Ngân hàng Nhà nước: Từng bước hoàn thiện kiến trúc Chính phủ điện tử
Ngày nhập : 18/07/2018 15:54
Trong những tháng cuối năm, Hệ thống thông tin một cửa điện tử theo kế hoạch phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai Nghị định của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông sẽ sớm được NHNN triển khai xây dựng.

Sau thành công của Dự án FSMIMS cuối năm 2017, ngành Ngân hàng Việt Nam đã có một hạ tầng công nghệ hiện đại ngang tầm với các nước trong khu vực dựa trên cơ sở ứng dụng có hiệu quả CNTT và áp dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đây là cơ sở quan trọng để NHNN Việt Nam vững vàng khẳng định vị thế là một NHTW hiện đại trong khu vực, góp phần ổn định tài chính và tiền tệ, trở thành một quốc gia an toàn và hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Đây cũng là những nền tảng để triển khai Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử tại NHNN Việt Nam.
 
 
2 năm liền NHNN đứng đầu các bộ, ngành về hiệu quả của hiện đại hóa hành chính qua điều tra xã hội học

Cho đến nay, việc trao đổi văn bản giữa các đơn vị thuộc NHNN đã không còn trên giấy. 100% các văn bản trao đổi giữa các đơn vị thuộc NHNN hoàn toàn dưới dạng điện tử. 100% Thủ trưởng các đơn vị thuộc NHNN sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành trong xử lý công việc.

Đây là kết quả của việc NHNN đã triển khai, vận hành Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc cho tất cả các đơn vị thuộc NHNN. Phần mềm này tích hợp chữ ký số, đạt tỷ lệ 100%, được kết nối liên thông tại nội bộ NHNN, qua đó hỗ trợ tích cực cho việc xử lý công việc của đơn vị, nhất là các công việc gấp, có thời hạn xử lý.

Đặc biệt, từ tháng 5/2017, phần mềm E-doc đã được bổ sung tính năng tự động nhắc công việc sắp đến hạn cho Thủ trưởng các đơn vị qua tin nhắn, e-mail, tính năng gửi tin nhắn thông báo văn bản, công việc mới đến điện thoại người dùng.

Việc tổ chức hội nghị, hội thảo của NHNN đã có cải tiến theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo thiết thực, tiết kiệm. Nhiều hội thảo, hội nghị lớn của Ngành đã được tổ chức qua Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, vừa đảm bảo triển khai kịp thời các giải pháp chỉ đạo, giải pháp điều hành của NHNN đến các đơn vị, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí cho NHNN.

Đó chỉ là một vài nét chấm phá về việc xây dựng và triển khai chính phủ điện tử của NHNN. Còn nhớ, ngay sau Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử, kiến trúc Chính phủ điện tử tại NHNN đã được xây dựng với Quyết định số 2336/QĐ-NHNN ngày 25/11/2016. Một năm sau, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chính phủ điện tử tại NHNN cũng như thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, NHNN hoàn thành việc rà soát, cập nhật kiến trúc Chính phủ điện tử tại (Quyết định số 2440/QĐ-NHNN ngày 23/11/2017 về việc phê duyệt kiến trúc kế hoạch xây dựng Chính phủ điện tử của NHNN).

*****

Trên cơ sở Kế hoạch xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử của NHNN, những định hướng trong Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử đã được NHNN cụ thể hóa và chỉ đạo triển khai xuyên suốt trong toàn hệ thống. Báo cáo quý II/2018 của NHNN cho thấy, NHNN đã hoàn thành việc nâng cấp hệ thống thanh toán liên ngân hàng đáp ứng yêu cầu nộp thuế qua mạng cho người dân nộp thuế, bảo đảm điện tử hóa 100% nội dung chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính.

Tháng 3/2018, NHNN đã phát hành và áp dụng phiên bản CITAD 4.0.0.6.0.0 của Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng để đáp ứng hệ thống chứng thư số mới của NHNN. Theo kế hoạch, tháng 9/2018, NHNN sẽ phát hành phần mềm CITAD phiên bản 5.0.0.1.0.0 sử dụng định dạng trao đổi dữ liệu IBSP2.5 và dự kiến từ 15/1/2019 sẽ dừng hỗ trợ các định dạng trao đổi dữ liệu cũ đã ban hành trước đây. Hiện nay, các TCTD của Hệ thống liên ngân hàng đang tập trung nghiên cứu, triển khai áp dụng định dạng trao đổi dữ liệu IBPS2.5 để đảm bảo đáp ứng các lộ trình đã đặt ra của NHNN.

Tiến xa hơn một bước, NHNN đang xem xét, phê duyệt chủ trương Xây dựng Cổng thanh toán tập trung để thanh toán các khoản phí, lệ phí và các khoản nộp ngân sách nhà nước khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, NHNN đang phối hợp với Tổng cục Hải quan thực hiện kết nối “Thủ tục chấp thuận hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt của các ngân hàng được phép” của Vụ Quản lý ngoại hối với Cổng thông tin một cửa quốc gia của Tổng cục Hải quan.

Riêng tại NHNN, đến thời điểm này 100% TTHC của NHNN đã được đăng trên Cổng thông tin điện tử NHNN phục vụ nhu cầu tìm hiểu, tra cứu thông tin của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Ngành. 52 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 của NHNN đã triển khai, trong đó có 7 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 45 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 được xây dựng, triển khai trong quý II/2018 là 19 dịch vụ. Số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trong quý II/2018: 3.171 hồ sơ.

Cũng ngay trong đầu năm 2018, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2018. Trong đó, có một nội dung quan trọng là triển khai nhiệm vụ “Phát triển công nghệ ngân hàng và dịch vụ thanh toán; hoàn thiện, phát triển các hệ thống thanh toán; nâng cao hiệu quả và tính an toàn trong hệ thống thanh toán của NHNN. Từng bước xây dựng, triển khai, ứng dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật cơ bản cho hạ tầng công nghệ thông tin và các hệ thống thông tin nghiệp vụ ngân hàng theo thông lệ quốc tế” về Chính phủ điện tử được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP, ngày 10/1/2018.

Để thực hiện chủ trương này, trong 6 tháng đầu năm NHNN đã tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán. Hiện NHNN đang dự thảo xây dựng đề cương và báo cáo đánh giá tổng kết để gửi xin ý kiến các đơn vị liên quan về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều (hoặc Nghị định thay thế) Nghị định 101/2012/NĐ-CP và Nghị định số 80/2016/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Đối với Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 222/2013/NĐ-CP về thanh toán bằng tiền mặt NHNN đang tổng hợp báo cáo đánh giá tổng kết tình hình thực hiện Nghị định 222 của các TCTD và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố.

Ngay trong quý II/2018, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 13/4/2018 của NHNN về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo.

Các đơn vị chức năng cũng đang chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Thông tư Giám sát các hệ thống thanh toán để trình Thống đốc NHNN ban hành; Xây dựng cơ chế, chính sách về phí dịch vụ thanh toán; Nghiên cứu, xây dựng nội dung sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2014/TT-NHNN về hướng dẫn dịch vụ trung gian than toán… Đặc biệt để đón đầu cuộc cách mạng 4.0, NHNN đã có riêng một ban chỉ đạo nghiên cứu xây dựng khuôn khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng cho các công ty công nghệ tài chính (fintech); xây dựng văn bản hướng dẫn về thanh toán qua QR-Code…

Các đề án liên quan đến thanh toán tiếp tục được đẩy mạnh triển khai góp phần kết nối Chính phủ điện tử. Như Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 – 2020 (Quyết định 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016) đã có thêm những kết quả mới với việc xây dựng Bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa; xây dựng hệ thống ACH tại Việt Nam... Công tác giám sát trực tuyến tình hình hoạt động của Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; Giám sát tình hình hoạt động ATM; Giám sát tình hình hoạt động cung ứng dịch vụ của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cũng đang được triển khai để thực hiện Chiến lược giám sát các hệ thống thanh toán tại Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020.

NHNN đang triển khai rà soát và chỉ đạo các đơn vị triển khai giải pháp phòng chống mã độc theo Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 25/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại. Thông tư quy định về bảo đảm an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng; thông tư sửa đổi bổ sung quy định quản lý và sử dụng mạng máy tính của NHNN Việt Nam; Thông tư quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên internet cũng đang được gấp rút hoàn thành để ban hành trong năm 2018.

*****

Trong những tháng cuối năm, Hệ thống thông tin một cửa điện tử theo kế hoạch phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông sẽ sớm được NHNN triển khai xây dựng.

Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả về xây dựng Chính phủ điện tử tại NHNN theo Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 1819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, hoàn thành lộ trình tổng thể nâng cấp các TTHC của NHNN lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 giai đoạn 2018-2020, đáp ứng yêu cầu tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả và giải quyết TTHC hoàn toàn trên môi trường mạng.

Công tác tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục được NHNN đẩy mạnh nhằm thông tin đầy đủ đến người dân về cơ chế, chính sách hoạt động thanh toán. Đồng thời giải đáp các ý kiến, vướng mắc liên quan đến hoạt động thanh toán để mọi người dân, doanh nghiệp biết và thực hiện, đồng thời thấy được cố gắng, nỗ lực phấn đấu của ngành Ngân hàng trong việc đáp ứng ngày càng tốt hơn các dịch vụ thanh toán cho người dân và doanh nghiệp.

(Theo Thời Báo Ngân Hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh