Ngành Ngân hàng cam kết đồng hành cùng Hà Giang
Ngày nhập : 24/03/2015 15:49
Thống đốc NHNN khẳng định, trong thời gian tới, ngành NH sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ và tích cực các chính sách về tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, du lịch, kinh tế biên mậu, cho vay và hỗ trợ các đối tượng chính sách nhằm từng bước cải thiện, nâng cao đời sống và thu nhập…
 
Phát biểu tại Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc – Tây Bắc”, tổ chức ngày 20/3/2015 tại Hà Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Hà Giang cũng như các tỉnh cần kết hợp tốt kinh tế với quốc phòng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”. Tham dự Hội thảo còn có Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, lãnh đạo các bộ; ngành và lãnh đạo tỉnh Hà Giang

Nơi địa đầu Tổ quốc

“Hà Giang so với cả nước vẫn là tỉnh nghèo. Tổng dư nợ tín dụng năm 2014 là 10.300 tỷ đồng, không bằng chi nhánh của một NHTM. Trong khi, tổng vốn huy động mới bằng một nửa số đó, tức là một nửa phải điều phối từ các tỉnh thành khác. Chi nhánh NH Công thương hoạt động ở đây có tổng lợi nhuận nhiều năm gộp lại mới đạt 50 tỷ đồng, nhưng công tác an sinh xã hội tới nay làm cho tỉnh đã lên đến 250 tỷ đồng. Như vậy, quy mô nền kinh tế còn quá nhỏ”, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khái quát về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang qua lăng kính hoạt động của ngành NH.

Đồng chủ trì Hội thảo do Ban chỉ đạo Tây Bắc, Ban Kinh tế Trung ương và Tỉnh uỷ tỉnh Hà Giang phối hợp tổ chức, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã cam kết ngành NH sẽ đồng hành cùng Hà Giang trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trong bài phát biểu khẳng định, Hà Giang có lợi thế so sánh nhờ vị trí cửa ngõ phía Bắc, có đường biên giới dài 277 km với Trung Quốc, đóng vai trò kết nối kinh tế biên mậu.

Nhờ vị trí này, Hà Giang còn là điểm kết nối vùng Đông Bắc và Tây Bắc, có thể cùng các tỉnh trong khu vực liên kết, đề xuất cơ chế chính sách đột phá để làm động lực phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đây lại là vùng có tăng trưởng kinh tế ở mức thấp hơn nhiều so với các vùng trong cả nước, chủ yếu tập trung vào khai thác và chế biến khoáng sản, giá trị gia tăng không cao.

Với thực tế đó, thay mặt cho lãnh đạo tỉnh Hà Giang, ông Triệu Tài Vinh, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang bày tỏ, hội thảo lần này là dịp để tỉnh Hà Giang tiếp tục tìm con đường phát triển kinh tế. Ông Vinh đề xuất, các nhà khoa học, các nhà quản lý trên cơ sở lý luận và thực tiễn mạnh dạn đề xuất cơ chế chính sách, cách làm để phát triển Hà Giang đúng với vị trí chiến lược, nơi địa đầu của Tổ quốc.

Giải bài toán khó

Trước “đề bài” cần những việc làm cụ thể gì tạo động lực bứt phá cho Hà Giang, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng: Trước hết, phải có một quy hoạch tổng thể để đặt Hà Giang trong vị trí kết nối khu vực Đông Bắc – Tây Bắc. Theo đó, cần có bước đi ngắn hạn, trung và dài hạn, nhưng phải trong chiến lược thống nhất. Bên cạnh quy hoạch tổng thể phải có quy hoạch từng lĩnh vực khác nhau, cái gì cần làm trước hay làm sau.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, trước mắt, địa phương cần phát huy một số lợi thế về nông - lâm - nghiệp thông qua tổ chức sản xuất lại, đảm bảo ổn định cuộc sống cho bà con, chẳng hạn, một số lĩnh vực thế mạnh về sản xuất chè, cây cam, dược liệu, chăn nuôi bò vàng… “Nhưng cái Hà Giang thiếu là phương thức tổ chức sản xuất, thiếu các DN tại các địa phương”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Hiện NHNN đang phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN tổ chức chương trình liên kết xây dựng chuỗi sản xuất và đã có 30 mô hình. Chương trình tuy đã “đóng lại”, nhưng với tình cảm đặc biệt với “Địa đầu Tổ quốc” nên NHNN sẵn sàng mở ra.

“Sau khi phối hợp với các sở, ngành thẩm định tính khả thi của dự án, tỉnh có thể đề xuất lên, NHNN sẽ chỉ định NHTM cho vay. Cũng sẽ phải có cơ chế đặc thù cho các dự án này vì với quy định cho vay như hiện nay thì không thể cho vay được”, Thống đốc cam kết. Bên cạnh đó, NHNN cũng bày tỏ sẵn sàng tài trợ cho công tác xây dựng quy hoạch của tỉnh, sau đó mời một số NH làm tài trợ xây dựng.

Thống đốc NHNN khẳng định, trong thời gian tới, ngành NH sẽ tiếp tục cùng với các ngành, các cấp đầu tư cơ sở hạ tầng và một số công trình trọng điểm của tỉnh nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế, tạo ra sự lan tỏa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; thực hiện đầy đủ và tích cực các chính sách về tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, du lịch, kinh tế biên mậu, cho vay và hỗ trợ các đối tượng chính sách nhằm từng bước cải thiện, nâng cao đời sống và thu nhập…

Đến nay, NHCSXH chi nhánh tỉnh Hà Giang đã triển khai 12/19 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ 1.827 tỷ đồng, tăng 4,6% so với 2013, trong đó tập trung vào một số chương trình như cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, hộ cận nghèo.

Ngoài ra, các cán bộ, công nhân viên ngành NH cùng chung tay thực hiện những công tác an sinh xã hội thông qua các chương trình trợ cấp trâu, bò cho hộ nghèo, xóa nhà tạm, xây dựng hạ tầng điện, đường, trường, trạm, đầu tư giáo dục, y tế…

(Theo thoibaonganhang.vn ngay2/03/2015)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh