Việt Nam tăng 21 bậc về xếp hạng môi trường kinh doanh
Ngày nhập : 29/10/2014 14:59
Ngày 29/10, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo “Môi trường kinh doanh 2015: Xa hơn hiệu quả”.

Theo đó, Việt Nam đứng thứ 78/189 quốc gia về chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi năm 2015, tăng đáng kể so với mức 99/189 của lần công bố tháng 10/2013.

Tuy nhiên, từ năm nay WB thay đổi cách tính theo phương pháp mới nên nếu áp dụng theo cách tính mới này, chỉ số môi trường kinh doanh thuận lợi năm 2014 của Việt Nam sẽ là 72 (không phải thứ 99 theo cách tính cũ). Như vậy nếu tính theo cách tính mới, chỉ số môi trường kinh doanh thuận lợi năm 2015 thấp hơn chỉ số cũ 6 bậc.

Trong báo cáo mới công bố, WB cho rằng Việt Nam đã cải thiện hệ thống thông tin tín dụng quốc gia bằng cách thiết lập (đúng hơn là nâng cấp – phóng viên) một cơ quan thông tin tín dụng mới. Đồng thời, Việt Nam đã giúp các công ty giảm bớt chi phí thuế bằng cách giảm mức thuế thu nhập DN. Hai lĩnh vực có cải cách được ghi nhận trong báo cáo là vay vốn (thông tin tín dụng) và nộp thuế.

Đối với xếp hạng các lĩnh vực cụ thể, có 5 lĩnh vực bị tụt hạng so với báo cáo năm ngoái. Cụ thể, chỉ số về khởi sự kinh doanh năm nay ở thứ hạng 125, giảm 5 bậc; chỉ số về tín dụng ở thứ hạng 36, giảm 6 bậc; chỉ số về nộp thuế ở thứ hạng 173, giảm 2 bậc; chỉ số về bảo vệ nhà đầu tư thiểu số ở thứ hạng 117, giảm 2 bậc; chỉ số về thương mại xuyên biên giới ở thứ hạng 75, giảm 1 bậc.

Đáng chú ý là dường như báo cáo này của WB có nhiều điểm chưa được cập nhật. Đơn cử, thời gian mà DN phải bỏ ra để thực hiện thủ tục nộp thuế tại Việt Nam vẫn là 872 giờ/năm, không thay đổi so với những năm trước. Trong khi trên thực tế, từ ngày 1/9/2014, với việc thực hiện Thông tư 119 của Bộ Tài chính đã giúp giảm 201,5 giờ nộp thuế và tiết kiệm khoảng 3.000 tỷ đồng/năm cho các DN. Như vậy, thời gian nộp thuế của DN đã giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, với Nghị định 91 của Chính phủ, số lần nộp thuế giá trị gia tăng đã giảm từ 12 lần xuống còn 4 lần và số lần nộp thuế thu nhập DN cũng giảm từ 4 lần xuống còn 1 lần. Nhờ đó cũng giúp giảm thời gian nộp thuế 88,36 giờ và tiết kiệm khoảng 1.400 tỷ đồng cho các DN.

Nhìn nhận chung, WB cho rằng các nền kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương tiếp tục dẫn đầu về các cải cách có lợi cho DN. Trong đó, Singapore tiếp tục dẫn đầu thế giới về mức độ thuận lợi kinh doanh. Nằm trong số 10 nền kinh tế thuận lợi nhất cho kinh doanh còn có New Zealand, Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc và Úc.

Bà Rita Ramalho, tác giả chính của báo cáo Môi trường kinh doanh, Nhóm WB cho biết:“Kể từ năm 2005, khu vực Đông Á – Thái Bình Dương đã thu hẹp khoảng cách với các thông lệ tốt trên toàn thế giới. Trong thập kỷ vừa qua, những cải cách pháp lý nhất quán đã cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi trong vùng và đóng góp vào nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho các DN địa phương”.

Báo cáo năm nay áp dụng những bộ chỉ số được mở rộng đáng kể và có những thay đổi trong cách tính xếp hạng. Cụ thể 3 thay đổi gồm: Bổ sung thêm một thành phố đối với 11 nền kinh tế; Mở rộng phạm vi của 3 trong số 10 chủ đề được xếp hạng (giải quyết tình trạng phá sản; bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ; tiếp cận tín dụng); và Xếp loại tổng hợp dựa trên khoảng cách tới điểm tốt nhất (cách đo này cho biết khoảng cách từ mỗi nền kinh tế tới các thông lệ tốt nhất trên thế giới về quy định kinh doanh).

Theo lý giải của WB, những thay đổi trong phương pháp luận được áp dụng năm nay nhằm mục đích mở rộng việc sử dụng dữ liệu của các nhà hoạch định chính sách và nhà nghiên cứu. Bằng cách tập trung nhiều hơn vào chất lượng pháp lý, báo cáo môi trường kinh doanh sẽ mở ra một lĩnh vực nghiên cứu mới. Mục tiêu là giúp tăng hiểu biết về tầm quan trọng của chất lượng quy định kinh doanh và mối quan hệ của nó tới hiệu lực pháp lý và thành quả kinh tế.

Các dữ liệu trong báo cáo môi trường kinh doanh cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những so sánh thuộc một lĩnh vực rất quan trọng: Môi trường pháp lý cho hoạt động kinh doanh. Các dữ liệu nêu bật những nguyên nhân gây đình trệ và những điểm thiếu linh hoạt trong hệ thống pháp lý và quy định cho các DN, đồng thời chỉ ra những gì cần phải thay đổi khi thiết kế cải cách.

Các nhà hoạch định chính sách có thể cũng hưởng lợi từ việc rà soát những kinh nghiệm của các nền kinh tế đã áp dụng những thông lệ quy định kinh doanh hiệu quả hơn và thực hiện tốt các chỉ số. Bằng cách mở rộng phạm vi đo lường, báo cáo cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách một bức tranh hoàn thiện hơn về môi trường kinh doanh cũng như những lĩnh vực mới để xem xét cho lịch trình cải cách của họ.

       (Theo thoibaonganhang.vn/29-10-2014)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh