3 động lực cho tăng trưởng bền vững
Ngày nhập : 17/05/2018 14:59
Chính phủ đã nhìn xa hơn trong cả kế hoạch 5 năm 2016-2020, để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đã đặt ra, cần có các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng đột phá và bền vững cho giai đoạn tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết.
 
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Xin Bộ trưởng chia sẻ rõ hơn về những vấn đề mà Chính phủ đang triển khai để hiện thực hoá các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng trong năm nay cũng như 2 năm cuối của kế hoạch 5 năm 2016-2020 ?

Có 3 vấn đề mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thay mặt Chính phủ tập trung xây dựng để làm động lực cho tăng trưởng bền vững trong giai đoạn tới. Đó là thể chế, năng suất lao động, và phát triển kinh tế tư nhân.

Yếu tố đầu tiên tôi muốn nhấn mạnh và cũng là động lực mang tính nền móng, căn bản với tăng tưởng kinh tế đó là công tác thể chế. Các năm gần đây thể chế có nhiều thay đổi tích cực, nhiều luật được xây dựng, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ và thuận lợi để phát huy mọi lợi thế cho phát triển nhanh và bền vững.

Điển hình là Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ được xem xét vào kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIV tới, được xây dựng với quan điểm tận dụng tối đa nguồn lực đất nước, tạo lập cơ chế vượt trội, tạo ra sân chơi quốc tế mới trên chính lãnh thổ Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Việt Nam chủ động tạo dựng ra một sân chơi, thiết kế một luật chơi mới ngay trên lãnh thổ của mình để tạo động lực phát triển và thu hút đầu tư cả trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên đây mới là bước đầu tiên, nhìn tổng thể lộ trình cải cách thể chế của chúng ta còn nhiều việc phải làm nhằm thiết lập quan hệ rõ ràng giữa nhà nước và các thành phần kinh tế, các yếu tố thị trường, cũng như giải phóng mọi nguồn lực phát triển, mọi thành phần kinh tế phải tham gia đóng góp tích cực vào cải cách.

Với cải cách thể chế, chúng ta phải thay đổi suy nghĩ, không lấy đá lấp dòng chảy sau đó tháo nó ra rồi coi đó là cải cách. Điều quan trọng hơn nữa là chúng ta tháo ra rồi thì không được lấp lại, không nên tạo dựng ra rào cản mới. Các cơ quan hành chính nhà nước phải thay đổi mạnh mẽ tư duy này nếu không cứ tháo ra lấp lại sẽ làm mất nhiều cơ hội, cản trở phát triển.

Nâng cao năng suất lao động là cốt lõi, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, đảm bảo phát triển bền vững, nhưng cho dù đã tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây nhưng năng suất lao động vẫn thấp nhiều so với khu vực ? 

Tăng năng suất lao động và tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra rất nhanh, mạnh như vũ bão là cơ hội ngàn năm có một giúp Việt Nam tăng tốc bứt phá, thu hẹp khoảng cách đồng hành cùng thế giới, chưa nói là có những sản phẩm, ngành nghề chúng ta có thể đi trước cả thế giới nếu chúng ta có tham vọng, có quyết tâm làm. Đây cũng là giải pháp hiệu quả nhất giúp các nước đang phát triển đẩy nhanh tốc độ, thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới.

Năng suất lao động của nền kinh tế có xu hướng gia tăng từng năm, tuy nhiên chúng ta chưa thể hài lòng bởi đến nay thứ hạng của Việt Nam vẫn rất thấp so với khu vực. Bên cạnh đó TFP đã có nhiều cải thiện trong 15 năm trở lại đây và tăng trưởng kinh tế có sự chuyển dịch dần dựa vào các nhân tố chất lượng như thể chế, khoa học, giáo dục… Tuy nhiên sự chuyển dịch này chưa rõ nét và nhiều chuyên gia nhận định kinh tế Việt Nam còn dựa nhiều vào các yếu tố vốn và lao động trong khi các yếu tố này đã không còn là lợi thế, thậm chí là bất lợi trước tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.

Chính vì vậy bộ đang được Chính phủ giao xây dựng đề án về các giải pháp thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh tận dụng tác động của cách mạng 4.0, đồng thời bộ đang nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao để sớm hoàn thành chiến lược cách mạng công nghiệp 4.0.

Chúng ta xây dựng chiến lược này để tận dụng mọi cơ hội dù là nhỏ nhất, vượt qua các thách thức, chuyển đổi nền kinh tế phù hợp. Chiến lược này cũng có trọng tâm là huy động sự tham gia rộng rãi của cả một thế hệ người Việt Nam đã và đang thành công trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật… cùng với việc hình thành các trung tâm công nghệ đổi mới sáng tạo, nghiên cứu bậc nhất thế giới.
 


Năng suất lao động có xu hướng gia tăng từng năm, tuy nhiên thứ hạng của Việt Nam vẫn rất thấp so với khu vực

Và phát huy động lực từ phát triển kinh tế tư nhân thế nào ?

Phát triển kinh tế tư nhân thực ra là một động lực kép, khi phát triển kinh tế tư nhân đồng thời tạo ra sự liên kết mạnh mẽ giữa tư nhân trong nước với nước ngoài. Cùng với tư nhân trong nước, khu vực tư nhân nước ngoài cũng là động lực cho tăng trưởng.

Kinh tế tư nhân chính là động lực dài hạn, đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao tính linh hoạt, năng lực của nền kinh tế, thể hiện tính nhất quán trong đường lối đổi mới theo hướng kinh tế thị trường, tạo sự yên tâm cho các DN, NĐT. Trong các năm gần đây số liệu tăng trưởng DN đã chứng minh sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam.

Cùng với tăng trưởng về số lượng, các DN thành lập cũng theo sát xu hướng thế giới trong khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nhiều mô hình kinh doanh đã thu hút được các quỹ đầu tư mạo hiểm. Điều đó cho thấy sự nhanh nhạy, trình độ tư duy khoa học và khả năng nắm bắt của giới trẻ Việt Nam rất tiên tiến. Chúng ta phải chuẩn bị sẵn nguồn lực con người, vật chất để áp dụng các thành tựu này và tạo ra sức bật trong thập kỷ tới.

Không khó để thấy thành công hiện nay của kinh tế Việt Nam có đóng góp lớn của FDI, và khu vực này sẽ còn giữ vai trò như một trụ cột của nền kinh tế thời gian tới. Chúng tôi gọi họ là người công binh mở đường trong 3 thập kỷ phát triển vừa qua của Việt Nam. Có thể ví họ như con ong vừa hút mật vừa thụ phấn, mang lại lợi ích cho bản thân họ nhưng cũng đóng góp cho sự phát triển của đất nước chúng ta.

Còn nhiều động lực khác minh chứng cho triển vọng của kinh tế Việt Nam trong các năm tiếp theo như kết cấu hạ tầng phát triển mạnh mẽ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển từng ngành, lĩnh vực… dư địa còn nhiều nhưng vấn đề là làm thế nào khai phá ?

Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, chúng ta không thể lơ là các yếu tố rủi ro bởi kinh tế thế giới đối diện nhiều yếu tố bất định, các vấn đề địa chính trị tiếp tục diễn biến khó lường. Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội đã tiến triển  tích cực song đây mới chỉ là bước đầu. Chúng ta đều hiểu rằng, để đạt được những mục tiêu và kỳ vọng, còn rất nhiều việc phải làm, cần có sự  nỗ lực và tập trung rất lớn của các cấp, các ngành từ trung ương xuống địa phương, của tất cả các thành phần kinh tế, nhà nước, tư nhân, nước ngoài để giữ vững đà tăng trưởng, không chỉ cho năm 2018 mà còn cho những năm tiếp theo.

Xin cảm ơn Bộ trưởng !
 
Khát vọng cải cách phải nằm trong từng cán bộ, công chức

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM)

Dù đã đạt được một số kết quả, song nhìn chung tốc độ cải cách thể chế vẫn chậm và chưa đáp ứng được kỳ vọng của DN. Khoảng cách hướng tới mục tiêu môi trường kinh doanh của Việt Nam phải xếp thứ 40 đạt mức trung bình của Asean 4 vẫn rất xa. Chúng ta vẫn ở vị trí 86. Chính phủ chỉ đạo xoá bỏ mạnh mẽ các điều kiện kinh doanh từ tháng 8 năm ngoái, đến nay đã được 10 tháng rồi song việc này mới được hiện thực hoá bằng 1 Nghị định, còn cơ bản vẫn nằm trên các phương án, dự thảo.

Chừng nào khát vọng cải cách không còn nằm trong tư duy nhà lãnh đạo mà phải nằm trong từng cán bộ công chức giải quyết sự việc thì thể chế mới thay đổi. Thay đổi tư duy trong bộ máy hành chính là một nội dung quan trọng của cải cách thể chế.

Kịp thời cấu trúc lại bộ máy

Ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển

Hiện tại, người đứng đầu Chính phủ đã thể hiện quyết tâm chính trị thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Trong 1 năm qua, cải cách thể chế có tiến triển nhưng chậm, dẫn đến tình trạng trên nóng, dưới lạnh. Do đó, trọng tâm vấn đề hiện nay là sự chuyển động cả hệ thống. Đây là chuyển động của toàn bộ máy, kể các cấp quản lý, cấp dưới là việc cấp bách. Và cần có chế tài. 

Thứ hai, cải thiện chất lượng các văn bản pháp luật, là việc cần làm ngay và làm nhanh.

Thứ ba, về trung hạn, cần cấu trúc lại bộ máy thể chế để hình thành đúng nghĩa nhà nước kiến tạo phát triển. Đổi mới ở Việt Nam đã qua 30 năm, dù đạt được nhiều thành tựu nhưng còn nhiều khó khăn. Muốn vận động được hiệu quả cần cấu trúc bộ máy kịp phục vụ giai đoạn thực sự kiến tạo phát triển bằng cách nhìn mới, luật chơi mới để tháo gỡ khó khăn, tháo gỡ các vướng cản trước đó để lại.

Thu hút FDI cần chọn lọc hơn

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài

Đánh giá 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, tôi cho rằng cần rà soát lại luật pháp chính sách, tăng cường năng lực thực thi của bộ máy, tăng cường năng lực hấp thu của bộ máy. Trong bối cảnh mới, phải thu hút đầu tư có chọn lọc. Để thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, phải có hàng rào kỹ thuật. Chúng ta tham gia rất nhiều các hiệp định thương mại với mức độ mở cửa lớn nhưng khi cần đóng thì rất khó, do đó cần phải có những cái “van” để đóng khi cần thiết.

Ví dụ, các tỉnh như Đồng Nai, Binh Dương thu hút mạnh mẽ các dự án công nghiệp nhưng các dự án dệt may bị hạn chế. Trong bối cảnh cảnh mới chúng ta phải thu hút đầu tư có chọn lọc, đồng thời trong khi chúng ta mở cửa bình đẳng với các nền kinh tế, tham gia các FTA thế hệ mới, làm thế nào để tạo sức ép đạt được các mục tiêu như chuyển giao công nghệ, kết nối giữa khu vực trong nước với FDI…
 
(Theo Thời Báo Ngân Hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh