Khai mở động lực cho tăng trưởng
Ngày nhập : 14/08/2017 15:40
Muốn đưa kinh tế Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trên 7% thì cần tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy nhanh tăng trưởng năng suất lao động, cải thiện bên cung để nâng sản lượng tiềm năng của nền kinh tế, cải cách mạnh mẽ khâu tổ chức thực hiện để hiện thực hóa kết quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Tiềm năng tăng trưởng chỉ còn 6%

Mong muốn đạt tăng trưởng cao là chính đáng, để đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Nhưng điều này không phải dễ mà thực hiện được trong bối cảnh hiện nay. TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tâm tư: Các nghiên cứu cho thấy, tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam hiện chỉ khoảng 6%/năm, cho dù có tăng thêm vốn đầu tư, tín dụng, tăng tiêu dùng... thì tăng trưởng cũng chỉ trong khoảng 6,3-6,5%/năm.

Phân tích thực trạng nền kinh tế hiện nay, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam chỉ ra rằng: Từ phía cung, sản xuất công nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Cho dù ngành khai khoáng sụt giảm tăng trưởng, tuy nhiên Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Than - Khoáng sản đều khẳng định năm nay sẽ hoàn thành chỉ tiêu khai thác. Về phía cầu, cả tiêu dùng và đầu tư đều gia tăng khá tốt.

“Dân vẫn tăng tiêu dùng, DN vẫn tăng đầu tư và còn mạnh hơn cùng kỳ năm trước”, theo ông Thành, “vấn đề của nền kinh tế Việt Nam là cho dù sức cầu của nền kinh tế có tăng mạnh mà các rào cản tăng trưởng vẫn tồn tại thì cũng không đóng góp được bao nhiêu cho phát triển kinh tế”.

“Giải pháp cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng là phải dịch chuyển tiềm năng tăng trưởng lên phía trên, ở mức cao hơn”, ông Cung đặt vấn đề, đồng thời nêu quan điểm: Để thúc đẩy tăng trưởng, công cụ thường sử dụng là tài khóa, tiền tệ. Nhưng hiện nay, các công cụ này đã tới hạn và không thể dịch chuyển được GDP tiềm năng.

“Tăng trưởng GDP tiềm năng có xu hướng giảm và chưa được cải thiện là do hiệu quả đầu tư thấp, nhất là đầu tư của Nhà nước. Tỷ lệ giá trị tăng thêm trong sản xuất công nghiệp và nông nghiệp giảm. Thực trạng DN tư nhân yếu do chi phí kinh doanh cao, nhiều rào cản thị trường...”, ông Cung nói.

Chính vì thế, khai mở động lực cho tăng trưởng chính là vấn đề đáng bàn nhất hiện nay. Tổ tư vấn đã có đề xuất với Thủ tướng rằng động lực tăng trưởng thời gian tới không thể dựa vào tăng vốn đầu tư khu vực Nhà nước và khai thác tài nguyên. Muốn đưa kinh tế Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trên 7% thì cần tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy nhanh tăng trưởng năng suất lao động, cải thiện bên cung để nâng sản lượng tiềm năng của nền kinh tế, cải cách mạnh mẽ khâu tổ chức thực hiện để hiện thực hóa kết quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Tháo nút thắt thể chế kinh tế

“Nguyên nhân thực đằng sau câu chuyện tăng trưởng chậm trong ngắn hạn là do rào cản thể chế và chậm tái cấu trúc kinh tế”, theo ông Thành. Chính phủ đã đưa ra thông điệp khá mạnh mẽ, khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng, hỗ trợ DN khởi nghiệp. Tức là thông điệp về cải cách thể chế khá tích cực, nhưng mới chỉ dừng ở tuyên bố của Chính phủ còn việc thực hiện dường như giảm dần theo các cấp, mà trên thực tế vẫn còn nhiều rào cản.

Đồng quan điểm, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh vẫn là rào cản đối với phát triển sản xuất kinh doanh. “Phải tập trung giải quyết, đặc biệt là phải gắn với trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương. Giải quyết được các vấn đề này tiềm năng tăng trưởng sẽ tăng lên”, ông Thiên nói.

Về điểm này, Tổ công tác của Thủ tướng cũng khẳng định, qua đợt kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ mà Chính phủ và Thủ tướng giao ở một số bộ, ngành và địa phương đã xác định được nhiều vướng mắc về thể chế, điều này đang gây khó khăn cho việc triển khai các chủ trương, chính sách của Chính phủ.

Thực tế cho thấy, nhiều vấn đề trong điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành không phải lúc nào cũng hoàn toàn thông suốt. Đơn cử như lĩnh vực thuế và hải quan đã cải cách rất mạnh mẽ trong những năm qua, hơn 97% số DN cả nước đã làm các thủ tục thuế và hải quan qua mạng, nhưng trong thực tế nhiều cơ quan khác như quản lý thị trường… vẫn yêu cầu DN xuất trình chứng từ bản giấy. Những yêu cầu kiểu này vẫn làm DN tốn chi phí.

Góp thêm đề xuất để thúc đẩy DN phát triển, nhiều ý kiến đề xuất lên Chính phủ đều nhắc đến các giải pháp như: phải tháo gỡ rào cản thể chế, giảm chi phí cho DN, khuyến khích và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, đồng thời, đẩy mạnh cải cách DNNN… “Làm tốt hơn nhiệm vụ cổ phần hóa, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN phải là một trong những giải pháp ưu tiên vào thời điểm này, để nền kinh tế tìm lại đà tăng trưởng cho năm 2018 và các năm tiếp theo”, ông Cung nhấn mạnh ở ý này.

Cùng cho rằng khai mở động lực tăng trưởng bằng cải cách DNNN, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng: Nền kinh tế vẫn cần đầu tư công, không phải chỉ để thúc đẩy tăng trưởng ở phía cầu mà quan trọng hơn là khai thông các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng. Để có đầu tư công trong ngắn hạn mà không phá vỡ trần nợ công thì chỉ có nguồn tiền từ cổ phần hóa và thoái vốn trong DNNN.

Tổ trưởng tổ tư vấn, TS.Vũ Viết Ngoạn chốt lại rằng: “Nếu không có giải pháp hữu hiệu để hiện thực hóa chỉ đạo điều hành của Chính phủ, tạo sự chuyển động của cả bộ máy hành chính, sẽ không đạt được những mục tiêu kinh tế chủ yếu của Đại hội XII”.

(Theo Thời Báo Ngân Hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh