ sức cạnh tranh trong thời buổi hội nhập kinh tế quốc tế. Do vậy, cần tập trung vào khâu thu hút công nghệ thông qua nguồn vốn tiếp nhận và tập trung nguồn lực để đủ sức, đủ điều kiện tiếp nhận được chuyển giao công nghệ hoặc tự học, tự tiếp thu được công nghiệp mới.

Bộ KH&ĐT đang chủ trì việc rà soát thu hẹp ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo ông điều này có ảnh hưởng như thế nào đối với hoạt động đầu tư nước ngoài ?

Những đề xuất của Bộ KH&ĐT như bãi bỏ khoảng 15%, tức 56 ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện không còn cần thiết; Đề xuất danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng thống nhất cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, đồng thời hoàn thiện quy định về vấn đề này trong dự thảo luật Đầu tư sửa đổi…

Theo tôi, các đề xuất nêu trên của Bộ KH&ĐT, nếu được thông qua và triển khai sẽ tạo một sức hút lớn hơn cho hoạt động thu hút đầu tư. Theo đó, việc loại bỏ bớt 15% ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không còn cần thiết sẽ giúp cho lĩnh vực đầu tư được mở rộng hơn, thủ tục hành chính nhờ đó cũng được giảm bớt, kéo theo việc giảm chi phí về thời gian và vật chất… cho các nhà đầu tư, môi trường đầu tư nhờ đó được cải thiện hơn, có sức cạnh tranh hơn.

(TheoThời báo Kinh Doanh 29/8/2014)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh