Cho vay tín chấp: Phải kiểm soát chặt chất lượng tín dụng
Ngày nhập : 23/07/2015 15:25
Có thể thấy, mặt bằng lãi suất hiện đã khá thấp và quan hệ tín dụng không còn là trở ngại của DN trong tiếp cận vốn vay, nhưng lại cạn tài sản để thế chấp. Đây là cái khó của DN.
 
Là đơn vị trực tiếp tham gia sản xuất, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso (chuyên sản xuất da giày) cho biết, thị trường sản xuất da giày đang có tiềm năng rất lớn.

Cụ thể, Việt Nam đang nằm trong top bốn nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil. Tại Mỹ và Nhật Bản, giày dép Việt Nam đang tiếp tục tăng thị phần. Túi xách cũng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh và hiện đã có mặt trên 40 nước. Điều này đang mở ra cơ hội rất lớn cho DN xuất khẩu Việt Nam.

Riêng Lefaso, để tranh thủ cơ hội cũng như tránh bị động trong sản xuất, DN thời gian qua áp dụng một số giải pháp như dịch chuyển nhiều lao động về các vùng nông thôn đã được quy hoạch phát triển ngành. Đồng thời, DN cũng chủ động xây dựng các ngành công nghiệp hỗ trợ xây dựng trung tâm đào tạo nghề nhằm tiết giảm chi phí…

Tuy nhiên, điểm yếu của DN trong ngành da giày nói chung là quy mô DN nhỏ, thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, khả năng tự cung ứng nguyên liệu chưa cao nên các giải pháp thực hiện không đạt được nhiều hiệu quả. Theo đó, nhiều DN đang kỳ vọng được NH cấp thêm vốn vay, đặc biệt là vốn vay tín chấp để có thể khai thác thị trường hiệu quả hơn.

Chia sẻ về điều này, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực của Hiệp hội DN TP.HCM cũng cho hay, nhu cầu vốn DN từ nay đến cuối năm luôn cao hơn các tháng trong năm. Vì thế, để cầu vốn có thể gặp cung, theo ông Hưng, cần có sự nỗ lực từ 2 phía. Tuy nhiên, lúc này không phải DN nào cũng còn tài sản để thế chấp nên họ rất kỳ vọng phía ngân hàng tăng cường hỗ trợ vốn tín chấp.

Có thể thấy, mặt bằng lãi suất hiện đã khá thấp và quan hệ tín dụng không còn là trở ngại của DN trong tiếp cận vốn vay, nhưng lại cạn tài sản để thế chấp. Đây là cái khó của DN.

Thế nên, trong những cuộc tiếp xúc gần đây, phần lớn DN đều có chung mong muốn là cung cấp thông tin để NH đánh giá tín nhiệm từ Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), các tổ chức xếp hạng tín nhiệm DN cũng như hệ thống xếp hạng nội bộ của NH nhanh chóng xem xét cho vay tín chấp đối với họ.

Trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề cho vay tín chấp, lãnh đạo một NHTM cho biết phần lớn NH đều đang tiến hành xem xét lại năng lực kinh doanh của DN để cấp vốn cho vay tín chấp, nâng đỡ DN. Tuy nhiên, NH cũng kỳ vọng DN nhìn nhận thẳng thắn, bản chất ngân hàng lấy tiền của người dân cho vay lại nên dù có muốn đồng hành với DN bao nhiêu đi chăng nữa ngân hàng cũng phải thẩm định chặt chẽ.

Một lãnh đạo khác trong  ngành cho rằng, tình hình kinh tế khó khăn, ảnh hưởng đến sức khỏe DN, nợ xấu tăng nên ngân hàng không thể ồ ạt cho vay mà không kiểm soát được chất lượng tín dụng cũng như không có tài sản đảm bảo. Do đó, ngân hàng cũng không dễ triển khai tín dụng tín chấp một cách ồ ạt mà phải thông qua chỉ số xếp hạng tín nhiệm của CIC để có sự chọn lọc tinh tế…

      (Theo thoibaonganhang.vn)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh