Cụ thể hóa Hiệp định TF: Thuận lợi thách thức đan xen
Ngày nhập : 01/02/2016 14:24
Với vai trò chủ trì đàm phán Hiệp định tạo thuận lợi thương mại WTO (TF), Bộ Tài chính đã giao cho Tổng cục Hải quan triển khai các bước cụ thể hóa hiệp định này. Đây là một bước đi hứa hẹn tạo thông thoáng hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), nâng cao vị thế nền kinh tế Việt Nam.

Để rõ hơn lợi ích từ TF mang lại, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Toàn- Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Tổng cục Hải quan.

* PV: Ông có thể cho biết đôi nét nổi bật trong việc triển khai TF đã và đang được Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính thực hiện ?

- Ông Nguyễn Toàn: Việt Nam bắt đầu tham gia đàm phán TF chính thức từ năm 2008. Trải qua hơn 50 phiên đàm phán chính thức và hàng trăm phiên làm việc nhóm, tổ, hiệp định cơ bản được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9, tại Bali – Indonesia.
 
Ngày 12/11/2010, Bộ Tài chính đã nhanh chóng có Quyết định số 2947/QĐ-BTC về thành lập Nhóm công tác liên bộ triển khai TF.

Từ đó đến nay, việc triển khai TF đã có bước tiến bộ khá dài. Ngày 26/11/2015, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 108/2015/QH13 phê chuẩn Nghị định thư TF, chính thức xác định Việt Nam là thành viên thứ 54/108 thành viên WTO cam kết thực hiện TF.

Về khía cạnh chính trị, đối ngoại, việc phê chuẩn TF phù hợp với đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; khẳng định mong muốn và nỗ lực của Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác quốc tế; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là việc Cộng đồng kinh tế ASEAN (đã được chính thức thành lập kể từ cuối năm 2015).

Về kinh tế xã hội, TF sẽ thúc đẩy và tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, thông quan, giải phóng hàng hóa xuất nhập khẩu, thủ tục quá cảnh tại các cửa khẩu.

* PV: Thưa ông, khi thực hiện cam kết TF với các thành viên WTO cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam phải mở cửa thông thương hàng hóa, tạo thuận lợi thương mại, điều này đặt ra thách thức nào đối với cơ quan hải quan trong việc kiểm soát hoạt động XNK ?

-Ông Nguyễn Toàn: Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, quả thực khi tham gia TF cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc vừa đảm bảo thực hiện cam kết tạo thuận lợi hóa thương mại, song vẫn phải đảm bảo kiểm soát hoạt động XNK được chặt chẽ, chống buôn lậu, gian lận thương mại, làn sóng hàng hóa không đảm bảo chất lượng, gây tổn thất đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (DN) nước nhà.

Hiện nay, có thể thấy một số thách thức như sau. Trong điều kiện một nước đang phát triển, hê thống pháp luật chưa thật hoàn thiện, số lượng DN vừa và nhỏ chiếm tỷ trọng lớn (trên 90%), do đó việc tiếp cận và vận dụng chính sách pháp luật còn hạn chế, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn đang diễn ra, thì việc áp dụng hiệu quả các biện pháp tạo thuận lợi thương mại nói chung và các cam kết tạo thuận lợi thương mại của TF thực sự là một thách thức không nhỏ.

Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị, giữa các bộ ngành, địa phương tham gia quản lý hoạt động XNK chưa thật tốt, ảnh hưởng tới các nỗ lực tạo thuận lợi thương mại.

Và điểm quan trọng nữa là, yêu cầu quản lý XNK của Chính phủ nhằm đảm bảo an ninh thương mại, an ninh chính trị rất cao, đây cũng là một thách thức lớn với các cơ quan quản lý biên giới của Việt Nam trong bối cảnh tăng cường tạo thuận lợi thương mại theo các chuẩn mực nêu trong TF.

* PV: Thời gian tới Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính sẽ triển khai các giải pháp nào để đẩy mạnh tiến trình cụ thể hóa Hiệp định TF ?

- Ông Nguyễn Toàn: Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan ngay trong tháng đầu của năm 2016 này, khẩn trương cụ thể hóa TF đảm bảo tiến trình WTO đặt ra (là khi có 2/3 thành viên trên tổng số 103 thành viên WTO phê chuẩn tham gia hiệp định thì hiệp định có hiệu lực). Tính đến thời điểm tháng 25/1/2016, đã có 68 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo phê chuẩn TF.

Tổng cục Hải quan đang khẩn trương rà soát các cam kết của hiệp định chưa được quy định chi tiết trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để đề xuất cụ thể về việc sửa đổi hoặc ban hành mới, đảm bảo đầy đủ, kịp thời.

Tiến hành nghiên cứu thành lập một đầu mối chỉ đạo quốc gia để triển khai các nội dung tạo thuận lợi thương mại của TF và các văn kiện quốc tế liên quan; Triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của hiệp định tới các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt cộng đồng DN và khuyến khích sự tham gia của tổ chức, cá nhân và cộng đồng DN trong triển khai thực hiện hiệp định.

Đổng thời, phối hợp với các bộ, ngành đưa các nội dung của TF vào các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành... liên quan đến các biện pháp kỹ thuật, quy định tiếp cận thông tin và tính minh bạch; quản lý các quy định pháp lý liên quan đến thương mại; thông quan hải quan; quá cảnh thương mại…

* PV: Xin cảm ơn ông

(Theo Thời Báo Tài Chính Việt Nam)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh