Định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ 6 tháng cuối năm 2018
Ngày nhập : 04/07/2018 15:32
Hội nghị trực tuyến Chính phủ với tất cả các địa phương dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 02/7/2018 đã thảo luận, phân tích, làm rõ tình hình 6 tháng đầu năm 2018, những kết quả đạt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2018.
 
 
Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương

Kết quả đạt được và một số tồn tại, hạn chế 6 tháng đầu năm

Hội nghị thống nhất cho rằng, qua 1/2 chặng đường của năm 2018, nền kinh tế nước ta đã đạt tốc độ tăng trưởng đáng khích lệ. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011.

Động lực chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng chung là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức tăng hơn 13%. Xét ở khía cạnh tiêu dùng, cầu tiêu dùng tiếp tục tăng khá và cán cân thương mại thặng dư cho thấy xu hướng cải thiện trong tăng trưởng vẫn được duy trì.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 747 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% GDP và tăng 10,1% so với cùng kỳ, trong đó khu vực ngoài nhà nước chiếm tỉ trọng lớn nhất (41,3%) và có mức tăng cao nhất (17,5%), phản ánh sự đúng đắn và đi vào cuộc sống của chủ trương của Đảng về phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội, Báo cáo của Chính phủ tại Hội nghị cũng khẳng định còn một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật còn chưa được một số Bộ, cơ quan quan tâm đúng mức, thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện.

Việc thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ và kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi còn chưa nghiêm. Việc thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa bảo đảm tiến độ đề ra. Công tác phối hợp trong xây dựng, thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật còn chưa thực sự nhịp nhàng, thống nhất, còn tình trạng né tránh, chưa chủ động đề xuất những giải pháp, chính sách mới và có tính đột phá.

Cơ cấu lại nền kinh tế và cơ cấu lại từng ngành, từng lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Công tác quản lý, điều hành một số ngành, lĩnh vực còn hạn chế, bất cập nhưng chậm được khắc phục.

Tổ chức bộ máy một số cơ quan hành chính chưa thực sự tinh gọn. Thể chế về công tác cán bộ còn bất cập, chưa đồng bộ nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Chính quyền địa phương ở một số địa phương còn chưa sâu sát thực tiễn, chưa chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, còn bị động trong xử lý tình huống phức tạp, phát sinh.

Chính phủ cho rằng, những tồn tại, hạn chế nêu trên một phần do nguyên nhân khách quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị còn chưa sâu sát, nắm chắc tình hình, thiếu đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ. Ý thức trách nhiệm và kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, chưa làm hết trách nhiệm, thái độ ứng xử với nhân dân và doanh nghiệp chưa đúng mực; phối hợp xử lý công việc còn chậm, thiếu chủ động trong nghiên cứu, phát hiện, đề xuất, tham mưu. Nhiều cơ quan, đơn vị thiếu quyết liệt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ…

Quyết liệt hành động, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp

Về phương hướng chỉ đạo, điều hành 6 tháng cuối năm, tại Hội nghị này, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra; tiếp tục năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; đồng thời, tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, đánh giá tình hình thực hiện, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả công tác xây dựng chính sách pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách.

Đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công việc được Chính phủ, Thủ tướng giao; tập trung chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng cuối năm 2018. Thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật theo thẩm quyền để kịp thời điều chỉnh, giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, tháo gỡ mọi rào cản, vướng mắc, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, công khai, minh bạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tiếp tục cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, giảm chi phí cho doanh nghiệp; khắc phục những tồn tại, yếu kém trong hoạt động công vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, xây dựng nền công vụ hiện đại, minh bạch, liêm chính, phục vụ nhân dân; chú trọng công tác hoàn thiện thể chế pháp luật về công tác tổ chức cán bộ, tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, coi công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Tăng cường, tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng, kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử.

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời phản bác thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận, định hướng thông tin dư luận đúng đắn. Chú trọng tuyên truyền những giá trị tốt đẹp, tạo niềm tin, sự phấn khởi, tạo động lực tinh thần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương của các đoàn thể, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước.

(Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh