Hội nghị mùa Xuân năm 2018 của IMF/WB
Ngày nhập : 07/05/2018 11:08
Từ ngày 19-22/4/2018, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã tham dự Hội nghị mùa Xuân năm 2018 của IMF/WB, Hội nghị chung của Văn phòng Giám đốc Điều hành Nhóm nước Đông Nam Á tại IMF và WB.
 
 
Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh hoạt động đầu tư và thương mại toàn cầu tiếp tục khởi sắc từ nửa cuối năm 2017. Với điều kiện tài chính tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng, IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng nhẹ lên mức 3,9% trong năm 2018 và 2019, các nền kinh tế mới nổi sẽ tăng trưởng nhanh hơn, trong khi tăng trưởng kinh tế tại các nước mới nổi và đang phát triển được dự báo sẽ vững chắc hơn. Đây được coi là cơ hội tốt để giải quyết rủi ro, thách thức, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng, toàn diện và tăng cường khả năng chống chịu và đối phó với các cú sốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh già hóa dân số và năng suất yếu, tăng trưởng tiềm năng tại các nền kinh tế tiên tiến có thể giảm xuống mức thấp hơn nhiều so với mức trung bình trước giai đoạn khủng hoảng; trong khi tăng trưởng tại các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là các nước xuất khẩu hàng hóa vẫn dưới mức tiềm năng. Các rủi ro tiếp tục hiện hữu như sự không chắc chắn về chính sách của một số nước lớn, quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ đi kèm với việc thắt chặt hơn các điều kiện và quy định tài chính toàn cầu, và xu hướng bảo hộ thương mại, căng thẳng thương mại gia tăng... có thể khiến đà phục hồi này chậm lại trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tận dụng điều kiện kinh tế phục hồi hiện nay nhằm tiếp tục đẩy nhanh cải cách cơ cấu, tăng cường hợp tác và liên kết kinh tế sâu rộng nhằm tạo động lực và tăng cường khả năng chống chịu cho nền kinh tế hướng đến tăng trưởng có chất lượng, bền vững, công bằng và toàn diện.

Đồng thời, Hội nghị cũng thông báo và thảo luận về một số vấn đề, bao gồm:

Nợ toàn cầu tăng cao kỷ lục (gần 225% GDP vào năm 2016), trong đó nợ công tại các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi đã đạt mức hơn 105% GDP, tạo ra gánh nặng về trả nợ cho các nền kinh tế này. Đặc biệt nợ tại các quốc gia nghèo và đang phát triển tăng nhanh tại ra lo ngại về khả năng không đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hiệp quốc. Do đó, Hội nghị khuyến nghị các nước nên tận dụng sự phục hồi kinh tế theo chu kỳ hiện nay để củng cố lại bộ đệm tài khóa, tăng cường năng lực tự cường của nền kinh tế.

Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) của WB, với mức xếp hạng 3A, lần đầu phát hành thành công 1,5 tỷ USD trái phiếu trên thị trường vốn toàn cầu vào tháng 4 vừa qua, tiên phong cho mô hình tài trợ phát triển mới đáp ứng tham vọng của cổ đông, yêu cầu của nhà đầu tư và nhu cầu phát triển. Đây là một bước ngoặt tạo ra sự chuyển đổi trong lịch sử gần 60 năm hoạt động và phát triển của IDA nhằm hỗ trợ phát triển cho 113 quốc gia trên thế giới. Trước đó, IDA hoạt động dựa trên vốn góp cổ phần từ các cổ đông (là các nước lớn và phát triển) với tổng số vốn góp là 158 tỷ USD, với các hoạt động chính là cung cấp tư vấn kỹ thuật và nguồn tài chính giá rẻ cho các chương trình và dự án nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các nước nghèo nhất trên thế giới – từ việc giải quyết tranh chấp, bạo lực và khả năng dễ bị tổn tương; biến đổi khí hậu; và bất bình đẳng giới đến tăng cường khả năng quản trị, xây dựng thể chế, kiến tạo việc làm và hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ phục vụ cho quá trình chuyển đổi kinh tế. “Việc phát hành thành công trái phiếu lần này cho phép IDA bổ sung thêm đáng kể nguồn lực từ thị trường vốn nhằm giải quyết các thách thức lớn nhất trên toàn cầu và hỗ trợ hàng triệu người dân tự thoát nghèo”, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, Ông Jim Yong Kim cho biết.

Hội đồng Thống đốc WB đã nhóm họp tại cuộc họp của Ủy ban Phát triển và quyết định đồng thuận thông qua gói tăng vốn 13 tỷ USD, bao gồm 7,5 tỷ USD vốn góp cho Ngân hàng Quốc tế Tái thiết và Phát triển (IBRD) và 5,5 tỷ USD cho Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) thông qua cả hai hình thức tăng vốn chung và tăng vốn chọn lọc; đồng thời tăng 52,6 tỷ vốn gọi cho IBRD. Việc tăng vốn lần này có ý nghĩa quan trọng trước tình hình bối cảnh kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng và ngày càng phức tạp giúp: (i) WB tiếp tục huy động được nguồn tài chính bổ sung phục vụ phát triển, giải quyết các thách thức chồng chéo và đối phó tốt hơn với các rủi ro cho ổn định và an ninh toàn cầu, đặc biệt là ở các nước nghèo và dễ bị tổn thương hơn; và (ii) tăng cường sự hiện diện và tiếng nói của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, tạo ra sự cân bằng hơn trong tỷ lệ cổ phần giữa các nước.

Nhân dịp này, đại diện NHNN Việt Nam cũng đã có các buổi gặp và làm việc với đại diện của IMF và WB, qua đó bày tỏ sự cám ơn và đánh giá cao hỗ trợ của IMF và WB cho ngành ngân hàng thông qua cung cấp tư vấn, khuyến nghị chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là những hỗ trợ gần đây của WB nhằm lành mạnh hóa khu vực ngân hàng, hỗ trợ tăng cường năng lực xử lý xợ xấu và thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.

(Theo Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh