Hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh
Ngày nhập : 08/05/2018 13:23
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã triển khai các giải pháp để đơn giản hóa và hiện đại hóa thủ tục hành chính với mục tiêu quan trọng nhất là góp phần cải thiện tích cực môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, đóng góp quan trọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh nói chung, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, ổn định tỷ giá, gia hạn cho vay vốn bằng ngoại tệ… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
 
 
Hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, văn bản chỉ đạo liên quan đến cải cách hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó phải kể tới Nghị quyết số 19/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết 19) và Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 (Nghị quyết 35), góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.

Để triển khai Nghị quyết số 19 và Nghị quyết 35, trong năm 2017, NHNN đã ban hành và quán triệt các đơn vị trong toàn hệ thống thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tại Chương trình hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 đảm bảo đúng lộ trình và đạt được kết quả như dự kiến, trong đó có: Giải pháp cải thiện và minh bạch hóa thông tin tín dụng; Giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong việc tiếp cận vốn tín dụng; Các giải pháp đơn giản hóa và hiện đại hóa thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong giao dịch hành chính với NHNN, TCTD...

Đơn giản hóa thủ tục hành chính

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã triển khai các giải pháp để đơn giản hóa và hiện đại hóa thủ tục hành chính với mục tiêu quan trọng nhất là kết quả cải cách hành chính của NHNN góp phần cải thiện tích cực môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, đóng góp quan trọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh nói chung, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn ngân hàng.

NHNN đã chỉ đạo các TCTD tiếp tục cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn, cải tiến, tối ưu hóa quy trình gửi tiết kiệm, quy trình dịch vụ chuyển tiền, kiều hối, dịch vụ thẻ, dịch vụ tiền mặt và các dịch vụ thanh toán khác… để giảm chi phí, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp dịch vụ để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng…

Các TCTD đã chủ động rà soát, cắt giảm, bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong giao dịch; tích cực đổi mới thủ tục giao dịch; công bố công khai trên Trang tin điện tử các thông tin về hồ sơ tín dụng, dịch vụ, lãi suất, phí dịch vụ; quy định tiêu chuẩn chất lượng đối với các dịch vụ... Quy trình sản phẩm dịch vụ cho khách hàng được cải tiến thuận tiện, nhanh gọn hơn thông qua việc ứng dụng công nghệ (Internet Banking, Mobile Banking,...). Theo thống kê đến cuối năm 2017, thời gian, số lần giao dịch, giấy tờ cần cung cấp của khách hàng đã giảm 20-40%; một số quy trình/sản phẩm dịch vụ đã giảm 42% số lượng bản gốc mẫu biểu, giảm 45% số lượng chữ ký khách hàng và 48% số lượng chữ ký cán bộ ngân hàng trên hồ sơ; giảm 70-75% thời gian đăng ký do khách hàng thực hiện trực tuyến...v.v.

Trong công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính, NHNN đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chấp hành tốt kỷ cương hành chính, cải cách thủ tục hành chính nội bộ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và tác nghiệp. NHNN đã sớm phê duyệt và tổ chức triển khai Đề án điều tra sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp với hoạt động giải quyết TTHC của NHNN. Ban hành Danh mục tổng thể chế độ báo cáo và tổ chức rà soát theo đúng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo kết quả công bố mới đây, kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của các bộ, ngành, NHNN đạt chỉ số cao nhất với 92,36%. Đây là năm thứ 3 liên tiếp NHNN xếp vị trí số 1 về cải cách hành chính trong các Bộ ngành. Kết quả này là sự chỉ đạo quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của NHNN và sự nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng.

Giảm lãi suất, hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh

Ngoài ra, triển khai các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 35 của Chính phủ, để hỗ trợ doanh nghiệp, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động và kịp thời, đúng hướng, phù hợp với chủ trương của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và tạo điều kiện cho các TCTD đảm bảo cân đối vốn và kịp thời hỗ trợ vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Phấn đấu giảm lãi suất cho vay luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng. Những tháng đầu năm 2018, NHNN đã điều hành linh hoạt lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ. Ngày 12/01/2018, trên cơ sở tình hình kinh tế vĩ mô, NHNN đã điều chỉnh giảm mức niêm yết lãi suất chào mua OMO từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm, các TCTD ngay sau đó đã vào cuộc cùng NHNN để phát thông điệp ngành ngân hàng phấn đấu giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Mặt bằng lãi suất về cơ bản được tiếp tục duy trì ổn định, từ ngày 10/1/2018, các NHTM Nhà nước và một số NHTM cổ phần đã giảm khoảng 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khách hàng tốt thuộc lĩnh vực ưu tiên. Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5% đối với cho vay ngắn hạn và 9-10% đối với cho vay trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường khác ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, có mức tín nhiệm cao lãi suất cho vay ngắn hạn được các TCTD cho vay khoảng 4-5%/năm.

Về điều hành tín dụng, NHNN điều hành, kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động an toàn, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp và người dân. Theo Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), đến hết ngày 28/02/2018, tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên tiếp tục xu hướng tích cực; cụ thể: Tín dụng công nghiệp hỗ trợ tăng 0,88%, tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 8,58%, tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn tăng 2,1%, tín dụng xuất khẩu tăng 2,25% so với cuối năm 2017; dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 21,15% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp

Bên cạnh đó, thông qua chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, ngành ngân hàng đã hỗ trợ doanh nghiệp với nhiều hình thức như: cho vay mới với lãi suất thấp, giảm lãi suất các khoản vay cũ, nâng hạn mức tín dụng, cơ cấu lại các khoản nợ cũ. Chương trình đã gắn kết và mở rộng mối quan hệ đồng hành ngân hàng – doanh nghiệp, tạo động lực phát triển cho hoạt động sản xuất kinh doanh nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Đánh giá về các Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đại diện các doanh nghiệp, các TCTD cho rằng: Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp thể hiện tính chủ động, sáng tạo của NHNN và các NHTM trong việc tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp tham gia mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp xuất nhập khẩu… tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh. Thông qua Chương trình, các TCTD đã kịp thời nắm bắt thông tin, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng bằng việc đối thoại trực tiếp, nhanh chóng giải quyết nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý, giảm bớt những khó khăn về vốn và chi phí lãi vay giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội và họat động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, trong đó có đối tượng doanh nghiệp xuất khẩu, để góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ tại Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến 2020, NHNN cũng có chính sách gia hạn cho vay ngoại tệ bên cạnh điều hành ổn định tỷ giá. Cụ thể, Thống đốc NHNN đã quyết định ban hành Thông tư số 18/2007 ngày 27/12/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015 về cho vay bằng ngoại tệ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với khách hàng vay là người cư trú (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018). Quy định này được thực hiện đến hết ngày 31/12/2018. Theo đó, chính sách cho vay ngoại tệ đã được nới thêm 1 năm nữa, thực hiện đến ngày 31/12/2018, giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu không phải lo chi phí vay vốn đội lên. Đồng thời, NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp để giữ ổn định tỷ giá. Điều này góp phần củng cố thêm giá trị nguồn vốn, hạn chế rủi ro đối với doanh nghiệp khi vay ngoại tệ.

Có thể thấy, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban lãnh đạo NHNN và sự nỗ lực của các đơn vị, các TCTD, công tác cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào việc cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng nói riêng và môi trường kinh doanh nói chung, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn ngân hàng. Nhờ đó, chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam năm 2018 đã được Ngân hàng Thế giới xếp hạng 29/190, tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN, sau Brunei (xếp hạng 2/190), Malaysia và Campuchia (xếp hạng 20/190), tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN.

(Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh