Kinh tế 2020: Nhìn điểm sáng để nỗ lực vượt khó
Ngày nhập : 16/04/2020 13:45
Nền kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nhưng cũng có 4 điểm sáng đáng ghi nhận và cần tiếp tục phát huy để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
 
 
5 khó khăn, 4 điểm sáng và dự báo kinh tế 2020

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu khiến kinh tế thế giới, trong đó có Việt quý I/2020 bị tác động nghiêm trọng.

Đó là: Tăng trưởng GDP quý I/2020 (3,82%) – mức thấp nhất trong quý I của các năm giai đoạn 10 năm 2011-2020; Áp lực lạm phát vẫn cao, dù nhiều nhóm hàng hóa giảm giá; Xuất siêu tăng song xuất khẩu gặp nhiều khó khăn; Vốn FDI đăng ký và giải ngân suy giảm; Thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhiều, thể hiện thể trạng DN còn yếu và tâm lý nhà đầu tư lo ngại dịch bệnh phức tạp. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng có 4 điểm sáng đáng ghi nhận.

Thứ nhất, Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực hoàn thiện thể chế; chủ động, quyết liệt, tích cực phòng chống dịch Covid-19 và đạt kết quả quan trọng ban đầu.

Thứ hai, các cân đối lớn và ổn định vĩ mô được đảm bảo, trong bối cảnh thị trường quốc tế nhiều biến động do dịch bệnh lan rộng.

Thứ ba, thu - chi ngân sách nhà nước tăng tích cực, giải ngân vốn đầu tư công khởi sắc.

Thứ tư, các bộ, ngành, địa phương, trong đó có ngành ngân hàng tích cực tham gia hỗ trợ người dân, DN trong bối cảnh chịu nhiều tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh đại dịch nặng nề, phức tạp, kinh tế toàn cầu suy thoái, Việt Nam nếu đạt được “mục tiêu kép”: kiểm soát tốt dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại tối đa cho người dân, DN và nền kinh tế; và vẫn đạt được mức tăng trưởng khoảng 5,4-5,6% năm nay là thành công rất đáng khích lệ.

Trong khi đó, mục tiêu lạm phát cả năm dưới 4% cũng đang gặp nhiều thách thức bởi ảnh hưởng dịch bệnh, hạn hán, sự hạn chế các nguồn cung nhập khẩu, tâm lý lo ngại về suy thoái kinh tế… có thể khiến xu hướng tăng giá của các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, y tế…) tiếp tục diễn ra, ít nhất đến hết quý II/2020.

Hoạt động xuất nhập khẩu dự báo chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19 trong 6 tháng đầu năm nhưng có thể phục hồi nhanh nửa cuối năm. Sự sụt giảm nhu cầu của thế giới trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động ngoại thương của Việt Nam trong năm nay.

Tuy nhiên, với nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung đầu vào và thị trường, khai thác lợi thế của các FTA và thương mại điện tử, dự báo 6 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại sẽ tiếp tục thặng dư 3-5 tỷ USD; mức giảm của xuất khẩu (dự báo giảm từ -3 đến -4%) sẽ thấp hơn mức giảm của nhập khẩu (giảm -5 đến -6%) so với cùng kỳ.

Với triển vọng hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ nhanh chóng bật tăng trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát (dự báo cuối quý II/2020), góp phần khôi phục kinh tế và nhu cầu hàng hóa trong 2 quý cuối năm cũng là mùa cao điểm xuất nhập khẩu, và qua đó giúp hoạt động kinh doanh sẽ nhanh chóng bật tăng trở lại.

Đẩy mạnh các giải pháp phục hồi tăng trưởng

Thứ nhất, nhiệm vụ ưu tiên số 1, quan trọng hàng đầu hiện nay vẫn phải là phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, bởi vì làm tốt điều này cũng chính là góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, các gói chính sách kinh tế - xã hội cần hướng đến hỗ trợ ổn định, khắc phục khó khăn, vượt qua cú sốc về cả phía cung và cầu, đảm bảo an sinh xã hội, cũng như chuẩn bị tốt nhất để tạo đà phục hồi mạnh ngay sau khi dịch bệnh kết thúc. Trong những trường hợp này, chính sách tài khóa nên được ưu tiên hơn là chính sách tiền tệ, do hiệu quả tức thì, ít độ trễ hơn của chính sách tài khóa. Tuy nhiên, vẫn phải kết hợp hài hòa cả hai nhóm chính sách này thì hiệu quả hỗ trợ mới tốt hơn.

Thứ ba, đối với chính sách tiền tệ - tín dụng, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với hộ kinh doanh và DN là dòng tiền và tính thanh khoản. Vì vậy, cần tập trung hỗ trợ những vấn đề này.

Thứ tư, đối với chính sách tài khóa, việc giãn, hoãn thuế và tiền thuê đất là rất cần thiết hiện nay đối với DN, hộ gia đình. Theo đó, Bộ Tài chính đã triển khai Nghị định số 41/NĐ-CP về giãn, hoãn nộp thuế, tiền thuê đất với thời hạn 5 tháng (không phạt nộp chậm), tổng số tiền giãn, hoãn nộp trong khoảng 180.000 tỷ đồng. Đây là việc hoãn cho DN, hộ gia đình trong giai đoạn dịch Covid-19.

Cùng với đó, Chính phủ nên sớm trình Quốc hội chính thức cho phép giảm thuế thu nhập DNNVV xuống mức 15-17% (Luật hỗ trợ DNNVV năm 2017 cho phép điều này, nhưng cần được Quốc hội thông qua). Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án lớn, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư cho lĩnh vực y tế…

Đối với các khoản chi ngân sách nhà nước cho hoạt động phòng chống dịch Covid-19 nên bao gồm tăng ngân sách đầu tư cho nghiên cứu vaccine và phòng, chống dịch bệnh, dịch vụ y tế; giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị y tế…

Thứ năm, thủ tục hành chính cần được giảm thiểu tối đa cùng với ứng dụng CNTT trong khâu hướng dẫn, tổ chức thực hiện, nhằm đảo bảo phần hỗ trợ quý báu sớm đến được với người dân, DN một cách đúng, trúng và hiệu quả.
 
(Nguồn: Tạp chí Tài chính)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh