IMF nâng triển vọng kinh tế toàn cầu
Ngày nhập : 24/01/2018 16:06
Trong báo cáo mới công bố vào ngày 22/01/2018, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã điều chỉnh nâng triển vọng kinh tế toàn cầu trong giai đoạn trung hạn, nhờ kinh tế tăng tốc và kỳ vọng về tác động tích cực của chính sách thuế tại Mỹ.
 
 
Cụ thể, kinh tế toàn cầu năm 2017 được dự báo tăng 3,7%, cao hơn 0,5% so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2017, phản ánh đà phục hồi mang tính chu kỳ, bắt đầu từ năm 2010 với GDP tăng đồng thời tại hầu hết các quốc gia và khu vực, nhất là châu Âu và châu Á. Trong hai năm 2018-2019, dự báo GDP toàn cầu được điều chỉnh tăng 0,2% lên 3,9%, nhờ động lượng tăng trưởng tiếp tục được củng cố và kỳ vọng lạc quan về tác động của những thay đổi về chính sách tài khóa tại Mỹ đối với tình hình kinh tế toàn cầu.
Triển vọng kinh tế toàn cầu (% so với năm trước)
Nguồn: IMF tháng 10/2017

(1): Tăng giảm so với dự báo tháng 10/2017

(2): Không kể các nước G7 và khu vực euro;

(3): Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Land, Việt Nam;

(4): Kể cả Afghanistan và Pakistan;

(5): Không kể Argentina và Venezuela.

Trong những tháng gần đây, thương mại thế giới tăng vững, nhờ hoạt động đầu tư tăng tốc, nhất là tại các nước phát triển, sản lượng công nghiệp tại châu Á tăng cao sau sự phát triển của các mô hình điện thoại thông minh mới.
 
Chỉ số quản lý sức mua về công nghiệp chế tạo tiếp tục tiến triển tích cực, niềm tin của người tiêu dùng cải thiện mạnh.

Về lạm phát và giá cả hàng hóa, triển vọng kinh tế tăng cao, diễn biến thời tiết bất thường tại Mỹ, Tổ chức các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tiếp tục kiềm chế sản lượng dầu, và căng thẳng chính trị tại Trung Đông đã đẩy giá dầu tăng cao với mức tăng 20% lên 60 USD/thùng trong thời gian từ tháng 8/2017 đến giữa tháng 12/2017, và tiếp tục tăng trong những ngày đầu năm 2018. Thị trường kỳ vọng, giá dầu sẽ giảm dần trong 4-5 năm tới với mức giá giao sau trong giai đoạn trung hạn đứng ở mức 54 USD/thùng, tăng nhẹ so với mức giá giao dịch trong tháng 8/2017. Giá chất đốt tăng dần cũng thúc đẩy lạm phát cơ bản tại các nước phát triển, nhưng lạm phát lõi và mức lương vẫn yếu ớt. Sau khi giảm thấp trong những tháng đầu năm 2017, lạm phát cơ bản và lạm phát lõi tại các nước đang phát triển và mới nổi (EMDEs) có dấu hiệu tăng nhẹ trong những tháng gần đây.

Về thị trường cổ phiếu và trái phiếu, thị trường kỳ vọng về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ rút ngắn lộ trình tăng lãi suất. Tuy nhiên, sau đợt tăng lãi suất vào tháng 12/2017, Fed có thể vẫn tiếp tục quan điểm thận trọng trước khi quyết định tăng lãi suất. Lần đầu tiên kể từ năm 2008, Ngân hàng Trung ương (NHTW) Anh đã tăng lãi suất chính sách do kinh tế không ảm đạm như dự báo và lạm phát tăng cao đã đẩy bảng Anh mất giá. Từ tháng 01/2018, NHTW châu Âu bắt đầu cắt giảm quy mô chương trình mua trái phiếu, nhưng vẫn duy trì chính sách lãi suất thấp cho đến khi kết thúc chương trình nới lỏng định lượng và lạm phát tăng vững theo mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu phản ứng yếu ớt trước những diễn biến này, lợi suất trái phiếu ngắn hạn có xu hướng đi ngang, và tăng dần theo kỳ hạn của trái phiếu, phù hợp với kỳ vọng của thị trường về xu hướng lạm phát trầm lắng trong tương lai. Tại các nước phát triển, giá cổ phiếu các loại tiếp tục tăng cao do cảm nhận lạc quan của các nhà đầu tư, thị trường chỉ chao đảo nhẹ, trong bối cảnh lạm phát yếu ớt và quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ diễn ra chậm chạp. Từ tháng 8/2017, chỉ số chứng khoán tại các nước mới nổi tiếp tục tăng cao, nhờ GDP tại các nước xuất khẩu hàng hóa tăng trở lại. Trong một số trường hợp, lợi tức cổ phiếu dài hạn tăng dần trong những tháng gần đây, nhưng nhìn chung vẫn ở mức thấp, mặt bằng lãi suất khó có thể tăng cao.

Về tỷ giá và dòng vốn quốc tế, tỷ giá thực giữa USD và euro trong những ngày đầu tháng 01/2018 tương đương với diễn biến trong tháng 8/2017. Yên Nhật giảm 5%, do chính phủ tiếp tục nới lỏng tài khóa - tiền tệ. Trong khi đó, bảng Anh đã tăng gần 4%, sau khi NHTW Anh tăng lãi suất vào tháng 11/2017. Tại các nước mới nổi, nhân dân tệ của Trung Quốc và ringgit của Malaysia lần lượt tăng 2% và 7% do kinh tế tăng cao hơn kỳ vọng, và giá cả hàng hóa tăng trở lại; đồng rand của CH Nam Phi tăng gần 6%, do chính phủ đã khắc phục được bất ổn chính trị. Trái lại, đồng peso của Mêhicô giảm tới 7% do các cuộc đàm phán lại Hiệp định Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) chưa đến hồi kết, đồng lia của Thổ Nhĩ Kỳ giảm 4,5% do lạm phát tăng cao. Dòng vốn vào các nước mới nổi tiếp tục tăng cao, nhất là danh mục đầu tư gián tiếp từ nước ngoài.

Động lực tăng trưởng trong năm 2017 được kỳ vọng sẽ tiếp tục được duy trì trong hai năm 2018-2019 với mức tăng trưởng trung bình 3,9%, tăng 0,2% so với dự báo cách đây 3 tháng. Động thái điều chỉnh này bắt nguồn từ triển vọng kinh tế lạc quan tại các nước phát triển, với mức tăng trưởng trên 2% trong năm 2018-2019, phản ánh kỳ vọng về điều kiện tài chính thuận lợi và tâm lý lạc quan sẽ khuyến khích nhu cầu, nhất là các hoạt động đầu tư, với tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế tại các nước xuất khẩu hàng hóa hàng đầu trên thế giới. Hơn nữa, chương trình cải cách thuế và kế hoạch kích thích tài khóa tại Mỹ được dự báo sẽ thúc đẩy kinh tế Mỹ trong ngắn hạn, qua đó gây tác động lan tỏa đến các đối tác thương mại, nhất là Mêhicô và Canada.

Trong ngắn hạn, rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế tương đối cân bằng, nhưng GDP toàn cầu sẽ tăng chậm dần trong giai đoạn trung hạn. Trong đó, lo ngại lớn nhất bắt nguồn từ tiến trình thắt chặt tiền tệ chậm chạp sau thời gian dài nới lỏng quá mức.

Cho đến nay, phản ứng của thị trường trái phiếu và sức mua USD trước tác động của những thay đổi về chính sách thuế tại Mỹ dường như còn rất yếu ớt, và thị trường kỳ vọng về khả năng Fed sẽ thắt chặt tiền tệ một cách chậm chạp. Tuy nhiên, thị trường tài chính có thể bước vào giai đoạn điều chỉnh, nếu lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu tăng vững, và nhu cầu tăng cao. Trong kịch bản kinh tế toàn cầu giảm tốc, phản ứng của các nhà đầu tư Mỹ về tác động của chính sách thuế có thể khiêm tốn hơn so với kỳ vọng, ảnh hưởng đến nhu cầu của các đối tác thương mại.

Trong giai đoạn trung hạn, tiềm năng tăng trưởng dễ bị tổn thương nếu điều kiện tài chính tiếp tục nới lỏng, các nước tập trung các mối quan tâm vào chính sách hướng nội, chưa kể đến những yếu tố tiêu cực khác.

(Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh