Động lực mới của nền kinh tế
Ngày nhập : 10/11/2017 15:19
Kinh tế Việt Nam đang tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng tích cực trong tháng đầu của quý IV.

Tiếp đà hồi phục mạnh mẽ của quý III/2017, kinh tế Việt Nam đang tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng tích cực trong tháng đầu của quý IV. Nền tảng vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát và lạm phát cơ bản tiếp tục ở mức thấp. Bội chi NSNN được giữ ở mức thấp nhờ tốc độ tăng thu cao hơn tốc độ tăng chi.

Tín dụng 10 tháng đầu năm tăng trưởng tích cực. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhìn chung vẫn dồi dào. Tỷ giá VND/USD tại các NHTM và trên thị trường tự do ổn định so với tháng trước và tiếp tục xu hướng giảm so với đầu năm, trong khi tỷ giá trung tâm tiếp tục được điều chỉnh tăng.

Chỉ số VN-Index vượt mốc 800 điểm, tăng hơn 20% so với đầu năm và xếp thứ 9 về mức tăng trưởng trong các chỉ số chứng khoán trên thế giới từ đầu năm 2017.

Đây là những nhận định tình hình thị trường tài chính – tiền tệ 10 tháng qua của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG).
 
 
Tín dụng 10 tháng đầu năm tăng trưởng tích cực

Tín dụng tăng tích cực, ngân sách giảm bội chi

Điểm nhận thấy đầu tiên trong thị trường tài chính tiền tệ là bội chi NSNN được giữ ở mức thấp (chỉ bằng 53,1% dự toán, tương đương 1,89% GDP) nhờ tốc độ tăng thu NSNN đạt mức cao nhất trong 3 năm gần đây. Theo đánh giá của UBGSTCQG, với tiến độ thực hiện như hiện tại, các chỉ tiêu NSNN năm 2017 về cơ bản sẽ được đảm bảo.

Dự kiến năm 2017, thu NSNN sẽ tăng 2,3% so dự toán chủ yếu do vượt thu của ngân sách địa phương, do đó, bội chi NSNN chỉ ở mức 174,3 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 4 nghìn tỷ đồng so với dự toán. Với khả năng GDP cả năm đạt mức kế hoạch 6,7% và với tình hình thu – chi NSNN như Ủy ban chỉ ra thì bội chi năm nay sẽ chỉ ở mức 3,5% so với GDP, thấp hơn so cùng kỳ 2 năm trước (năm 2015: 4,26%; năm 2016: 3,64%), đảm bảo mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội.

Về tín dụng cho nền kinh tế, Ủy ban nhận xét “tăng trưởng tích cực”, đến hết tháng 10/2017, tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) ước tăng khoảng 13,5% so với cuối năm 2016. Trong tổng tín dụng, tín dụng trung và dài hạn khoảng 53,7%, tín dụng ngắn hạn khoảng 46,3%. Cơ cấu tín dụng theo ngành nghề kinh tế có chuyển biến tích cực. Tỷ trọng tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 9,9% (10 tháng năm 2016 là 8,3%). Tỷ trọng tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng giảm xuống còn 15,5% (năm 2016 là 17,1%).

Huy động vốn vẫn đạt mức tăng trưởng khá, ước tăng 12% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 14,7%). Trong đó, tiền gửi khách hàng ước tăng 11,5% so với cuối năm 2016; phát hành giấy tờ có giá ước tăng 24,4%. Huy động ngoại tệ tăng 3,7%, chiếm khoảng 10,1% tổng huy động. Huy động vốn bằng VND ước tăng 13%, chiếm 89,9% tổng huy động.

Về thanh khoản hệ thống ngân hàng, Ủy ban nhận định “ổn định”, biểu hiện là lãi suất liên ngân hàng đã liên tục giảm (bình quân giảm khoảng 0,2 điểm % so với tháng trước) và tiếp tục được duy trì ở mức thấp (lãi suất O/N ở mức 0,9%/năm, lãi suất 1 tuần là 0,9%/năm, lãi suất 1 tháng là 1,5%/năm). Thanh khoản hệ thống ổn định do NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ, và cung ứng tiền ròng khoảng 130 nghìn tỷ đồng từ đầu năm đến nay. Tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR) bình quân của hệ thống giảm nhẹ so với tháng trước, đạt khoảng 86,75% (giảm khoảng 0,21 điểm % so với tháng 9/2017).

Lãi suất huy động ổn định so với tháng trước. Lãi suất cho vay giảm nhẹ so với đầu năm. Hiện tại, lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên ở mức 6,5%, cá biệt có NHTM ở mức 6%. Với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường, lãi suất phổ biến ở mức 9,3-11% kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Mua ròng của khối ngoại sẽ tăng trở lại

Thị trường ngoại hối vẫn đang được hỗ trợ từ 3 yếu tố: (Áp lực từ phía cầu ngoại tệ được giảm thiểu khi cán cân thương mại trở lại xuất siêu. Tính chung 10 tháng năm 2017 xuất siêu 1,23 tỷ USD; Chênh lệch giữa lãi suất huy động VND và USD vẫn nghiêng về việc nắm giữ VND (chênh lệch khoảng 6,8%/năm); Dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục 45 tỷ USD, tạo dư địa khá tốt trong việc ổn định tỷ giá. Tỷ giá VND/USD tại các NHTM và trên thị trường tự do ổn định so với tháng trước và tiếp tục xu hướng giảm so với đầu năm trong khi tỷ giá trung tâm tiếp tục được điều chỉnh tăng.

Huy động vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) chuyển biến tích cực. Kho bạc Nhà nước đã huy động được 183.300 tỷ đồng, đã hoàn thành 85% kế hoạch năm 2017, như vậy cũng không chịu áp lực tăng lãi suất huy động TPCP.

Nhận xét về dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán, Ủy ban cho biết tổng giá trị thị trường danh mục nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 27,8 tỷ USD, tăng xấp xỉ 36% so với cuối năm 2016. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường cổ phiếu ước đạt 19,3% và trên thị trường trái phiếu ước đạt 5,3%. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2017, khối ngoại mua ròng 1.426 triệu USD (811 triệu USD trái phiếu, 615 triệu USD cổ phiếu). Theo UBGSTCQG, mua ròng của khối ngoại sẽ tăng trở lại từ quý I/2018 sau ảnh hưởng của việc FED tăng lãi suất vào cuối năm 2017 và bắt đầu chu kỳ đầu tư mới.

Diễn biến thị trường tài chính tiền tệ như Ủy ban cho biết đã phần nào tạo được sự yên tâm cho triển vọng phát triển kinh tế, đặc biệt là thị trường những tháng gần đây đã có diễn biến theo xu hướng tích cực như lãi suất giảm, vốn đầu tư được giải ngân tích cực, thị trường chứng khoán cũng khá nhộn nhịp. Đây là những hiệu ứng ban đầu của sự phối hợp chính sách tài khóa – tiền tệ, hiệu ứng của định hướng giảm chi phí cho DN và đưa thị trường vốn trở thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Khi bàn về “động lực mới cho tăng trưởng kinh tế”, TS. Nguyễn Đình Cung và các chuyên gia kinh tế đã chốt lại: phải giảm mạnh các chi phí kinh doanh cho DN, trong đó có giảm lãi suất, giải ngân vốn đầu tư công kịp thời không thể để tình trạng chậm trễ như hai năm qua và phải để thị trường vốn – thị trường chứng khoán trở thành kênh cung ứng vốn cho nền kinh tế, không dồn áp lực cung ứng vốn cho tín dụng ngân hàng…

(Theo Thời Báo Ngân Hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh