Năm 2018: Tạo chuyển biến rõ nét trong cơ cấu lại nền kinh tế
Ngày nhập : 25/10/2017 15:28
Trên cơ sở nhìn nhận rõ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, bất cập trong thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế năm 2017, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ đặt ra trong năm 2018 đó là phải tạo sự chuyển biến rõ nét trong cơ cấu lại nền kinh tế với nhiều giải pháp đồng bộ.
 
 
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
 
Theo đánh giá của Chính phủ, việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng năm 2017 đã được tập trung triển khai và đạt kết quả bước đầu, tuy nhiên tốc độ còn chậm. Việc thực hiện 3 trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là thực hiện cơ cấu lại DNNN và các tổ chức tín dụng đã quyết liệt hơn so thời gian trước, song vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Cụ thể là, việc thu hút đầu tư tư nhân, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài thông qua hình thức đối tác công - tư (PPP) còn gặp nhiều khó khăn do tâm lý e ngại cơ sở pháp lý chưa vững chắc của các nhà đầu tư. Tiến độ cơ cấu lại DNNN thực hiện còn chậm so với yêu cầu và chưa thực chất, chưa nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực này. Số DNNN sở hữu 100% vốn mặc dù giảm nhưng tỷ lệ sở hữu nhà nước trong các DN cổ phần hóa vẫn còn cao.
 
Tính đến hết tháng 8/2017, có 18 DNNN đã hoàn thành cổ phần hóa, 12 DNNN đã công bố giá trị DN và đang xây dựng phương án cổ phần hóa, 14 DNNN đang tiến hành xác định giá trị DN. Ước cả năm 2017, có thể hoàn thành cổ phần hóa 38/44 DNNN phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch đề ra. Về thoái vốn, mới bán phần vốn nhà nước tại 26 DN với tổng giá trị theo sổ sách là 863,8 tỷ đồng (bằng 95,1% so với cùng kỳ năm 2016), thu về 11,8 nghìn tỷ đồng.

Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng mới đạt kết quả ban đầu, duy trì được hoạt động ổn định của hệ thống trong năm 2017, đóng góp vào sự ổn định kinh tế vĩ mô. Nhiệm vụ này cần được đẩy mạnh thực hiện từ năm 2018 nhằm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
 
Đối với các nội dung khác của tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế như cơ cấu lại ngân sách, khu vực công, ngành lĩnh vực, vùng kinh tế, thị trường yếu tố sản xuất... đều được các cấp, các ngành tập trung, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, tuy nhiên kết quả đạt được trong năm 2017 chưa rõ nét, còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của quốc gia có nhiều tiến bộ, được quốc tế đánh giá cao, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập, tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.
 
Cơ cấu lại nền kinh tế một cách toàn diện, hiệu quả
 
Để khắc phục những bất cập, tồn tại, tạo sự chuyển biến rõ nét trong cơ cấu lại nền kinh tế, năm 2018 Chính phủ xác định sẽ tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Theo đó, mục tiêu đặt ra là tiếp tục thực hiện 3 trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là thực hiện cơ cấu lại DNNN và các tổ chức tín dụng. Các giải pháp trọng tâm là thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, tập trung xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ NSNN; triển khai ngay việc cơ cấu lại, cổ phần hóa DNNN theo đúng Đề án, tiến độ, lộ trình đề ra; kiên quyết thoái hết vốn nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các trường hợp cố tình chậm triển khai.
 
Về định hướng cơ cấu lại một số ngành, lĩnh vực, Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc, khuyến khích tích tụ gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động; thúc đẩy cơ cấu lại công nghiệp, tập trung phát triển các ngành: chế biến, chế tạo, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, sản xuất hàng gia dụng, điện tử; công nghiệp hỗ trợ…, trong đó trọng tâm là đổi mới công nghệ, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Đồng thời chú trọng phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng; quản lý quy hoạch và phát triển đô thị…
 
Từ góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, trong năm 2018, Chính phủ cần thực hiện ràng buộc ngân sách cứng, thẩm định chặt chẽ các dự án đầu tư; đẩy mạnh khoán chi hành chính, sử dụng xe công, đấu thầu, đặt hàng trong cung cấp dịch vụ công; gỡ bỏ các rào cản, điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, gây cản trở hoạt động của DN; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính...
 
Bên cạnh đó, cần giám sát, nâng cao tính minh bạch nhằm kiểm soát hoạt động của hệ thống ngân hàng và các DNNN. Triển khai kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, đánh giá độc lập đối với tất cả DNNN và vốn, tài sản của Nhà nước tại DN để có phương án cơ cấu lại cụ thể cho từng DN. Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại DN đúng tiến độ.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nợ công và tăng cường kiểm soát, quản lý chặt chẽ nợ xây dựng cơ bản. Tăng cường quản lý thu, chi ngân sách, tập trung chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, quản lý chặt chẽ bảo lãnh Chính phủ, vay về cho vay lại, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.

(Theo Tạp Chí Tài Chính)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh