Kinh tế duy trì đà phục hồi
Ngày nhập : 31/07/2020 09:13
Số liệu thống kê về tình hình kinh tế tháng 7 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, động lực chủ yếu của tăng trưởng vẫn đến từ chính sự phục hồi của thị trường trong nước, trong khi chưa kích hoạt thêm được các động lực lớn khác do thế giới chưa kiểm soát được dịch Covid-19.

Thị trường trong nước là bệ đỡ hiệu quả

Sau khi tăng lần lượt là 11,2% và 10,3% trong tháng 5 và tháng 6, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2020 chỉ tăng 3,6% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng năm 2020, IIP ước tính tăng 2,6% so với một năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2019 và cũng là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Điều đó cho thấy sản xuất công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi mà dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu dẫn đến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào bị gián đoạn.

Trong khi đó hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 7/2020 tiếp tục xu hướng tăng trở lại nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa, cùng với các gói hỗ trợ của Chính phủ giúp người dân giảm bớt gánh nặng chi tiêu. Bên cạnh đó, tháng 7 cũng là tháng học sinh, sinh viên nghỉ hè nên nhiều gia đình tổ chức đi du lịch trong nước. Tuy nhiên tốc độ tăng cũng có dấu hiệu chậm lại khi mà tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 chỉ tăng 3,3% so với tháng trước, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 26,9% của tháng 5 và 6,2% trong tháng 6. Tính chung 7 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn giảm 0,4%, song nhờ giữ được đà tăng qua từng tháng nên mức giảm đang tiếp tục thu hẹp dần.
 

Điểm sáng của thị trường trong nước tháng này chính là hoạt động của DN. Theo đó, mặc dù số DN thành lập mới trong tháng 7 giảm 3,8% so với tháng trước, nhưng lượng vốn đăng ký tăng tới 72%. Điều đó cho thấy những tín hiệu tích cực của các chính sách hỗ trợ DN và kế hoạch phục hồi nền kinh tế nước ta sau dịch bệnh Covid-19. Tính chung 7 tháng năm 2020, cả nước có 75.200 DN đăng ký thành lập mới, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên số DN quay trở lại hoạt động tăng 17,6%; số DN tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 12,2% và số DN hoàn tất thủ tục giải thể giảm 3,5%.

Một điểm sáng nổi bật khác là hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cơ bản trở lại trạng thái bình thường. Các dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đặc biệt, tốc độ thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước trong tháng 7 tiếp tục được đẩy nhanh hơn, tăng 51,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 203.000 tỷ đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 chỉ tăng 4,7%), cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực đánh giá, động lực chính giúp kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng dương chính là 2 khu vực công nghiệp và nông nghiệp, với điểm tựa là thị trường trong nước. Đối với khu vực công nghiệp thì lĩnh vực xây dựng là điểm sáng quan trọng hơn cả, nhờ hoạt động đầu tư công và hoạt động xây lắp được thúc đẩy mạnh mẽ. Thời điểm dịch bệnh, nhiều công trình vẫn được xây cất. Bên cạnh đó, nông nghiệp cũng là lĩnh vực đáng khen ngợi. Mặc dù tăng trưởng sản xuất nông nghiệp vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, nhưng lại đóng góp gấp đôi so với mức đóng góp chung của năm ngoái (12% so với 6%), “Trong bối cảnh này thì đó là cái đáng quý, vừa đảm bảo an ninh lương thực, tránh bất ổn, vừa tạo tăng trưởng cho nền kinh tế”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Dự báo trong 5 tháng cuối năm, nông nghiệp vẫn sẽ là bệ đỡ hiệu quả của nền kinh tế. Bởi theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng năm nay số DN thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng mạnh 20,9% so với cùng kỳ năm trước; trong khi khu vực công nghiệp - xây dựng chỉ tăng nhẹ 2,1%, khu vực dịch vụ thậm chí còn giảm 8,4%.

PGS. TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhận định, trong các tháng còn lại của năm, đầu tư công sẽ tiếp tục là giải pháp mũi nhọn và sử dụng giải pháp này mang lại nhiều ưu điểm. “Tôi cho rằng tiêu dùng và xuất khẩu trong các tháng tới khó lòng mang lại động cơ tăng trưởng mạnh mẽ cho Việt Nam”, ông Bảo khẳng định.

Nhận định về triển vọng kinh tế vĩ mô quý III và cả năm 2020, ông Bảo lưu ý, kinh tế Việt Nam chưa thể tách rời khỏi kinh tế thế giới. Do đó nếu các quốc gia chưa thể sống chung với Covid-19, chưa có vacxin, thì khó có thể có được bước ngoặt là nền kinh tế chạm đáy và bật dậy. Tuy nhiên “do Việt Nam nằm trong số ít nền kinh tế có cơ hội nhờ chống dịch tốt, nên kinh tế nước ta vẫn sẽ ở mức từ trung bình trở lên, trong khi thế giới suy giảm thì chúng ta vẫn phục hồi”, chuyên gia này đưa ra dự báo.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh