Hỗ trợ địa phương trong tiếp cận các nguồn lực tài chính
Ngày nhập : 18/12/2017 14:56
Quỹ Đầu tư phát triển địa phương được thành lập đã tạo ra một kênh huy động nguồn vốn ngoài ngân sách, là cánh tay đắc lực của địa phương trong việc cho vay và đầu tư, hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng...

Nền kinh tế Việt Nam phát triển rất nhanh trong những thập niên qua với mức tăng GDP cao, tỷ lệ dân số sống tại khu vực đô thị tăng từ 20% tổng dân số lên 30,2% vào năm 2016, dân số tăng nhanh (trung bình hơn 1%/năm).

Chính vì vậy, nhu cầu về hạ tầng thiết yếu (như đường, điện, nước, thông tin, vệ sinh môi trường) rất lớn. Khả năng tiếp cận các nguồn lực tài chính của chính quyền địa phương cụ thể là Quỹ Đầu tư phát triển đóng vai trò then chốt để phát triển.
 
 
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà – Tư vấn viên của tổ chức AFD chia sẻ và giải đáp những thắc mắc của các Quỹ Đầu tư phát triẻn địa phương

Cơ hội tốt để kêu gọi hỗ trợ

Mới đây, Bộ Tài Chính và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) phối hợp tổ chức hội thảo kỹ thuật về khả năng tiếp cận các nguồn lực tài chính của chính quyền địa phương tại Việt Nam.

Đây là hội thảo tập trung được các đại diện đến từ các cơ quan trung ương như: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Nhân dân, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư của các tỉnh, thành phố cùng các Quỹ đầu tư phát triển địa phương, cùng với đó là các NHTM để cùng thảo luận về chủ đề này.

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu thảo luận, chia sẻ về những khó khăn vướng mắc, nhu cầu và hạn chế về tài chính của địa phương ở Việt Nam, những kinh nghiệm quốc tế có liên quan cũng như các biện pháp khả thi có thể áp dụng và kiến nghị đến các cơ quan trung ương hoàn thiện cơ sở pháp lý để các địa phương có thể tiếp cận, sử dụng các nguồn lực tài chính một cách hiệu quả trong việc phát triển cơ sở hạ tầng - cơ sở quan trọng từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội, nâng cao điều kiện sống dân cư.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà – Tư vấn viên của tổ chức AFD chia sẻ.: "Với sự có mặt của đông đảo đại diện từ các cơ quan Trung ương cho đến địa phương, đây là một cơ hội tốt để Quỹ Đầu tư phát triển tại các địa phương có thể trình bày những khó khăn đang gặp phải, để nhận được những giải pháp cũng như sự hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, còn học hỏi được kinh nghiệm từ các tổ chức quốc tế trong việc duy trì hoạt động của quỹ".

Những khó khăn, vướng mắc

Quỹ Đầu tư phát triển địa phương được thành lập đã tạo ra một kênh huy động nguồn vốn ngoài ngân sách, là cánh tay đắc lực của địa phương trong việc cho vay và đầu tư, hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng... Thế nhưng, trong những năm qua, bên cạnh một số quỹ hoạt động tốt thì một số quỹ hoạt động cầm chừng và đứng trước nguy cơ giải thể bởi gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, Việt Nam đã và đang thực hiện tiến trình phân cấp ngân sách giữa Trung ương và địa phương. Chính quyền địa phương hiện quản lý hơn 50% tổng chi ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, trên góc độ thu ngân sách, chính quyền địa phương được giao tự chủ ở mức rất thấp, chủ yếu là các khoản thu từ tiền sử dụng đất và có liên quan đến đất đai. Tỷ lệ khoản thu này rất khiêm tốn, chỉ đáp ứng khoảng 12-16% chi ngân sách địa phương trong giai đoạn 2010-2015; tỉnh, thành thu được cao nhất thì con số cũng chỉ đáp ứng được tối đa khoảng 40% chi.

Đối với nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng, mức chi đầu tư hạ tầng 5 năm qua của Việt Nam (2010-2015) là 57 tỷ USD (tương đương 5,5% GDP/năm). Dự kiến khoản thiếu hụt đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 là khoảng 14,225 tỷ USD (tương đương 1,5% GDP/năm).

Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia có mức chi cho phát triển cơ sở hạ tầng cao hơn 5,5% GDP/năm, so với mức trung bình của châu Á là 2,5%. Mức chi đầu tư hạ tầng dự kiến sẽ thiếu hụt, tuy nhiên, nợ công của Việt Nam đã tiến sát đến ngưỡng an toàn cho phép được duyệt là 65% GDP, do đó việc sử dụng vốn vay để đầu tư không còn nhiều.

Cũng tại hội thảo, đại diện các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương cũng đã trình bày những khó khăn trong quá trình hoạt động của quỹ như: năng lực trả nợ của ngân sách địa phương rất hạn chế, ngân hàng chưa có kinh nghiệm cho vay trực tiếp cho chính quyền địa phương, chỉ có một số ít địa phương phát triển có thể phát hành trái phiếu...

Đại diện Quỹ Đầu tư phát triển Đà Nẵng chia sẻ. Quỹ Đầu tư phát triển địa phương ngoài chức năng cho vay còn chức năng đầu tư trực tiếp nhưng chỉ mới một số quỹ thực hiện được chức năng này. Với những quy định hiện nay của Chính phủ như Luật Đấu thầu hay Nghị định 30 của Chính phủ quy định về đấu thầu thì trong trường hợp vốn ngân sách của đơn vị trên 30% thì không được tham gia đấu thầu các dự án.

Đây là một vướng mắc rất lớn mà các Quỹ Đầu tư phát triển phát triển nói chung và Đà Nẵng nói riêng đang gặp phải. Bên cạnh đó, định hướng quan trọng nhất của quỹ là hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhưng lại bị hạn chế trong một số lĩnh vực nhất định. Chính vì vậy, nhiều lần địa phương muốn thực hiện các dự án nhưng lại không nằm trong danh mục quy định của Chính phủ.

Đại diện Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam cũng có những chia sẻ về những khó khăn đang gặp phải. Theo Luật quản lý nợ công mới, các Quỹ Đầu tư phát triển không phải là đối tượng được vay lại từ nguồn vốn vay của nước ngoài mà vay trực tiếp.

Nếu vay trực tiếp thì bản thân quỹ chưa đủ năng lực tài chính cũng như chưa đủ điều kiện tín nhiệm để tổ chức quốc tế cho vay trực tiếp. Nếu trường hợp tổ chức quốc tế đó đòi hỏi chính quyền địa phương phải bảo lãnh cho Quỹ Đầu tư địa phương được vay thì lại không có quy định chính quyền địa phương được bảo lãnh mà chỉ có Chính phủ. Đó là vướng mắc rất lớn đối với các Quỹ đầu tư phát triển. 

Đại diện Quỹ đầu tư phát triển Khánh Hòa cho biết: "Hiện nay, một số quỹ hoạt động được còn một số quỹ chỉ hoạt động cầm chừng và một số quỹ đứng trước nguy cơ giải thể. Trong bối cảnh này thì chúng tôi cũng rất cần sự quan tâm của các Bộ, ngành cũng như là của các tổ chức tài chính quốc tế tạo điều kiện cho hệ thống quỹ đầu tư phát triển nói chung và Khánh Hòa nói riêng được tiếp cận các nguồn vốn vay đồng thời mong các bộ ngành quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế chính sách để cho các quỹ hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế tại lĩnh vực".

Tại hội thảo, đại biểu cũng nêu ra các phương hướng để cải thiện vấn đề trên như: công bố công khai quy hoạch sử dụng đất nhằm thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, chính quyền địa phương cần chuẩn bị tốt hồ sơ dự án để được cấp phát từ ngân sách trung ương, tăng cường sự phối hợp giữa kế hoạch quản lý nợ trung hạn, kế hoạch đầu tư công và chính sách tài khóa...

(Theo Thời Báo Ngân Hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh