Chiến lược phát triển Kinh tế - xã hội 2021-2030: Cơ hội vàng của Việt Nam
Ngày nhập : 17/06/2019 11:39
Khuyến nghị cho Chiến lược phát triển này của Việt Nam, ông Sebastian Eckardt - chuyên gia kinh tế trưởng của WB đặc biệt lưu ý đến vấn đề nâng cao chất lượng tăng trưởng...

“Đây là cơ hội vàng, là thời điểm quan trọng đối với Việt Nam khi phải đương đầu với những thách thức mới và tìm con đường hiện thực hoá tham vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045”, ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam nhấn mạnh khi Việt Nam đang lấy ý kiến cho việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025.
 

Cơ hội vàng hay nguy cơ tụt lại phía sau

Có thể nói đây là thời điểm bản lề quan trọng quyết định chất lượng tăng trưởng khi Việt Nam đang tập trung nguồn lực xây dựng Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2030. Bởi vậy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng 2 văn kiện quan trọng này cần nhận diện và dự báo những xu thế thời đại lớn sẽ tác động trực tiếp và tạo ra những vấn đề mới nổi trong phát triển của Việt Nam.

Ông cũng mong muốn xây dựng chiến lược này sẽ xác định và đánh giá đúng những nút thắt phát triển của Việt Nam trong thời kỳ Chiến lược và Kế hoạch 5 năm vừa qua; cũng như những giải pháp, chính sách để giải phóng động lực tăng trưởng trong thời gian tới...

Góp ý cho chiến lược phát triển của Việt Nam, ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho biết: “Khi hướng tới thập kỷ sắp tới, tôi nhìn thấy nhiều cơ hội, nhưng cũng thấy cả những rủi ro. Thế giới đang thay đổi nhanh chóng và Việt Nam cần bắt kịp hoặc sẽ có nguy cơ tụt lại phía sau”.

Theo đó, mô hình thương mại toàn cầu đang thay đổi; trong khi việc áp dụng ngày càng nhiều các công nghệ tiên tiến trong sản xuất - như robot, in 3D, sản xuất thông minh… có thể tạo ra những cơ hội mới để Việt Nam bắt kịp công nghệ nhanh hơn và thậm chí nhảy vọt. Nhưng Việt Nam sẽ phải đối mặt với dân số già hóa nhanh chóng, tăng năng suất chậm lại và tăng trưởng đầu tư thấp, ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam. Trong khi nhiều động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của đất nước trước đây sẽ giảm dần trong thập kỷ tới.

Trong bối cảnh đó, làm thế nào để Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng cao nhưng có chất lượng? Làm thế nào để có thể hiện đại hóa các thể chế thị trường trong nước để tạo ra một môi trường kinh doanh, nơi các DN thuộc khu vực tư nhân, bao gồm cả các DN trong nước, có thể phát triển? Lực lượng lao động Việt Nam cần những kỹ năng gì để có thể cạnh tranh, không chỉ trong sản xuất cơ bản mà còn tiến lên trên chuỗi giá trị, bắt kịp với các công nghệ thay đổi nhanh chóng, đồng thời không để lại các nhóm người bị tụt lại phía sau ?...

“Tìm ra giải pháp chính sách cho những câu hỏi này không hề dễ dàng và thực hiện chúng có lẽ còn khó hơn. Nhưng với tư duy đúng đắn, cùng sự quyết tâm và phối hợp mạnh mẽ giữa các ngành, các cấp, tôi tin chắc Việt Nam có thể làm được”, ông Ousmane Dione nhấn mạnh.

Bây giờ, hoặc không bao giờ

Khuyến nghị cho Chiến lược phát triển này của Việt Nam, ông Sebastian Eckardt - chuyên gia kinh tế trưởng của WB đặc biệt lưu ý đến vấn đề nâng cao chất lượng tăng trưởng. “Bây giờ, hoặc không bao giờ. Việt Nam phải hành động rất nhanh bởi thời kỳ Việt Nam hưởng lợi từ dân số vàng không còn nhiều, chỉ còn 22 năm”, ông nhấn mạnh.

Việt Nam đang tăng trưởng nhanh nhưng vẫn thấp hơn các nền kinh tế tăng trưởng nhanh khác tại khu vực Đông Á. Nếu không có cải cách sâu rộng và vẫn duy trì tăng trưởng như thông thường thì mức tăng trưởng sẽ giảm, chỉ còn khoảng 5,7% trong thời gian tới, tức là thấp hơn mức mục tiêu đặt ra là 6,5 - 7,5%.

Một điểm nghẽn rất rõ là nền kinh tế Việt Nam vẫn thiếu vốn nhưng lại không hấp thụ được tiền vốn trong nước khi tỷ lệ tiết kiệm cao nhưng tỷ lệ vốn đưa vào đầu tư lại thấp. Tín dụng tăng trưởng nhanh nhưng vẫn khó vay tiền. Kinh doanh vẫn gặp cản trở… Mức độ cải thiện của năng suất trong vòng 20 năm qua vẫn thấp hơn so với khu vực và thế giới. Vì thế nếu không có giải pháp tăng năng suất thì vấn đề tăng trưởng dài hạn của Việt Nam là đáng lo ngại.

Nhưng "Bẫy thu nhập trung bình không phải là định mệnh", vị chuyên gia kinh tế trưởng của WB phát biểu. Nêu lên 3 thông điệp chính: Tốc độ già hóa dân số cao, đầu tư và tăng trưởng năng suất thấp, ông cho rằng để thoát bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tăng đầu tư và thúc đẩy tăng năng suất để tái tạo đà tăng trưởng và trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045; Cần cải cách sâu rộng trong 3 lĩnh vực chính: Đó là tăng hiệu quả trung gian tài chính để tiết kiệm được đưa vào đầu tư, thị trường vốn có độ sâu để tạo thêm nguồn vốn dài hạn cho DN và khu vực ngân hàng lành mạnh;

Đó là giải quyết các điểm nghẽn cản trở khu vực kinh tế thực, đầu tư và phát triển của khu vực tư nhân, phải cải cách môi trường kinh doanh thế hệ mới như có khung pháp lý cho phá sản, phát triển thị trường các nhân tố sản xuất và khung pháp lý cho cạnh tranh; Đó là đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, hoàn thiện đổi mới sáng tạo quốc gia và hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo và cạnh tranh…

“Việt Nam phải nắm bắt cơ hội, thúc đẩy các cải cách mạnh mẽ. Không thể bỏ lỡ những cơ hội này. Thập kỷ này là thời điểm quan trọng đối với Việt Nam khi phải đương đầu với những thách thức mới và tìm con đường hiện thực hoá tham vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045”, Giám đốc WB tại Việt Nam phát biểu.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh