Thị trường nhân lực: Trăm người bán, vạn người tìm
Ngày nhập : 20/08/2014 16:07
Với hơn 90 triệu dân, mỗi năm có thêm 1 triệu người gia nhập thị trường lao động đã biến Việt Nam thành thị trường hấp dẫn cho các nhà kinh doanh trong lĩnh vực nhân lực. Làn sóng mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực này đang và sẽ tiếp tục diễn ra, buộc các doanh nghiệp (DN) trong nước thay đổi chiến lược kinh doanh.
 
Khan hiếm nhân lực cấp cao

Thị trường nguồn nhân lực cấp cao, thu hút khoảng 300 công ty chuyên về dịch vụ cung ứng lao động, trong đó, có 10 công ty head hunter có quy mô lớn và hoạt động chuyên nghiệp như CareerBuilder, VietnamWork, Timviecnhanh.com...

Tháng 5/2014, thị trường nhân lực cấp cao vốn đã "nóng lại càng nóng hơn" khi lãnh đạo Vinamilk công bố thông tin ông Phan Minh Tiên đảm nhận chức vụ Giám đốc Marketing cho Công ty, bắt đầu từ ngày 1/5. Năm 2013, để có vị Phó chủ tịch Unilever Việt Nam phụ trách ngành hàng thực phẩm, nguyên cả dàn lãnh đạo Samsung từ Hàn Quốc phải bay sang Việt Nam và dành cả ngày trời để gặp gỡ ông Tiên.

Thế nhưng, mới làm việc cho Samsung Việt Nam ngót nghét một năm, ông Tiên lại gây bất ngờ khi về đầu quân cho Vinamilk. Chưa có câu trả lời chính thức từ người trong cuộc nhưng theo giới chuyên môn, Vinamilk phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ và chính sách hậu hĩnh mới có thể mời được nhân vật tiếng tăm này.

Sự kiện Phan Minh Tiên chỉ là một trường hợp trong nhiều trường hợp về sức hút của những "nhân hiệu" người lao động. Bởi, trong thị trường nhân lực cấp cao vừa thiếu về số lượng lẫn chất lượng như hiện nay thì việc tìm được người giỏi như "đãi cát tìm vàng". Ông Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Phó giám đốc Nhân sự ICP Group, cho biết, đến nay, Công ty đã mất hơn 7 tháng để tìm ứng viên chức danh R&D Head.

Công ty đã sử dụng hầu như tất cả các biện pháp để tìm kiếm và tiếp cận ứng viên, từ nguồn giới thiệu, thăm dò, qua các công ty săn đầu người, săn trực tiếp... Công ty cũng đã xúc tiến với một số ứng viên và thậm chí đã thông báo tuyển dụng cho một ứng viên mà ICP cho rằng gần nhất với vị trí này.

Nhưng chỉ một ngày trước khi nhận việc, ứng viên từ chối tham gia vì lý do cá nhân, và quá trình tuyển dụng phải bắt đầu lại từ đầu. Vì vậy, hiện nay, không còn tìm kiếm ứng viên trong nước, ICP đang xúc tiến tìm các ứng viên ở các nước trong khu vực và đang tiếp cận với các ứng viên ở Malaysia, Trung Quốc và Singapore.

Không chỉ DN cần người gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự mà ngay cả phía cung ứng lao động - những công ty săn đầu người (head hunter) cũng không dễ dàng gì. Bà Bùi Thị Thảo, Trưởng bộ phận tuyển dụng văn phòng Hà Nội - Công ty săn đầu người Faro Recruitment Việt Nam, kể, phải mất hai năm Công ty mới thuyết phục được một ứng viên nữ cho vị trí Marketing Director với mức lương 5.000 USD.

Khi yêu cầu, khách hàng của Faro Recruitment Việt Nam đưa ra mức lương 3.000 USD/tháng. Sau khi tìm kiếm và sàng lọc, Faro chọn được vài ứng viên phù hợp với yêu cầu nhưng những người này lại sống ở TP.HCM nên họ đã chối thẳng; chỉ có một ứng viên nữ mà Công ty quyết tâm thuyết phục.

Công ty đã "đeo bám" ứng viên này bằng những cuộc điện thoại hằng tuần, hằng tháng để hiểu tâm tư nguyện vọng cũng như tạo niềm tin. Khi thuyết phục được ứng viên, Công ty lại phải thuyết phục nhà tuyển dụng tăng lương lên 5.000 USD. Sau gần hai năm thuyết phục, Faro mới nhận được "cái gật đầu" của ứng viên.

Theo các chuyên gia, thị trường nguồn nhân lực cấp cao luôn nóng, bất chấp kinh tế khó khăn. Hiện nay, tại TP.HCM có khoảng 300 công ty chuyên về dịch vụ cung ứng lao động, trong đó, có 10 công ty head hunter có quy mô lớn và hoạt động chuyên nghiệp như CareerBuilder, VietnamWork, Timviecnhanh.com...

Số liệu của Navigos Search cho thấy, mức lương cho vị trí giám đốc điều hành, trưởng bộ phận, trưởng chi nhánh của một tổ chức tài chính hay ngân hàng dao động từ 300.000 USD/năm cho người nước ngoài và khoảng 5.000 - 6.000 USD/tháng đối với ứng viên người Việt.

Các vị trí trưởng phòng cấp trung có mức thu nhập bình quân 30 triệu đồng/tháng, kỹ sư phần mềm giỏi, có kinh nghiệm làm việc có mức lương từ 32 - 40 triệu đồng/tháng.

Đánh giá về thị trường nhân lực cao cấp, ông Paul Nguyễn, Tổng giám đốc Công ty CareerBuilder Việt Nam, cho rằng, nhu cầu rất lớn trong khi nguồn nhân lực chưa đáp ứng đủ. Kinh tế Việt Nam phát triển mạnh trong những năm qua trong khi nguồn cung lao động trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu cấp bách đó nên nhiều công ty trong nước phải tuyển dụng ở các quốc gia.

Và ngay từ năm 2004, CareerBuilder đã nhận được những đơn đặt hàng dịch vụ "săn đầu người" rất lớn từ Việt Nam. Cùng nhận định này, bà Bùi Thị Thảo ví von thị trường nhân lực cấp cao giống như một chiếc nón, càng lên cao, càng thu hẹp lại.

"Trên thực tế, việc cắt giảm lao động phổ thông và tỉ lệ thất nghiệp tăng lên nhưng nhu cầu về nguồn nhân sự cấp cao vẫn rất lớn, luôn trong tình trạng khan hiếm, đặc biệt là nguồn trong nước", bà Thảo nói.

Phân tích sâu hơn về ngành này, bà Nga Vương, Giám đốc Công ty RGF HR Agent Vietnam, cho rằng, Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển trên nhiều lĩnh vực và phương diện nên nhu cầu về nguồn nhân lực cấp cao luôn là nhu cầu hàng đầu. So với 5 - 10 năm về trước, nhân lực cấp cao hiện nay đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Nhiều người Việt Nam đã khẳng định được vị thế và vai trò của mình trong việc lãnh đạo và dẫn dắt các DN đi tới thành công. "Họ đã thay thế rất nhiều chuyên gia nước ngoài và đó là điều rất đáng mừng cho thị trường nhân sự cấp cao ở Việt Nam.

Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển ngày càng cao, các DN vẫn rất cần những người có năng lực và phù hợp với ngành nghề, môi trường kinh doanh, nên vẫn có tình trạng thừa nhân lực nhưng thiếu nhân tài phù hợp. Điều khó khăn nhất là phải làm thế nào tìm được cho đúng người, đúng công việc và đúng môi trường...", bà Nga Vương nói.

Doanh nghiệp trong nước xoay trở

Khi có quá nhiều những thương hiệu lớn cùng hoạt động, để tồn tại, các DN cung cấp nhân lực trong nước phải bằng mọi cách để thay đổi.

Thị trường cung ứng dịch vụ lao động Việt Nam đang phát triển cả về quy mô lẫn loại hình. Riêng về loại hình cung ứng dịch vụ cũng xuất hiện thêm rất nhiều dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường ngày càng đòi hỏi cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và gắn kết với hiệu quả đầu tư của khách hàng.

Cũng vì yếu tố đó, sự sàng lọc, cạnh tranh trên thị trường cũng khắc nghiệt hơn, đòi hỏi các nhà cung ứng dịch vụ phải có chiến lược phát triển một cách khác biệt và đầu tư rất nhiều vào yếu tố nhân sự, công nghệ nhằm đáp ứng sự yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Ông Ngô Đình Đức, Tổng giám đốc Công ty CP Giải pháp Nhân lực (L&A), cho biết, trước trào lưu M&A cũng như sự phát triển không ngừng của ngành cung ứng dịch vụ lao động toàn cầu, Công ty đã có sự chuẩn bị và phương án phát triển kinh doanh cụ thể. Hiện Công ty đã thành lập các công ty con chuyên sâu vào từng lĩnh vực.

Trong đó, có một công ty chuyên cung cấp dịch vụ về bán hàng và marketing, một trường trung cấp chuyên nghiệp đào tạo mảng nhân sự điều dưỡng, chăm sóc sức khoẻ theo chương trình hợp tác quốc tế 2 + 2 với Trường Đại học Adamson (Philippines).

"Sự chuẩn bị này giúp cho chuỗi cung ứng của L&A hoàn chỉnh từ khâu đào tạo nhân lực đầu vào theo đúng yêu cầu của DN, cung ứng dịch vụ lao động từ mảng sản xuất và kinh doanh nhằm hướng đến năm 2015 trở thành nhà cung ứng quản lý dịch vụ lao động duy nhất tại Việt Nam có khả năng cung cấp "giải pháp nhân sự trọn gói" cho các DN.

Với các công ty thành viên, L&A có nhiều lợi thế trong việc đảm bảo nguồn nhân lực đầu vào đủ tiêu chuẩn và đạt chất lượng cho yêu cầu DN, cung cấp dịch vụ lao động tất cả các mảng từ sản xuất, kho bãi, kinh doanh tiếp thị và mảng nhân sự văn phòng cho các DN", ông Đức chia sẻ.

Ngoài những dịch vụ chuyên sâu, hiện tại, L&A đã phát triển mô hình cung ứng dịch vụ SIBOT (Strategy: chiến lược - Initiative: giải pháp hỗ trợ - Building: xây dựng hệ thống - Operation: cung ứng dịch vụ quản lý - Tranfer: chuyển giao) tối ưu hoá hiệu quả cung ứng cho người sử dụng dịch vụ.

Khách hàng chỉ trả chi phí theo hiệu quả cam kết của dịch vụ và các giải pháp có tính liên kết hệ thống chặt chẽ nhất. Với kinh nghiệm triển khai các dự án ở quy mô toàn quốc cho nhiều khách hàng có vốn đầu tư nước ngoài và công ty cổ phần lớn tại Việt Nam, ông Đức khẳng định, Công ty thực hiện thành công 100% như cam kết với khách hàng.

Không chỉ có L&A thay đổi, cải tiến chiến lược mà ngay cả Anphabe, dù đã nhận được sự hỗ trợ từ đối tác nước ngoài nhưng vẫn phải tạo sự khác biệt để thu hút khách hàng.

"Trong một thị trường cạnh tranh thì DN quy mô vừa như Anphabe luôn tìm "đại dương xanh" như một cơ hội để phát triển nhanh hơn và tạo sự khác biệt. Anphabe có những điểm đặc biệt về mặt tuyển dụng trực tuyến. Đó là nền tảng cơ sở dữ liệu, tập trung hơn vào nhóm đối tượng trung và cao cấp. Chính vì thế, khách hàng mà Anphabe hợp tác cũng có tính chọn lọc, chỉ tập trung vào những nơi làm việc tốt nhất tại Việt Nam", bà Thanh Nguyễn, Giám đốc Điều hành Công ty Anphabe, cho biết.

Dựa trên định vị này, Anphabe đưa ra những sản phẩm có tính khác biệt cao. Điển hình như "Cổng thông tin nơi làm việc tốt nhất Việt Nam" là nơi cung cấp thông tin toàn diện về những nơi làm việc tốt nhất, cũng như hỗ trợ người tìm việc tiếp cận cơ hội làm việc phù hợp.

Đồng thời, tại cổng thông tin này, người tìm việc còn được tư vấn nghề nghiệp trực tiếp từ phòng nhân sự và nhân viên "nội bộ” của công ty. Theo bà Thanh Nguyễn, lợi thế của Anphabe khi tham gia trên một "sân chơi có nhiều người bạn lớn" là có một định vị khác biệt từ đó đưa ra những sản phẩm, dịch vụ khác biệt.

Bên cạnh đó, Anphabe có đội ngũ linh hoạt để đáp ứng tốt hơn nhu cầu chọn lọc của nhóm khách hàng chọn lọc. Và cộng đồng nghề nghiệp dưới hình thức mạng xã hội của Anphabe là nơi duy nhất tại Việt Nam hiện nay cũng là lợi thế của Công ty.

"Người đến với Anphabe không chỉ để tìm việc như vào những trang tìm việc thông thường khác. Đây còn là kênh chia sẻ, trao đổi kiến thức, con đường thành công và kết nối cơ hội tạo ra một mạng lưới kết hợp hài hoà nhu cầu của người lao động cao cấp ngay kể cả khi họ không tìm việc", bà Thanh Nguyễn chia sẻ.

Cuộc đấu của head hunter ngoại

Khi nhu cầu càng cao thì cơ hội càng lớn và đó cũng là lý do để các nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập và khuynh đảo thị trường nhân lực.

Chưa có con số thống kê cụ thể về thị trường cung ứng lao động nhưng với nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam đang được xem là mảnh đất màu mỡ cho các các nhà đầu tư nước ngoài.

Và mua bán, sáp nhập (M&A) là con đường nhanh nhất mà các nhà đầu tư ngoại đang áp dụng. Cụ thể, trong năm 2013, một loạt tên tuổi lớn đến từ Mỹ, Nhật như CareerBuilder, En-Japan, Recruit... đã thâm nhập thị trường. Mở đầu cho làn sóng M&A trong lĩnh vực này là việc CareerBuilder - công ty về giải pháp nguồn nhân lực lớn nhất thế giới đến từ Mỹ mua lại Kiemviec.com và HRVietnam.com của Công ty VON.

Ngay sau thương vụ CareerBuilder, nhà đầu tư đến từ Nhật là Công ty En-Japan chuyên cung cấp dịch vụ việc làm trực tuyến của Nhật Bản cũng công bố đầu tư vào Navigos Group - tập đoàn điều hành hai website việc làm lớn nhất Việt Nam là VietnamWorks và Navigos Search.

Chưa dừng lại đó, một nhà đầu tư đến từ Nhật khác là Quỹ Đầu tư RGIP thuộc Tập đoàn Recruit về giải pháp nhân sự lớn nhất Nhật Bản đã mua 20% cổ phần tại Công ty Anphabe.

Với hai thương hiệu Kiemviec.com (trang việc làm trực tuyến có doanh thu đứng thứ hai và số lượng thành viên đăng ký lớn nhất Việt Nam) và HRVietnam.com (cung cấp dịch vụ tuyển dụng và các giải pháp nguồn nhân lực dành cho nhà tuyển dụng), CareerBuilder trở thành thương hiệu đứng đầu thị trường cung ứng dịch vụ lao động tại Việt Nam.

Nhà đầu tư này đã không phải mất thời gian xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng với hơn 50 triệu hồ sơ ứng viên vì đã sỡ hữu từ Kiemviec.com và HRVietnam.com. Với thế mạnh của một tập đoàn có mặt tại 60 thị trường trên thế giới, CareerBuilder đã nhanh chóng phát triển tại Việt Nam.

Và ngay sau khi "thôn tính" hai trang việc làm trên, CareerBuilder đã mở văn phòng tại Hà Nội. Còn Navigos Group, với sự đầu tư của En-Japan đang kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới. Trả lời báo giới trong sự kiện công bố đầu tư, ông Carlton Pringle, Tổng giám đốc Điều hành Navigos Group rất kỳ vọng vào tương lai của Công ty.

Bởi, Việt Nam với dân số hơn 90 triệu người, đứng thứ 3 trong ASEAN cùng với dân số trẻ với độ tuổi trung bình là 28 là thị trường tiềm năng cho lĩnh vực dịch vụ cung ứng nhân sự.

Trong khi đó, với sự đầu tư của RGIP, ngoài tài chính, Anphabe còn được hỗ trợ về chiến lược vì Recruit với quy mô 109 công ty con hoạt động trong tất cả các lĩnh vực nhân sự quan trọng. Bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành Công ty Anphabe, cho biết, sau khi bán 20% cổ phần cho đối tác Nhật, số lượng nhân viên Anphabe tăng nhanh.

Bên cạnh đó, các khách hàng chọn Anphabe như một kênh tuyển dụng nhân sự cấp trung và cao. Vào đầu năm 2014, đối tác nước ngoài đã tăng 30% vốn đầu tư vào Anphabe.

Bằng sự kết hợp với đối tác ngoại, Anphabe đang vươn mình trở thành đơn vị tiên phong về lĩnh vực thương hiệu nhà tuyển dụng và trở thành đối tác thương hiệu nhà tuyển dụng chiến lược cho rất nhiều công ty lớn như: Abbott, Suntory PepsiCo, Piaggio, ICP, Heneiken...

Không bằng hình thức M&A, trước CareerBuilder, En-Japan, Recruit, một thương hiệu thuộc top Fortune 500 công ty lớn nhất thế giới là Adecco cũng đã có mặt tại Việt Nam. Với việc gia nhập thị trường, Adecco mở rộng các dịch vụ cung ứng trong nước đồng thời kết nối Việt Nam vào mạng lưới cung ứng nguồn nhân lực tại 60 quốc gia.

Đây là một đối thủ nặng ký cho các DN trong nước vì Adecco có tới 5.500 chi nhánh, hơn 600.000 cộng tác viên và 100.000 khách hàng mỗi ngày. Các giải pháp chuyên sâu của DN này, như tư vấn nhân sự, tuyển dụng lao động cho đến các dịch vụ thuê ngoài về quy trình kinh doanh, tiền lương, nhân sự, tài chính... khó có nhà cung cấp trong nước cạnh tranh được.

Bà Nicola Connolly, Tổng giám đốc Công ty Adecco Việt Nam, cho rằng, Việt Nam là thị trường hấp dẫn bởi mỗi năm có hơn 1 triệu người mới gia nhập thị trường lao động. Chính vì tiềm năng như vậy nên các nhà đầu tư nước ngoài đang gia tăng hoạt động để tận dụng nguồn lao động này.

Đánh giá về sự thâm nhập của các nhà đầu tư nước ngoài, ông Ngô Đình Đức, Tổng giám đốc Công ty CP Giải pháp Nhân lực (L&A), cho rằng, M&A là xu hướng phổ biến trên thế giới nên Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ngày nay, cuộc chơi cũng chỉ dành cho các DN có năng lực cạnh tranh, chiến lược kinh doanh rõ ràng, hệ thống quản trị chuyên nghiệp, bài bản.

"Nói cho cùng, DN không mất đi mà chỉ là sự thay đổi về hình thức sở hữu và đây là cơ hội đón nhận sự đầu tư nâng cấp từ các tổ chức bên ngoài. Nếu nghĩ theo chiều hướng tích cực thì việc này có lợi cho người lao động và xã hội", ông Đức phân tích.

Bà Thanh Nguyễn cũng cho rằng, M&A là xu hướng tất yếu trong một thị trường cạnh tranh. Đây cũng là một tín hiệu tích cực vì thị trường lao động tại Việt Nam ngày càng phát triển hơn đồng thời là mảnh đất màu mỡ cho nhiều đơn vị cung ứng lao động cùng hoạt động.

(Theo Doanh nhân Sài gòn Online 19/8/2014)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh