Bản tin kinh tế - tài chính tuần 3 tháng 12/2017
Ngày nhập : 22/12/2017 16:18
Kinh tế Việt Nam tiếp tục giữ được đà tăng trưởng trong năm 2017; Thị trường bán lẻ Việt Nam được xếp trong nhóm những thị trường sôi động nhất hay Thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2017 tăng trưởng khả quan... đó là một số thông tin kinh tế - tài chính đáng chú ý trong tuần 3 tháng 12/2017.
 
 
KINH TẾ VÀ THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Fed đã tăng lãi suất cơ bản lần thứ 3 trong năm 2017

Tăng thêm 0,25%, lên mức 1,25% -1,5%, cho thấy niềm tin vào sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ sau khi kinh tế nước này đạt mức tăng trưởng 3,3% trong quý 3/2017, và duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4,1%, thấp nhất trong 17 năm qua.

Fed cũng kỳ vọng thị trường lao động sẽ vẫn mạnh với khả năng tạo ra việc làm ổn định, làm tăng các cơ hội cho người lao động và tăng lương. Đồng thời, Fed đưa ra dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm ba lần nữa trong năm 2018.

Lãi suất cơ bản tại nhiều nền kinh tế phát triển cũng được dự báo sẽ tăng trong năm 2018 (Châu Âu, Anh, Nauy, Thụy Sỹ)

Mức lãi suất cơ bản tại các nền kinh tế phát triển có thể sẽ tăng lên mức 1%/năm (theo Citigroup) và 1,2%/năm (theo JPMorgan), cao nhất kể từ 2008. Các dự báo trên dựa trên kịch bản kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng quanh mức 4% trong năm 2018, tốt nhất kể từ năm 2011. Các động lực chính bao gồm tỷ lệ thất nghiệp giảm, hoạt động thương mại và đầu tư sôi động hơn, dự luật cắt giảm thuế tại Mỹ được phê chuẩn.

Tại Châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nâng dự báo tăng trưởng khu vực Eurozone

Cụ thể, ECB (14/12) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực này lên 2,4% trong năm nay, 2,3% năm 2018 và 1,9% năm kế tiếp1 , đồng thời duy trì sự hỗ trợ quy mô lớn đối với nền kinh tế này do lo ngại lạm phát không thể đạt mục tiêu đề ra vào năm 2020. Tỷ lệ lạm phát dự kiến sẽ giảm từ mức 1,5% trong năm nay xuống 1,4% năm sau và tăng lên 1,7% vào năm 2019, vẫn thấp hơn so mục tiêu 2% - mức được đánh giá là tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế của Eurozone.

Cùng với đó, Ủy ban châu Âu (EC) có kế hoạch thành lập một Quỹ Tiền tệ riêng của liên minh châu Âu. Theo đó, EC (6/12) đã công bố kế hoạch cải tổ khu vực Đồng tiền chung châu Âu, trong đó bao gồm việc thành lập một Quỹ tiền tệ của riêng liên minh Châu Âu để có thể thay thế Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) trong các chương trình cứu trợ tài chính trong tương lai của Eurozone cũng như hỗ trợ đầu tư. Gói đề xuất trên nhằm thúc đẩy sự đoàn kết trong Liên minh châu Âu trong bối cảnh Anh chính thức rời khỏi EU vào năm 2019 và tâm lý rời bỏ EU gia tăng ở một số nước thành viên.

Tại Châu Á, Ngân hàng phát triển châu Á đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực Châu Á lên 6% trong năm 2017 (tăng 0,1% so với dự báo hồi tháng 9) nhờ tăng trưởng xuất khẩu và tiêu thụ nhiên liệu nội địa cao hơn so với dự kiến.

Trong đó, tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á được nâng lên so với dự báo trước đó, với mức tăng dự kiến là 5,2% trong năm 2017 và 2018 (tăng so với mức dự báo tương ứng là 5% và 5,1% so với dự báo trước đó) nhờ cầu nội địa tăng mạnh, tiêu dùng cá nhân và đầu tư sẽ tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng khu vực này.

ADB cũng ghi nhận thành tích kinh tế của Việt Nam khi nông nghiệp phục hồi, công nghiệp và xây dựng duy trì mức tăng trưởng, lĩnh vực chế biến – chế tạo có sự gia tăng mạnh mẽ. ADB đã nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 6,7% cho cả năm 2017 và 2018, tăng 0,5 điểm % so với dự báo trước đó.

Trên thị trường chứng khoán, chứng khoán Mỹ tăng điểm tuần thứ 4 liên tiếp do kỳ vọng dự luật cải tổ thuế dự kiến được thông qua trong tuần 18-22/12/2017

Chỉ số Dow Jones 30 (Mỹ) tăng 1,3%, S&P 500 tăng 0,9%. Chứng khoán Châu Âu giảm nhẹ ngoại trừ chỉ số FTSE 100 (Anh). Chỉ số DAX 30 của Đức giảm 0,38%, chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 1,1%. FTSE 100 của Anh tăng 1,31% đạt 7.491 điểm.

Chứng khoán Châu Á giảm điểm. Chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 0,73% xuống 3.266 điểm sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) bất ngờ tăng lãi suất repos trên thị trường mở thêm 0,05%/năm đối với 2 kỳ hạn 07 ngày và 28 ngày. Chỉ số Nikkei Nhật giảm 1,13% đạt 22.556 điểm, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh.

KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh tế Việt Nam tiếp tục giữ được đà tăng trưởng trong năm 2017

Theo báo cáo Taking Stock (Điểm lại) của Ngân hàng thế giới (WB), kinh tế Việt Nam đã có nhiều điểm sáng: (i) nhu cầu nội địa tăng mạnh, sản xuất chế biến chế tạo tăng trưởng tích cực và sự phục hồi của ngành nông nghiệp; (ii) chính sách tiền tệ và tín dụng tiếp tục mục tiêu đảm bảo cân bằng ổn định và các mục tiêu tăng trưởng; (iii) cán cân thanh toán của Việt Nam hiện thặng dư nhờ thặng dư thương mại, kiều hối dồi dào và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; (iv) dòng vốn ngoại tệ tăng mạnh góp phần giúp cho tỷ giá hối đoái tiếp tục ổn định và dự trữ ngoại hối gia tăng; (v) báo cáo Ngân sách quốc gia được WB đánh giá chất lượng và tính bền vững của việc điều chỉnh có thể được cải thiện; (vi) tái cơ cấu nền kinh tế nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và năng suất của nền kinh tế vẫn đang là trọng tâm; (vii) nền kinh tế tiếp tục tạo việc làm và tăng lương thực tế nhanh, dẫn đến việc mở rộng phúc lợi và giảm nghèo.

Cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, thị trường bán lẻ Việt Nam được xếp trong nhóm những thị trường sôi động nhất

Theo Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam2 , sau 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều khởi sắc, là một trong những thị trường tiềm năng hấp dẫn đầu tư trong và ngoài nước, thuộc top 30 quốc gia có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới.

Với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, hiện tỷ lệ bán buôn và bán lẻ Việt Nam chiếm tới 14% GDP và là 1 trong 6 ngành nghề thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất.

Việt Nam được đánh giá có tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu ấn tượng

Theo báo cáo của WTO về tình hình thương mại toàn cầu năm 2016, xét về tổng quy mô giá trị xuất nhập khẩu, Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.

Trong đó, xuất khẩu đứng thứ 4 khu vực và 26 thế giới, nhập khẩu đứng thứ 3 trong ASEAN và đứng 25 thế giới. Cơ quan này cũng đánh giá, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu về kim ngạch xuất nhập khẩu có tốc độ tăng trưởng nhanh, với mức tăng 9% kim ngạch xuất khẩu4 và 5% kim ngạch nhập khẩu.

THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ

Tỷ giá USD/VNĐ vẫn giữ được ổn định trong những tháng cuối năm 2017 do được hỗ trợ từ ba yếu tố chính: đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam năm 2017 tăng mạnh, nguồn cung USD tăng do xuất siêu đạt 3 tỷ USD, chênh lệch giữa lãi suất huy động VND và USD vẫn nghiêng về việc nắm giữ VND.

THỊ TRƯỜNG NGÂN HÀNG

Thị trường chứng khoán khởi sắc và lợi nhuận các ngân hàng tăng mạnh là điều kiện thuận lợi giúp các ngân hàng Việt Nam đồng loạt tăng vốn, gia tăng năng lực tài chính.

Các ngân hàng tăng vốn gần đây gồm: ngân hàng TMCP Quân đội tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng lên 18.155 tỷ đồng, ngân hàng VPbank tăng thêm 1.647 tỷ đồng lên mức 15.706 tỷ đồng, ngân hàng ACB tăng thêm 1.882 tỷ đồng lên 11.259 tỷ đồng. Ngày 7/12/2017, HDBank được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 8.828 tỷ đồng lên 9.809 tỷ đồng. Techcombank cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gần 14.000 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Thị trường cổ phiếu

Thị trường cổ phiếu tuần 11-15/12 bình ổn trở lại, chỉ số VN Index hồi phục lên trên 930 điểm. Trong ngắn hạn, chỉ số VN Index khó tăng mạnh do mặt bằng giá cổ phiếu bớt hấp dẫn khi mức P/E đã tương đương với mức bình quân các TTCK chủ chốt tại ASEAN (gần 19 lần), các quỹ đầu tư nước ngoài cơ cấu danh mục đầu tư và giảm giao dịch vào thời điểm cuối năm, dư nợ cho vay ký quỹ tại các CTCK chạm ngưỡng tới hạn, giá cổ phiếu ngành ngân hàng đã đạt kỳ vọng của thị trường.

Tuy nhiên, xu hướng trung dài hạn của VN Index vẫn tích cực và kỳ vọng thu hút thêm vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài từ các đợt thoái vốn, IPO doanh nghiệp Nhà nước lớn diễn ra cuối năm 2017 và đầu năm 2018.

Thị trường trái phiếu

Với tình hình giải ngân vốn TPCP chậm, thâm hụt ngân sách ở mức thấp, KBNN không nhất thiết phải hoàn thành chỉ tiêu phát hành TPCP năm 2017 để giảm áp lực nợ công. Tuần qua, KBNN chỉ gọi thầu 1.300 tỷ đồng TPCP ở kỳ hạn 10 năm. Kết quả huy động thành công 100% với lãi suất trúng thầu giảm 0,14%/năm so với lần đấu thầu trước đó. Lũy kế từ đầu năm đến hết 15/12/2017, KBNN phát hành được hơn 159 nghìn 920 tỷ đồng TPCP, hoàn thành 87,25% kế hoạch năm 2017.

Dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán

Trong tuần, khối ngoại mua ròng 51 triệu USD (trong đó mua ròng 69 triệu USD trái phiếu và bán ròng 18 triệu USD cổ phiếu). Từ đầu năm 2017, giá trị mua ròng của khối ngoại đạt 1 tỷ 830 triệu USD (814 triệu USD trái phiếu, 1 tỷ 16 triệu USD cổ phiếu), tăng 6,5 lần so với cùng kỳ năm 2016.

343,66 triệu cổ phiếu Sabeco (53,59%) đấu giá ngày 18/12/2017 đã được Công ty TNHH Vietnam Beverage (công ty liên quan tới tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi) mua toàn bộ ở mức giá đấu thành công 320.000 đồng/cổ phiếu với tổng trị giá gần 110 nghìn tỷ đồng (4,8 tỷ USD).

Các công ty có liên quan đến ông Charoen đã đầu tư vào một số công ty lớn ở Việt Nam như Vinamilk, Metro. Đây là thương vụ đấu giá cổ phần Nhà nước thu về lượng ngoại tệ lớn nhất từ trước tới nay cho ngân sách Nhà nước, góp phần giảm thâm hụt ngân sách và tăng dự trữ ngoại hối.

Triển vọng của dòng vốn gián tiếp nước ngoài vẫn tích cực nhờ các đợt thoái vốn Nhà nước và IPO cổ phần hóa tại các doanh nghiệp có chất lượng sẽ diễn ra vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018 (FPT, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Domesco, Lọc hóa Dầu Bình sơn, PV Power, PV Oil...).

Thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2017 tăng trưởng khả quan

Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường tăng 21% so với năm 2016, đạt 105.600 tỷ đồng, trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng 30%, bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng 12%. Động lực tăng trưởng là chất lượng dịch vụ được nâng cao, đơn giản hóa thủ tục chi trả bối thường và đẩy mạnh triển khai áp dụng công nghệ thông tin qua kênh phân phối.

(Theo Thời Báo Ngân Hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh