Trái phiếu chính phủ “đắt hàng” đầu năm
Ngày nhập : 24/03/2015 15:45
(TBKTSG) - Hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) trong các tháng đầu năm đang diễn ra khá thuận lợi nhờ thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá dồi dào. Tuy nhiên, sự thay đổi về kỳ vọng lạm phát trong tháng 3 có thể sẽ khiến lợi suất phát hành khó có khả năng giảm sâu trong ngắn hạn.
 
Thuận lợi trong hoạt động phát hành

Từ đầu năm đến nay, tình hình phát hành TPCP của Kho bạc Nhà nước (KBNN) khá thuận lợi. Cụ thể, từ đầu năm đến ngày 5-3, KBNN đã gọi thầu 51.000 tỉ đồng TPCP, cao hơn 1.000 tỉ đồng so với mức 50.000 tỉ của cùng kỳ năm 2014. Một điểm đáng lưu ý là trong nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, Quốc hội đã yêu cầu từ năm nay chỉ phát hành TPCP kỳ hạn dài (từ năm năm trở lên) nhằm giảm tải nghĩa vụ thanh toán nợ ngắn hạn hàng năm.

Thực hiện đúng theo định hướng đó, KBNN trong các tháng đầu năm đều phát hành TPCP ở các kỳ hạn dài. Cụ thể, trong số 51.000 tỉ đồng TPCP gọi thầu thì kỳ hạn năm năm chiếm tỷ trọng lớn nhất với 37.000 tỉ (tương đương 72,5%); kỳ hạn 10 năm là 6.000 tỉ (chiếm 11,7%); còn lại là kỳ hạn 15 năm với 8.000 tỉ (chiếm 15,8%).

Tỷ lệ trúng thầu bình quân trong hai tháng qua đạt mức rất cao với 91,2% tương đương 46.523 tỉ đồng. Trong đó, kỳ hạn 15 năm đạt tỷ lệ trúng thầu tuyệt đối 100%; kỳ hạn năm năm đứng thứ hai trong mức độ thu hút nhà đầu tư với tỷ lệ trúng thầu 93,7%; kỳ hạn 10 năm có tỷ lệ trúng thầu thấp nhất với 63,8%.

Các yếu tố hỗ trợ

Kế hoạch của KBNN trong năm nay là sẽ phát hành 250.000 tỉ đồng TPCP, trong đó quí 1 sẽ phát hành 70.000 tỉ đồng. Với kết quả đã đạt được trong hai tháng đầu năm, mục tiêu này nhiều khả năng sẽ hoàn thành. Có thể thấy, xét về thời điểm, việc phát hành đã được KBNN xử lý theo hướng ngày càng linh hoạt và hợp lý hơn khi chủ trương tăng khối lượng phát hành trong các tháng đầu năm - lúc mà tín dụng của hệ thống ngân hàng còn đang khởi động - và giảm bớt khối lượng phát hành trong các quí cuối năm khi tín dụng vào thời điểm tăng tốc. Điều này phần nào cho thấy sự phối hợp đã có phần “ăn ý” hơn giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, nhằm đảm bảo được mục tiêu phát hành nhưng không gây sức ép lên thanh khoản hệ thống.

Yếu tố đóng vai trò quan trọng hỗ trợ cho sự thành công của các đợt phát hành TPCP đầu năm là thanh khoản ngân hàng khá dồi dào, cả ở thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán (trừ tuần lễ cận Tết là lúc cao điểm về nhu cầu thanh toán). Sau Tết, NHNN lại nhanh chóng hút ròng trở lại qua thị trường mở (tuần qua hút ròng lên tới hơn 95.000 tỉ đồng, vượt qua cả mức bơm ròng hơn 93.000 tỉ đồng trong tuần sát Tết). Bên cạnh đó, dòng tiền nhàn rỗi cũng có xu hướng dần quay trở lại ngân hàng trong khi tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm ước tính chỉ khoảng gần 1%, nên hầu như chưa gây áp lực nào đáng kể lên thanh khoản toàn hệ thống.

Trong bối cảnh nguồn tiền nhàn rỗi tạm thời dư thừa, đầu tư vào TPCP là một sự lựa chọn tốt đối với các ngân hàng trong thời điểm hiện tại. Ngoài ra, thị trường TPCP thứ cấp đang dần sôi động (giá trị giao dịch tăng gấp đôi trong tuần qua) cũng đang là nhân tố hỗ trợ hoạt động phát hành trên thị trường sơ cấp.

Xu hướng lãi suất phát hành

Lãi suất phát hành TPCP đã liên tục có xu hướng giảm kể từ đầu năm đến nay. Lãi suất kỳ hạn năm năm có mức giảm mạnh nhất, lên tới 0,7 điểm phần trăm từ mức 6,01%/năm về mức 5,3%/năm trong lần đấu thầu gần nhất. Kỳ hạn 10 năm và 15 năm có mức giảm ít hơn với lần lượt 0,12% và 0,35%. Tuy nhiên, đây chưa phải là những mức lãi suất thấp nhất nếu so với thời điểm tháng 10-2014 (lãi suất hiện tại cao hơn khoảng 0,5%).

Trong tháng 3, sự thay đổi về kỳ vọng lạm phát có thể sẽ khiến cho lãi suất các đợt phát hành TPCP khó có khả năng giảm mạnh. Cụ thể, giá điện đã tăng 7,5% từ ngày 16-3 chắc chắn sẽ có sự ảnh hưởng đến chỉ số CPI. Theo tính toán, nếu giá điện tăng thêm 7,5% thì chỉ riêng mặt hàng này sẽ khiến CPI tăng thêm khoảng 0,25% trong thời gian tới. Riêng trong tháng 3, mức độ phản ánh có thể mới chỉ khoảng 0,1%; còn lại sẽ phản ứng rõ rệt hơn trong CPI tháng 4.

Ngoài ra, giá xăng dầu đã tăng hồi tuần rồi cũng sẽ ảnh hưởng phần nào đến CPI tháng 3.

Với những tác động trên, CPI tháng 3 khó có khả năng sẽ tiếp tục ở mức âm như bốn tháng trước đó. Ngoài kỳ vọng lạm phát thay đổi thì tín dụng dần lấy lại đà tăng trưởng cùng nhu cầu phải hoàn thành kế hoạch phát hành cũng là những yếu tố sẽ khiến cho lợi suất khó có khả năng giảm sâu, ít nhất là trong thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4 tới.

(Theo thesaigontimes.vn ngày 24/03/2015)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh