IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt 6,6%
Ngày nhập : 16/07/2018 16:01
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa kết thúc tham vấn Điều IV năm 2018 cho Việt Nam. Theo đó, đà kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, Việt Nam cần củng cố tài khóa, giảm tăng trưởng tín dụng nóng… Tăng trưởng được dự báo ở mức 6,6% trong năm 2018.
 
 
Các chỉ số kinh tế và tài chính của Việt Nam giai đoạn 2013-2019. Theo IMF

Theo Điều IV, IMF sẽ cử phái đoàn công tác tại các nước thành viên hàng năm, nhằm đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô của nước đó.

Động lực kinh tế mạnh mẽ dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2018

Theo IMF, nền kinh tế năng động, cởi mở của Việt Nam đã có một năm bội thu trong 2017. Tăng trưởng dựa trên diện rộng và tăng tốc lên 6,8%, trong khi lạm phát vẫn ở dưới mục tiêu 4% phản ánh giá lương thực thấp và tỷ giá hối đoái ổn định.

Tiêu dùng cá nhân tiếp tục được thúc đẩy bởi sự di cư từ nông thôn ra thành thị, tăng thu nhập và tầng lớp trung lưu đang phát triển.

Năm qua, Việt Nam cũng ghi nhận lượng lớn luồng vốn FDI và các dòng vốn khác. Ngân hàng Nhà nước duy trì tỷ giá hối đoái của VNĐ so với đồng USD ổn định và tích lũy 12 tỷ USD dự trữ ngoại hối trong năm 2017, củng cố nguồn ngoại hối cho bộ đệm dự trữ thấp...

Các chuyên gia của IMF cho rằng, động lực kinh tế mạnh mẽ dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2018, do được hỗ trợ bởi sự cải cách, sản lượng tiềm năng cao hơn, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu và cam kết ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính.

Tăng trưởng được dự báo ở mức 6,6% vào năm 2018, lạm phát dù được dự báo sẽ tăng lên, nhưng vẫn chỉ dưới mục tiêu 4%. IMF nhận định, trên xu hướng tăng trưởng hiện tại và nếu cải cách tiếp tục với tốc độ hiện tại, tăng trưởng kinh tế hàng năm 6% của Việt Nam là hoàn toàn khả thi sau năm 2018.

Theo IMF, trong năm 2018, nền kinh tế năng động, cởi mở của Việt Nam tiếp tục hoạt động tốt, đà kinh tế mạnh mẽ được kỳ vọng sẽ tiếp tục. Điều này được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính, đẩy mạnh cải cách kinh tế và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho phép chuyển đổi cơ cấu và đang tăng trưởng tiềm năng.

Tuy nhiên, mặc dù triển vọng trước mắt đang được cải thiện, nhưng còn nhiều rủi ro phía trước mà kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt. Khoảng đệm tài chính vẫn còn mỏng, khung chính sách kinh tế vĩ mô vẫn không linh hoạt, làm phức tạp việc quản lý và đối phó với các cú sốc từ bên ngoài.

Củng cố tài khóa, giảm tăng trưởng tín dụng nóng

Theo IMF, chính sách tài khóa cần nhấn mạnh việc củng cố chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển lớn và đảm bảo rằng, Việt Nam có khoảng đệm tài chính để đáp ứng những thách thức dài hạn hơn, thúc đẩy tăng trưởng trung hạn.

Cải cách nên tập trung vào việc mở rộng các căn cứ tính thuế; giảm chi tiêu hành chính và tiền lương; bảo vệ chi tiêu xã hội thông qua cải cách an sinh xã hội và cải cách dịch vụ dân sự được thiết kế tốt; bảo vệ và nâng cao chất lượng đầu tư công...

Các chuyên gia của IMF cho rằng, để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ nên được thắt chặt bằng cách giảm tăng trưởng tín dụng nóng. Chính phủ cần tiếp tục duy trì chính sách linh hoạt tỷ giá hối đoái để giảm luồng đầu cơ, giúp có thể hấp thụ các cú sốc và giảm lượng thặng dư bên ngoài.

Dự trữ tích lũy nên tiếp tục nhưng dần dần. Việc hiện đại hóa khung tiền tệ nên bắt đầu, dần dần nới lỏng các mục tiêu tín dụng để bắt đầu một sự thay đổi theo từng giai đoạn, nhằm mục tiêu lạm phát và linh hoạt tỷ giá hối đoái.

IMF cho rằng, bảng cân đối tài chính, giám sát và quản lý rủi ro cần được tăng cường hơn nữa. Tăng trưởng tín dụng và giá tài sản cao có thể góp phần tạo nên rủi ro trong hệ thống tài chính. Các ngân hàng thương mại nhà nước nên được vốn hóa nhanh chóng với các quỹ của Chính phủ, bằng cách tăng giới hạn sở hữu của khu vực tư nhân và nước ngoài. Điều quan trọng là phát triển khung pháp lý và cải thiện chất lượng tín dụng và tiếp cận bảng cân đối để giám sát và chủ động quản lý rủi ro.

IMF khuyến cáo, các cải cách cần phải được mở rộng và tăng tốc để giải quyết các rào cản còn lại để đầu tư và nâng cao năng suất lao động. Các lĩnh vực ưu tiên bao gồm: đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao; tiếp tục cắt giảm các rào cản pháp lý và chuyển sang các thông lệ quốc tế tốt hơn, nâng cao tính minh bạch và chất lượng tín dụng để hỗ trợ đầu tư; cải cách giáo dục đại học; nỗ lực giảm sở hữu nhà nước về đất đai và tiếp tục cải cách trong các doanh nghiệp nhà nước.

Đồng thời, Việt Nam phải tiếp tục tăng cường các biện pháp chống tham nhũng và giải quyết mối đe dọa của biến đổi khí hậu./.

(Theo Thời Báo Tài Chính Việt Nam)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh