Hợp tác Fintech - Xu hướng phát triển tất yếu của ngân hàng hiện đại
Ngày nhập : 01/06/2018 16:02
Khi ngân hàng bắt tay với Fintech được kỳ vọng sẽ thành cánh tay nối dài của ngân hàng, hỗ trợ phổ cập tài chính, tạo ra sức mạnh cho thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh và góp phần phát triển kinh tế.
 
 
Nhiều lợi ích khi ngân hàng hợp tác Fintech

Tại Diễn đàn Công nghệ tài chính (Fintech) Việt Nam 2018 ngày 30/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng khẳng định, NHNN ủng hộ sự hợp tác ngân hàng và Fintech và sẽ tạo điều kiện hoàn thiện pháp lý cũng như hệ sinh thái cho sự phát triển Fintech. Việc hợp tác giữa Fintech và ngân hàng được coi là tiền đề cho việc nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng cho người sử dụng tại Việt Nam.

Ngân hàng bắt tay Fintech – Bổ trợ và phát triển

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh – Trưởng Ban Chỉ đạo Fintech của NHNN nhận định, bên cạnh những dịch vụ mới mà làn sóng Fintech mang lại thì sự hợp tác ngân hàng – Fintech sẽ biến Fintech trở thành cánh tay nối dài của các ngân hàng tới những đối tượng dùng chưa có tài khoản ở ngân hàng truyền thống hay những đối tượng chưa tiếp cận dịch vụ truyền thống (unbanked), mang lại những trải nghiệm tốt, linh hoạt, nhiều tiện ích cho khách hàng, hỗ trợ đắc lực cho phổ cập tài chính (financial inclusion) sâu rộng hơn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội. Bởi một trong những điểm nổi bật của Fintech chính là tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho khách hàng.

Có thể thấy, thế mạnh của ngân hàng là tuân thủ các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các ngân hàng có danh tiếng, uy tín đối với khách hàng và cộng đồng, đồng thời hiểu biết dịch vụ ngân hàng tốt. Tuy nhiên, điểm yếu của các ngân hàng là thường đi chậm hơn so với các công ty công nghệ khác trong việc sáng tạo, cải tiến trong công nghệ.

Trong khi đó, các công ty Fintech mang tính chất là startup (khởi nghiệp) nên rất sáng tạo và năng động. Họ đánh giá dịch vụ ngân hàng dưới góc độ của khách hàng và sẵn sàng cung cấp các dịch vụ mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Bên cạnh đó, các công ty Fintech phát triển với quy trình linh hoạt hơn. Dẫu vậy, điểm yếu của các công ty Fintech là không có được sự hỗ trợ về tính tuân thủ pháp lý, các quy định về an toàn tiền tệ, phòng chống rửa tiền… nên khó tạo được sự tin tưởng, thương hiệu cho các hoạt động tài chính.

Ngoài ra, ngân hàng có một lượng khách hàng truyền thống, có thương hiệu, có uy tín, có mạng lưới… do đó, việc bị thay thế hoàn toàn khó có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, những ngân hàng đứng độc lập, không tham gia vào làn sóng Fintech sẽ bị tụt hậu khi các nhà băng tận dụng được sức mạnh từ Fintech vượt mặt.

Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á Eric Sidgwick cũng khẳng định, nếu kết hợp lại cả 2 bên sẽ tận dụng được thế mạnh của nhau và đây là xu hướng của rất nhiều ngân hàng trong khu vực và trên thế giới.

Trên thực tế, nhiều ngân hàng đã bắt tay hợp tác với các doanh nghiệp Fintech để cung ứng một hoặc một số dịch vụ tiện ích, làm phong phú thêm các sản phẩm, dịch vụ để phục vụ khách hàng. Theo Lãnh đạo Vụ Thanh toán (NHNN), hiện có khoảng 80 công ty Fintech đang hoạt động tại nhiều lĩnh vực khác nhau của Fintech. Tổng giá trị các thương vụ đầu tư nước ngoài liên quan đến các công ty Fintech tại Việt Nam trong 2 năm 2016-2017 đạt khoảng 129 triệu USD.Tính hết năm 2017, thị trường Fintech Việt Nam đã đạt mức 4,4 tỷ USD (theo số liệu từ báo cáo của công ty tư vấn Solidiance).

Hoàn thiện hệ sinh thái để Fintech phát triển

Việc nhìn nhận về các cơ hội và thách thức Fintech mang lại với ngành tài chính ngân hàng nói riêng và đời sống kinh tế xã hội nói chung đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước.

Tại Diễn đàn Công nghệ tài chính Việt Nam 2018 ngày 30/5, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, trong những năm qua, NHNN đã và đang chủ động trong việc tiếp cận vấn đề và đối thoại với các doanh nghiệp trong lĩnh vực Fintech để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện cho các đơn vị này gia nhập thị trường. Cụ thể là từ năm 2008, NHNN đã nghiên cứu và cho phép nhiều công ty không phải ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán trên cơ sở thí điểm nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường. Đến nay, sau khi thiết lập khuôn khổ pháp lý tương đối rõ ràng, NHNN đã cấp Giấy phép hoạt động chính thức cho 27 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Bên cạnh đó, nhận thức được tầm quan trọng của Fintech và tương lai phát triển của lĩnh vực này tại Việt Nam, thực hiện Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025", NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo lĩnh vực Công nghệ tài chính (Fintech) của NHNN vào tháng 3/2017 nhằm đưa ra những giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech ở Việt Nam phát triển.

Thống đốc NHNN cho biết, Ban Chỉ đạo Fintech của NHNN đã hoàn thành Báo cáo đánh giá về Hệ sinh thái Fintech ở Việt Nam, đồng thời đề ra các nội dung trọng tâm của Fintech cần khẩn trương tập trung nghiên cứu, đó cũng là 5 lĩnh vực Fintech được NHNN quan tâm bao gồm: Thanh toán điện tử (e-payments), Định danh khách hàng điện tử (e-KYC); Cho vay ngang hàng (P2P Lending), Giao diện lập trình ứng dụng mở (Open APIs) và các giải pháp ứng dụng công nghệ Blockchain.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Fintech của NHNN cũng thiết lập các kênh đối thoại trực tiếp với các công ty Fintech, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các công ty Fintech để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.

Trong thời gian tới, với định hướng của NHNN, khuôn khổ pháp lý sẽ được sửa đổi, bổ sung một cách rõ ràng và minh bạch cho hoạt động của các công ty Fintech. Bên cạnh Fintech trong lĩnh vực thanh toán (chiếm khoảng 60% các công ty Fintech hoạt động tại Việt Nam) đã hoạt động ổn định, những lĩnh vực Fintech mới (như huy động và cho vay ngang hàng, tài chính cá nhân, hỗ trợ định danh khách hàng điện tử…) cũng sẽ phát triển khi khung pháp lý điều chỉnh cho các hoạt động này được hoàn thiện.

Tuy nhiên, đi theo trào lưu công nghệ mới cũng xuất hiện những rủi ro tiềm ẩn đối với cả ngân hàng và khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ. Sự phát triển quá nhanh chóng của công nghệ tài chính cũng mang lại những thách thức không nhỏ đối với các cơ quan quản lý, như cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho kịp sự tiến bộ của công nghệ, bên cạnh các vấn đề về nguồn nhân lực, an tòan bảo mật, an ninh mạng, tội phạm công nghệ cao, cơ chế hợp tác trong chia sẻ thông tin giữa các nước ...

Trước những cơ hội và thách thức mà Fintech đưa lại, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng, đây là thời điểm để các ngân hàng nhìn nhận lại chiến lược kinh doanh, đẩy mạnh đổi mới mô hình, cải tiến quy trình nghiệp vụ, gia tăng tiện ích và cải thiện khách hàng. Ông cũng khuyến khích Fintech chủ động khai thác thị trường, tác động tới các đối tượng vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện và cần nhìn nhận rõ những thách thức để chủ động, tăng cường giải pháp trước những rủi ro. Hơn nữa, một trong những điểm mấu chốt để Fintech và ngân hàng phối hợp được là xây dựng hệ thống chia sẻ dữ liệu, xây dựng pháp lý theo tiêu chuẩn, các doanh nghiệp Việt Nam phải quan tâm tới khách hàng đầu tiên, phải đặt nhu cầu khách hàng lên đầu.

(Theo Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh