Kinh tế quý I: Khởi đầu thuận lợi trước nhiều bất lợi
Ngày nhập : 02/04/2019 15:17
Nền kinh tế đã khởi động thuận lợi trong quý I/2019 với mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,79%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm 2017-2019. Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố tại cuộc họp báo tổ chức ngày 29/3.
 
 
Điểm sáng trong bức tranh quý I

Mức tăng trưởng quý I năm nay tuy thấp hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng cao hơn quý I các năm 2011-2017. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực suy giảm mà kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,79% là rất ấn tượng.

Trong đó, động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong quý I/2019 tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến chế tạo với mức tăng 12,35%, tuy thấp hơn mức tăng 14,3% của quý I/2018 nhưng cao hơn quý I các năm 2012-2017, đóng góp lớn vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm với 2,72 điểm %.

Ngành khai khoáng tăng trưởng âm trong quý I năm nay (giảm 2,2%), làm giảm 0,15 điểm % mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế do sản lượng khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm. Ngành xây dựng 3 tháng đầu năm nay duy trì mức tăng trưởng khá.

Ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp đánh giá, tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở mức 8,95% là khá cao, song vẫn thấp hơn năm ngoái chủ yếu do sự chững lại của 2 ngành công nghiệp chế biến chế tạo và khai khoáng.

Theo ông Thuý, mức tăng 11,4% của ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong quý I năm nay là khá ấn tượng, song lại thấp hơn năm ngoái tới hơn 4 điểm %, chủ yếu do sản lượng các ngành công nghiệp mũi nhọn là sản xuất điện thoại, điện tử, máy tính và sản phẩm quang học đã không tăng đột biến như cùng kỳ năm ngoái.

“Hiện nay quy mô các ngành này đã ổn định, số lao động giảm 5,7%, cho thấy xu hướng tăng trưởng trong các ngành này đã bắt đầu chững lại”, ông Thuý nhận định.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng quý I/2019 thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, song ông Nguyễn Bích Lâm lưu ý rằng mức này vẫn cao hơn so với quý I của tất cả các năm còn lại trong giai đoạn từ 2009 đến nay.

Ông cho rằng, năm 2018 nền kinh tế gặp thuận lợi trên tất cả các lĩnh vực từ công nghiệp, nông nghiệp,xuất nhập khẩu. Trong khi đó bước sang năm nay bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới không còn được thuận lợi như vậy, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm, Chính phủ các nước cắt giảm chi tiêu, nhu cầu sụt giảm nên thương mại toàn cầu cũng giảm theo...

Trong khi đó, độ mở của nền kinh tế trong quý I/2019 đã ở mức cao nhất so với quý I các năm, khoảng 250% GDP. Do phụ thuộc lớn vào nhu cầu bên ngoài, kinh tế Việt Nam đã gặp không ít tác động khi kinh tế thế giới suy giảm.

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế quý I/2019 lại có điểm sáng là môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thể hiện ở số doanh nghiệp đăng ký đạt hơn 28.400 doanh nghiệp, tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Cán cân thương mại hàng hóa duy trì xuất siêu, thu hút khách quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khá. Thị trường trong nước nhìn chung ổn định, cung cầu hàng hóa được bảo đảm.

Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần. An sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Năng lực sản xuất của nền kinh tế mở rộng, tạo đà cho kinh tế nước ta phát triển trong những quý tiếp theo.

Vượt thách thức

Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cũng như tiếp tục đối mặt với những thách thức mới như tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản được xem là thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu có xu hướng giảm; công nghiệp chế biến, chế tạo khó duy trì tốc độ tăng như cùng kỳ năm trước trong những quý tiếp theo; thời tiết, hạn hán, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

Ngoài ra, với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.

Vì vậy, Tổng cục Thống kê khuyến nghị, để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, trong thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01 và Nghị quyết số 02 của Chính phủ.

Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là kịp thời tháo gỡ khó khăn, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, dịch vụ công, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh, tạo động lực cho doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể phát triển, có chính sách phù hợp phát triển mạnh kinh tế tư nhân.

Để kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm.

Thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý vào thời điểm hợp lý để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2019. Giải ngân kịp thời vốn đầu tư công và thúc đẩy đầu tư tư nhân, hoàn thiện môi trường pháp lý, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công.

Bên cạnh đó, chú trọng mở rộng thương mại quốc tế, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản. Kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa, thiết bị nhập khẩu, duy trì cân bằng thương mại bền vững, xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp để bảo vệ sản xuất trong nước, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Cùng với đó, khuyến khích nhu cầu tiêu dùng sản phẩm trong nước, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu; tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch, có chính sách, biện pháp thu hút hiệu quả khách du lịch quốc tế.

Đối với ngành nông nghiệp, cần tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với thị trường; nâng cao chất lượng sản phẩm, kiểm soát dịch bệnh…

Ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước,mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 sẽ đạt mức cận trên (6,8%) của kịch bản tăng trưởng mà cơ quan này đã dự báo, và có thể còn cao hơn. Đây sẽ là cơ sở để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020 và các năm tiếp theo.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh