Nhất quán chính sách để đạt mục tiêu tăng trưởng
Ngày nhập : 21/09/2017 15:32
Mục tiêu ngắn hạn và dài hạn đều cần được tiến hành đồng bộ để tạo đà cho giai đoạn mới phát triển ổn định và bền vững.

Mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 không dễ dàng trong bối cảnh điều hành của Chính phủ phải đảm bảo nhiều mục tiêu khác trong cả ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên trao đổi tại hội thảo “Đảm bảo tính nhất quán trong điều chỉnh chính sách để đạt mục tiêu tăng trưởng”, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức ngày 19/9, các ý kiến thống nhất rằng tất cả các mục tiêu trong ngắn hạn và dài hạn đều cần được tiến hành đồng bộ và nhất quán nhằm tạo đà cho một giai đoạn phát triển kinh tế ổn định ở mức cao và bền vững trong những năm sau.

Tăng trưởng sẽ đạt trong chật vật

Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ KH&ĐT cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 24 nhằm huy động tối đa nỗ lực của các cấp, các ngành phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP đặt ra đầu năm, trong đó nhấn mạnh cần tập trung vào các giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn mang tính bền vững, làm sao vừa tận dụng mọi cơ hội, điều kiện thúc đẩy tăng trưởng năm 2017 nhưng vẫn phải đảm bảo định hướng dài hạn bền vững, nâng cao năng lực hiệu quả của nền kinh tế.

Theo đánh giá sơ bộ của cơ quan này, hiện nay có 3 nhóm giải pháp chính để thực hiện mục tiêu trên. Giải pháp căn bản là điều hành chính sách tài chính - tiền tệ, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhóm giải pháp thứ 2 là thúc đẩy, tận dụng mọi cơ hội, điều kiện quốc tế và trong nước để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh của tất cả các ngành, lĩnh vực, đặc biệt nhấn mạnh vào khu vực công nghiệp chế biến chế tạo. Nhóm giải pháp thứ 3 là giải pháp dài hạn mang tính căn cơ lâu dài cho phát triển bền vững, theo đó đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Sau khi ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg, qua thời gian thực hiện có thể thấy nền kinh tế đã có nhiều khởi sắc. Khu vực sản xuất kinh doanh chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục và ấn tượng của lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Trong 8 tháng chỉ số công nghiệp ngành chế biến chế tạo đạt trên 10%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái, đã bù đắp đáng kể cho sự sụt giảm ngành khai khoáng, đặc biệt là dầu thô.

Đồng thời cả 2 khu vực là nông nghiệp và dịch vụ đã có những bước tăng trưởng ấn tượng. Một số chỉ tiêu quan trọng khác cũng thể hiện sự bứt phá mạnh mẽ của nền kinh tế trong 8 tháng là kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái; vốn FDI đăng ký mới, bổ sung và góp vốn, mua cổ phần tăng 45,1%; số DN thành lập mới tăng 16,3% về số lượng và tăng 44,8% về số vốn đăng ký…

“Về cơ bản chúng tôi dự báo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội đề ra trong năm 2017 đã được Chính phủ chỉ đạo điều hành với quyết tâm cao và có khả năng đạt được”, ông Phương khẳng định.

Tuy nhiên Bộ KH&ĐT cũng nhận định, nguồn lực vật chất của Chính phủ hiện nay đang hạn chế. Vì vậy cần tìm cách thúc đẩy những lĩnh vực kinh tế có nhiều tiềm năng phát triển mà hiện đang bị cản trở bởi môi trường chính sách không thuận lợi, ví dụ như các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo, dựa nhiều vào công nghệ trong nền kinh tế số. Việc gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh, loại bỏ các rào cản không cần thiết và chuyển tư duy quản lý từ kiểm soát sang quản lý rủi ro nếu được thực hiện hiệu quả thì sẽ có tác động lớn đối với kích thích tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, những kiến nghị chính sách mới, ví dụ dự thảo Luật sửa đổi 5 luật thuế cần phải bảo đảm không tác động tiêu cực đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Khơi thông nguồn lực trong dài hạn

Mặc dù các mục tiêu, giải pháp để khơi thông nguồn lực đã rất rõ ràng, song việc thực hiện còn cách xa kỳ vọng. Dẫn câu chuyện thực tế, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi tới thông điệp các cơ quan quản lý cần có đánh giá tác động cụ thể mỗi khi ban hành chính sách để tránh các tác động tiêu cực tới cộng đồng DN.

Ông Tuấn cho biết, cách đây 3 ngày vừa nhận email của một chủ DN ở Thái Nguyên phàn nàn về nghị quyết của TP. Hải Phòng về việc tăng phí thêm 20.000 đồng/tấn hàng thực hiện dịch vụ qua cảng. Với cách tính phí mới, mỗi ngày DN sẽ phải nộp thêm hơn 300 triệu đồng. Tuy nhiên, điều nghịch lý là hàng nhập về tại cảng Hải Phòng chỉ lưu lại ít thời gian, sau đó được chuyển sang các tàu nhỏ, vận chuyển bằng đường sông. Với chi phí lớn như vậy sẽ ăn mòn lợi nhuận, khiến DN không thể chịu đựng được và phải giảm quy mô.

Trưởng Ban Pháp chế VCCI bổ sung, doanh thu của DN trên mỗi năm là khoảng 800 tỷ đồng, nộp ngân sách mỗi năm 30 tỷ đồng. Như vậy mặc dù Hải Phòng thu thêm được một chút từ việc tăng phí, nhưng lại khiến DN kêu rất khó khăn, thậm chí đi vào bước đường cùng, buộc phải chuyển đổi ngành nghề kinh doanh. Cuối cùng, mặc dù Hải Phòng có thêm chút nguồn thu, nhưng đằng sau đó đã ảnh hưởng tới con số thu ngân sách hàng năm của chính địa phương  này, và rộng hơn là lợi ích quốc gia, toàn cục. “Tôi mong thời gian tới sẽ giảm bớt các chính sách dạng này, tạo ra sự hứng khởi hơn cho các DN”, ông Tuấn khuyến nghị.

Dù chỉ ra những bất cập chính sách còn tồn tại, song Trưởng Ban Pháp chế VCCI cũng cho biết, cần nhìn nhận tích cực về nỗ lực của các cơ quan quản lý trong việc thiết kế chính sách nhằm giảm chi phí cho DN. Ông Tuấn dẫn chứng, đề xuất sửa đổi 5 luật thuế vừa qua của Bộ Tài chính nằm trong gói tổng thể của cơ quan này nhằm tái cơ cấu thu chi ngân sách. Trong đó có rất nhiều quy định sửa đổi nhằm giảm thủ tục hành chính cũng như giảm chi phí cho DN. Đơn cử như việc áp dụng rộng rãi hoá đơn điện tử có thể hỗ trợ DN rất nhiều trong việc minh bạch hoá các giao dịch, tránh tình trạng thất thu; hoặc đề xuất sửa đổi 15-16 quy định trong các thông tư về thu phí, giảm rất mạnh một số loại phí dịch vụ phục vụ DN, giảm thuế thu nhập DN cho các DNNVV… được cộng đồng DN đánh giá rất tích cực.

Đại diện cho Bộ Công Thương, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch khẳng định, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, điều hành chính sách của cơ quan này đang tập trung vào việc khơi thông về cơ chế chính sách, từ đó khơi thông nguồn lực từ các khu vực kinh tế, trong đó tập trung vào khu vực tư nhân, FDI.

Ông Hưng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã thực hiện cơ cấu lại tổ chức thực hiện, chức năng nhiệm vụ quyền hạn các đơn vị trong bộ theo hướng thu gọn bộ máy, cũng như hình thành thêm một số đơn vị có chức năng nhiệm vụ phù hợp với bối cảnh mới của nền kinh tế. Về vấn đề bãi bỏ các điều kiện kinh doanh, vừa qua Bộ Công Thương cũng đã rà soát và đề ra 2 phương án, thứ nhất bãi bỏ khoảng 38,15% trong số các điều kiện kinh doanh mà VCCI đề xuất; thứ hai là bãi bỏ khoảng 50,3% điều kiện kinh doanh. “Không phải tuần tới chúng ta bỏ ngay được nhưng chắc chắn có những cái sẽ bỏ được rất sớm trong khoảng từ giờ cuối năm”, ông Hưng khẳng định.

Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành khuyến nghị, Việt Nam thực sự cần cải cách tổng thể về thu chi ngân sách, trong đó gồm có thuế suất, mức phí, cách thu và chi thường xuyên, chi đầu tư. Cho nên đi cùng với các cải cách thuế gần đây cần gắn với cải cách bộ máy nhà nước, phải tiến hành tổng thể mới đủ sức giải trình với người dân, xã hội.

Ông Thành nhắc lại rằng nguồn lực tài chính trong dân còn rất lớn. Hàng năm người dân tiết kiệm khoảng 28-30% GDP, vốn FDI chiếm khoảng 6-7% GDP; trong khi đó tổng đầu tư toàn xã hội khoảng 32% GDP. Như vậy hàng năm vẫn có khoảng 3-4% tiết kiệm của người Việt không dùng vào đầu tư kinh doanh tạo ra giá trị gia tăng, chưa kể nguồn tích luỹ lại qua các năm. Vì vậy rất cần các giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn lực này, tạo đà vững chắc cho tăng trưởng.

(Theo Thời Báo Ngân Hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh