MUTRAP - kết nối Việt Nam và EU
Ngày nhập : 15/12/2017 14:34
Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) vừa  tổ chức tổng kết dự án.

Sau 5 năm hoạt động, dự án đã hoàn thành các kế hoạch công tác đề ra, triển khai 130 hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, xuất bản 74 báo cáo, tài liệu nghiên cứu, tổ chức gần 300 hội thảo, tọa đàm và khóa đào tạo tại 31 tỉnh, thành phố. Trang web của dự án đã thu hút hơn 15 triệu lượt truy cập với hơn 100 nghìn lần tải tài liệu. Bên cạnh đó, dự án đã tài trợ trang thiết bị tin học và xây dựng phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu cho 20 đơn vị thuộc bộ, ngành, trường đại học.
 
 
Thông qua 6 tiểu dự án trong khuôn khổ dự án EU-MUTRAP, những hỗ trợ của Liên minh châu Âu đã vươn tới hỗ trợ các DNNVV trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ xây dựng thương hiệu và thiết kế bền vững, nâng cao hiệu quả kinh doanh của DN với mô hình nhóm hạt nhân thương mại và tổ tư vấn, phổ biến nhận thức và cấp chứng nhận về thương mại công bằng.

Đồng thời, đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật đối với nhập khẩu da giày vào châu Âu, phát triển công nghiệp hỗ trợ, xây dựng chuỗi giá trị cho quả thanh long ở Long An và Bình Thuận để tăng cường xuất khẩu vào thị trường EU.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng đánh giá cao những đóng góp của dự án và tin tưởng rằng với những thành tựu này, một giai đoạn hợp tác mới sẽ được mở ra với các dự án hợp tác cụ thể để hai bên cùng thực hiện hiệu quả, khai thác tối ưu lợi ích của Hiệp định EVFTA vì sự phồn vinh của cả Việt Nam và Liên minh châu Âu.

“Dự án EU-MUTRAP đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và đặc biệt là tăng cường  quan hệ thương mại đầu tư với Liên minh châu Âu. Dự án cũng đã đồng hành và tích cực hỗ trợ quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU từ khi khởi động năm 2012 đến khi kết thúc năm 2016 và chuẩn bị cho giai đoạn thực hiện tới đây”, ông Hoàng Quốc Vượng cho biết thêm.

Theo ông Bùi Huy Sơn, Giám đốc Ban quản lý dự án EU-MUTRAP, được kế thừa và phát huy những thành quả của các dự án hỗ trợ chính sách thương mại đa biên trước đó trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến thương mại lớn nhất và dài nhất của EU dành cho Việt Nam (2001-2012), (MUTRAP I, II, III), tuy nhiên khác với các dự án trước đây, EU-MUTRAP bổ sung một số nội dung hỗ trợ công tác cải thiện chính sách đầu tư, môi trường và lao động xã hội.

Đồng thời, dự án đã chuyển dần từ hỗ trợ đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế sang hỗ trợ thực thi các cam kết thương mại quốc tế, chú trọng những hoạt động hỗ trợ cụ thể, sát với nhu cầu của DN trong một số ngành hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang EU như thủy sản, dệt may, da giày, cà phê và ca cao.

Còn theo đánh giá của ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế - thương mại quốc tế, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định FTA Việt Nam - EU, với sự tham gia chủ động của Bộ Công Thương, sự phối hợp của phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, các bên đối tác và sự nỗ lực của Ban Quản lý dự án, đến nay dự án EU-MUTRAP đã thành công và khép lại chặng đường “MUTRAP” như một điển hình về hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và EU.

Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam chia sẻ, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU sẽ tăng đáng kể sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU được thực hiện. Trong đó, các ngành hàng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh dự kiến sẽ hưởng lợi nhiều nhất.

Dự án EU-MUTRAP đã dự báo tình hình chuẩn xác và tổ chức các khóa đào tạo cho những DN hoạt động trong các lĩnh vực có cơ hội hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam. Nhờ sự hỗ trợ của dự án EU-MUTRAP, các DN xuất khẩu Việt Nam đã tiếp cận được những thông tin thị trường cập nhật, những kiến thức về an toàn thực phẩm đối với trái cây, rau quả, hải sản và mật ong…

Theo Thời Báo Ngân Hàng
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh