Năm 2017: Chính phủ đặt mục tiêu giảm mạnh bội chi xuống 3,5%
Ngày nhập : 18/10/2016 15:18
Năm 2017, Chính phủ đặt mục tiêu giảm bội chi xuống còn 3,5% GDP. Đây là mức giảm đáng kể so với bội chi các năm gần đây (ở mức 5 – 6%, thậm chí trên 6%), ghi nhận một quyết tâm lớn trong siết chặt kỷ luật ngân sách, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.

Sáng 17/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe các báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016 và dự toán NSNN năm 2017.

GDP không đạt, tỷ lệ bội chi, nợ công có thể bị đẩy lên

Báo cáo của Chính phủ cho biết, thu NSNN năm 2016 có thể vượt kế hoạch. Tổng thu NSNN ước tăng so với dự toán 2,4% (24.500 tỷ đồng); ước thực hiện chi NSNN bằng 101,9% dự toán. Tuy nhiên, do tốc độ tăng GDP không đạt kế hoạch, chỉ số giá GDP thấp, nên tỷ lệ bội chi và tỷ lệ nợ công so với GDP có thể tăng cao hơn kế hoạch đề ra

Năm 2016, bội chi NSNN số tuyệt đối ước là 254.000 tỷ đồng, bằng số Quốc hội quyết định. Với mức bội chi này, dư nợ công là 64,98%GDP, đã sát ngưỡng 65%GDP; dư nợ Chính phủ ở mức 53,1%GDP; dư nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 45,7%GDP.

Đánh giá về các chỉ tiêu này, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính ngân sách (UBTCNS) cho rằng, ước thực hiện thu NSNN vượt dự toán thể hiện những nỗ lực cao trong điều hành thu NSNN của Chính phủ. Tuy nhiên, qua các số liệu chi tiết và qua kết quả giám sát tại một số địa phương cho thấy, còn rất nhiều khó khăn, thách thức mới có thể đạt mức như Chính phủ ước tính. Về chi NSNN, UBTCNS lưu ý Chính phủ một số vấn đề về công tác phân bổ, giải ngân vốn đầu tư...

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2016 đặt ra với mức phấn đấu cao, khó thực hiện được, nguyên nhân có phần do công tác dự báo, phân tích chưa sát thực tế. Việc không đạt chỉ tiêu tăng trưởng sẽ làm giảm số GDP tuyệt đối dự kiến từ 5,1 triệu tỷ đồng xuống khoảng 4,6 triệu tỷ đồng, dẫn đến tăng tỷ lệ bội chi, nợ công/GDP so với kế hoạch...

Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% là khá cao

Về dự toán năm 2017, do đây là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2020, đồng thời cũng là năm đầu tiên thực hiện Luật NSNN 2015 nên việc xây dựng dự toán NSNN có ý nghĩa quan trọng. Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong và ngoài nước chưa có nhiều khả quan, để xây dựng dự toán sát thực tế, chủ động, Chủ nhiệm UBTCNS Nguyễn Đức Hải lưu ý việc đặt mục tiêu tăng GDP 6,7% là khá cao, có thể dẫn đến rủi ro khi dự báo về chỉ tiêu thu, chi NSNN. Vì vậy, có thể nghiên cứu đề xuất với Quốc hội 2 phương án tăng trưởng 6,5% và 6,7%. Trường hợp không đạt 6,7% thì Chính phủ cần đổi mới phương pháp điều hành, kiến nghị Quốc hội điều chỉnh sau 6 tháng thực hiện để đảm bảo các cân đối vĩ mô chắc chắn hơn.

Đồng thời, việc xác định mức tăng GDP theo giá thực tế cần tính toán dựa trên các số liệu dự báo khoa học và sát với thực tế, các tỷ lệ bội chi và nợ công cũng theo đó để tính toán, đánh giá khách quan. Vì vậy, UBTCNS đề nghị cân nhắc về số liệu GDP giá thực tế khoảng 5,1 triệu tỷ đồng và chỉ số giá 4%.

Về bội chi, Chính phủ dự toán bội chi NSNN năm 2017 (theo Luật NSNN năm 2015, bội chi bao gồm cả bội chi NSTW và NSĐP, TPCP và không gồm chi trả nợ gốc) khoảng 3,5%GDP. Cho rằng đây là mức bội chi tích cực, UBTCNS đề nghị cần kiên định thực hiện mức bội chi này để bảo đảm các tỷ lệ nợ công trong giới hạn, trong trường hợp thu không đạt dự toán thì phải giảm chi, không tăng bội chi.

Về dự toán chi, UBTCNS cơ bản thống nhất với phương án dự toán chi NSNN Chính phủ trình và lưu ý một số vấn đề về lộ trình giảm dần chi thường xuyên, tập trung nguồn để tăng chi đầu tư phát triển. Một số ý kiến đề xuất cần mở rộng thêm việc áp dụng chế độ khoán xe công và một số lĩnh vực khác để tăng cường tiết kiệm, giảm áp lực chi tiêu công. Đối với việc điều chỉnh tiền lương cơ sở, một số ý kiến trong UBTCNS cho rằng, đề xuất tăng mức lương cơ sở 7% (đạt mức 1.300.000 đồng/tháng) là hợp lý, đề nghị Chính phủ cân nhắc bố trí nguồn để thực hiện đề án cải cách tiền lương. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tiền lương phải đi đôi với tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao hiệu quả công việc. Đồng thời phải cân nhắc, tính toán kỹ, xác định rõ nguồn thực hiện điều chỉnh lương và tính khả thi khi yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tự sắp xếp, tiết kiệm trong dự toán được giao để tạo nguồn điều chỉnh tiền lương.

UBTCNS cũng đồng ý với Chính phủ về việc phát hành 50.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ cho các công trình, dự án quan trọng, cấp bách trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội phê duyệt. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ lưu ý rà soát danh mục, đảm bảo các tiêu chí về tính cấp bách, sự cần thiết, đảm bảo thủ tục đầu tư.
 
 
(Theo Thời Báo Tài Chính Việt Nam)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh