TPHCM: Thành lập các đội phản ứng nhanh phòng chống Ebola
Ngày nhập : 19/08/2014 14:10
Bộ Y tế xác định Ebola là dịch bệnh hết sức nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao từ 60 – 90%. Để chủ động phòng, chống dịch Ebola, các tỉnh thành phải hết sức lưu ý công tác giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu bao gồm đường không, đường bộ và cả đường thủy. Đặc biệt, những người từ vùng dịch trở về phải được kiểm tra chặt chẽ.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận cho biết, thành phố vừa ban hành kế hoạch phòng chống bệnh Ebola với mục tiêu: Phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong.

Thời điểm hiện tại khi chưa ghi nhận ca bệnh nào tại Việt Nam thì thành phố sẽ thực hiện việc kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ tại khu vực cửa khẩu bằng máy đo thân nhiệt để cách ly kịp thời, hạn chế lây lan, xem xét áp dụng khai báo y tế tại cửa khẩu quốc tế như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Sài Gòn....

Giám sát chặt chẽ tại cộng đồng và cơ sở y tế đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Ebola và có tiền sử đi về từ vùng có dịch trong vòng 21 ngày, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh thuộc diện giám sát.

Nếu xuất hiện ca bệnh xác định xâm nhập vào Việt Nam thì phải phát hiện sớm các trường hợp bệnh có liên quan đến ca bệnh xâm nhập, xử lý triệt để ổ dịch, tránh lây lan ra cộng đồng. Giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh thuộc diện giám sát. Giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của tất cả những người có tiếp xúc gần với trường hợp bệnh trong vòng 21 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng.

UBND TPHCM giao Sở Y tế chủ động, phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành có liên quan triển khai tốt việc giám sát hành khách nhập cảnh tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, cửa khẩu đường biển và tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola để có phương án và biện pháp cách ly y tế kịp thời, tránh lây lan dịch bệnh.

Triển khai ngay việc tập huấn về chuyên môn kỹ thuật, tổ chức tốt việc phân tuyến và thu dung điều trị nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số trường hợp tử vong, không được để lây nhiễm dịch bệnh trong các cơ sở y tế và lan rộng dịch bệnh ra cộng đồng. Sở GDĐT phối hợp với Sở Y tế tổ chức truyền thông phòng chống bệnh Ebola trong trường học, lồng ghép với các dịch bệnh khác trong những ngày đầu năm học 2014 - 2015.

Sở Y tế TPHCM cũng đã có công văn khẩn gửi các đơn vị y tế, yêu cầu tăng cường tuyên truyền cho người dân về bệnh Ebola và các biện pháp phòng bệnh, tránh tiếp xúc với người bị bệnh Ebola, máu, dịch tiết của người bệnh, động vật nhiễm bệnh, vật dụng có khả năng nhiễm virus. Khi cần tiếp xúc phải sử dụng trang bị phòng hộ cá nhân.

Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Thường xuyên lau chùi nền nhà, vật dụng, cầu thang,... bằng Chloramin B hoặc hóa chất sát khuẩn thông thường. Nếu thấy có biểu hiện của bệnh Ebola, phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.

Trung tâm Y tế dự phòng thành lập các đội phản ứng nhanh tuyến thành phố và tuyến quận huyện, đồng thời hướng dẫn và huấn luyện quy trình điều tra, xử lý ca bệnh cho các đội này. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, trang thiết bị dự phòng khi có dịch xảy ra, cụ thể như trang bị phòng hộ, phòng chống dịch, hóa chất khử khuẩn, máy phun hóa chất,...

Các cơ sở điều trị chuẩn bị khu vực cách ly điều trị của đơn vị mình để có thể đưa vào cách ly ngay khi phát hiện ca nghi ngờ nhiễm Ebola. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới phối hợp Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 tổ chức tập huấn cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và ngoài công lập trên địa bàn thành phố về chẩn đoán phát hiện sớm, điều trị cách ly, chuyển viện kịp thời; cách lấy mẫu bệnh phẩm, biện pháp phòng chống lây nhiễm, khử trùng và xử lý môi trường khi phát hiện bệnh nhân nhiễm hoặc nghi nhiễm virus Ebola.

(Theo Lao động Online 19/8/2014)

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh