Hôm nay (1/11), Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội
Ngày nhập : 01/11/2017 15:42
Hôm nay (1/11), Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2017; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW năm 2018 và kế hoạch tài chính-NSNN 3 năm quốc gia 2018-2020. Buổi làm việc được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
 
 
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14

Trong phiên thảo luận hôm qua, nhìn chung các Đại biểu Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội.

Năm 2017 có thể nói là năm có nhiều thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen đã tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế-xã hội của nước ta. Bên ngoài, mặc dù kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu có những khởi sắc, nhưng tiềm ẩn những bất lợi về ổn định chính trị, chủ nghĩa bảo hộ sản xuất và mậu dịch ngày càng gia tăng. Trong khi trong nước tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khó lường và nhanh chóng, việc triển khai thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước diễn ra chậm chạp, chưa đạt được kế hoạch đề ra...

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt, năng động của Chính phủ, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã thu được những kết quả đáng trân trọng.

Theo đó, năm 2017 có khả năng và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu mà Quốc hội giao. Đáng chú ý là tăng trưởng GDP đạt tới 6,7%, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011; trong khi kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát dưới 4%. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài và phát triển doanh nghiệp được tăng cao nhất từ trước tới nay. Năm nay cũng là năm đầu tiên giữ được bội chi NSNN theo kế hoạch và có thể thấp hơn.

Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ có những giải pháp đột phá để cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp phát triển, yên tâm đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước cần có sự chỉ đạo kiên quyết, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp, người đứng đầu ngành chủ quản theo quy định của pháp luật.

Nhiều đại biểu cũng lưu ý nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, trong khi thu ngân sách dự báo không đạt kế hoạch trung hạn, nhưng kỷ luật tài khóa chưa nghiêm. Cụ thể nợ công dự báo đến năm 2020 khoảng 4,2 triệu tỷ; trả lãi vay hàng năm chiếm khoảng 7 đến 8 % tổng chi ngân sách nhà nước.

Chính phủ cũng cần điều chỉnh, bổ sung chính sách mới, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, liên kết với nông dân nhằm tạo công ăn việc làm cho thanh niên nông thôn, tạo sự yên tâm sản xuất cho nông dân, tránh tình trạng rủi ro về giá, khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân phát triển nông nghiệp một cách bền vững…

(Theo Thời Báo Ngân Hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh