Nhiều điểm sáng trong điều hành chính sách tiền tệ
Ngày nhập : 27/03/2019 14:58
Đó là đánh giá của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tại buổi làm việc với NHNN vào ngày 26/3/2019. Cùng tham gia buổi làm việc có Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải… Về phía NHNN, tham gia buổi làm việc có Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng; các Phó Thống đốc: Nguyễn Kim Anh, Nguyễn Thị Hồng, Đoàn Thái Sơn.
 
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao điều hành CSTT của NHNN

Hoạt động ngân hàng có nhiều điểm sáng

Báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động ngân hàng năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, lãnh đạo NHNN cho biết, NHNN đã điều hành đồng bộ và linh hoạt các công cụ CSTT để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần tăng dự trữ ngoại hối. Kết quả là lạm phát bình quân trong những năm qua luôn duy trì ở mức thấp hơn so với mục tiêu do Quốc hội đề ra khoảng 4%. Lạm phát cơ bản cũng được duy trì tương đối ổn định ở mức thấp, tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ Nhà nước quản lý.

Bên cạnh đó, NHNN đã điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phù hợp với cung cầu ngoại tệ. Cuối năm 2018, tỷ giá trung tâm ở mức 22.825 đồng/USD tăng 1,78% so với cuối năm 2017. Tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng dao động quanh mức 23.200 đồng/USD tăng 2,16% so với tốc độ mất giá từ 3,5% - 18% của các đồng tiền mới nổi. Tỷ giá của Việt Nam được đánh giá tương đối ổn định.

Mặt bằng lãi suất thị trường trong năm 2018 về cơ bản ổn định. Từ đầu năm 2019 đến nay, để góp phần hỗ trợ DN, tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát…

Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 là 6,8% và lạm phát dưới 4%, NHNN đã định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế… Theo đó, NHNN đã triển khai các giải pháp như: thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đến từng TCTD, chỉ đạo TCTD nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhất là lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp… Nhờ thực hiện các giải pháp trên, tín dụng tăng trưởng tương đương mức bình quân các năm qua. Tính đến ngày 19/3/2019, tín dụng hệ thống tăng 1,7% so với cuối năm 2018.

Hoạt động tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng đạt kết quả tích cực, sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững. Minh chứng là năng lực tài chính của các TCTD tiếp tục được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm. Đến cuối tháng 1/2019, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 577,22 nghìn tỷ đồng, tăng 0,2% so với cuối năm 2018, tăng 12,6% so với cuối năm 2017. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 780,02 nghìn tỷ đồng tăng 2,53% so với cuối năm 2018. Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Đến cuối tháng 1/2019 tỷ lệ nợ xấu nội bảng chỉ còn là 1,96%.

Đánh giá hoạt động của ngành Ngân hàng thời gian qua có nhiều điểm sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ hết sức chủ động linh hoạt thận trọng, phối hợp tốt với chính sách tài khoá và các chính sách vĩ mô khác nên đã giúp kinh tế vĩ mô ổn định, CPI trong 3 năm qua đều dưới mức 4% hoàn thành mục tiêu đề ra dù đây là mục tiêu khó khăn. Tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với tăng trưởng kinh tế cũng như với thông lệ quốc tế. Mặt bằng lãi suất tương đối ổn định, kể cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay, thậm chí có xu hướng giảm…

Điểm sáng nữa trong hoạt động ngân hàng là thực hiện khá tốt tái cơ cấu các TCTD, xử lý nợ xấu thể hiện qua con số nợ xấu giảm mạnh, năng lực tài chính của các TCTD, quy mô tài sản, năng lực quản lý, công tác thanh tra kiểm tra tiếp tục được nâng lên…  “Nhờ đó, vai trò và vị thế của ngành Ngân hàng được nhìn nhận một cách đúng đắn, tin tưởng hơn, được Quốc hội và Chính phủ đánh giá cao hơn. Thay mặt cho đoàn công tác Quốc hội, tôi biểu dương những cố gắng của NHNN và cả hệ thống ngân hàng trong thời gian vừa qua”, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận.

Chủ động lường đón thách thức

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, tại buổi làm việc, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều thách thức trong điều hành chính sách để tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên ngoài, kinh tế thế giới năm 2019 dự kiến tăng trưởng chậm lại, giá hàng hóa thế giới biến động khó lường, giá dầu có thể tăng trở lại. Trong khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết, bảo hộ kinh tế gia tăng, chủ nghĩa dân tộc kinh tế nổi trội lên. Thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu cũng bất định hơn với các dự báo trái chiều về xu hướng điều hành chính sách tiền tệ của các NHTW lớn trong thời gian tới. Tất cả những điều này tiềm ẩn rủi ro bất ổn đối với điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất, tỷ giá.

Ở trong nước, việc giá điện tăng 8,36% kể từ ngày 20/3 cũng gây khó khăn cho sản xuất và tiêu dùng, làm giảm GDP và đẩy CPI tăng thêm. Ngoài ra, những vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… là những thách thức đối với kinh tế Việt Nam và điều hành chính sách tiền tệ năm 2019 đặc biệt là đối với kiểm soát lạm phát.

Lường đón thách thức này, thời gian tới, trong điều hành chính sách tiền tệ, NHNN cố gắng tập trung điều hành để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát cơ bản ở mức dưới 2%. “Hiện nay, lạm phát cơ bản đang ở mức 1,8%, nên đây là thách thức và cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo của NHNN trong thời gian tới”, Thống đốc chia sẻ. Về điều hành tỷ giá, định hướng trong thời gian tới của NHNN là tiếp tục lấy trọng tâm ổn định tỷ giá nhưng không cố định để thị trường có điều tiết linh hoạt. Về tín dụng, NHNN kiên định trong kiểm soát tốc độ tăng, đi kèm việc đó là giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn để đảm bảo an toàn hệ thống…

Nhân dịp này, Lãnh đạo NHNN cũng kiến nghị, đề xuất với Quốc hội một số vấn đề như: các giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen; thí điểm áp dụng các mô hình, dịch vụ mới dựa trên ứng dụng của khoa học - công nghệ khi khuôn khổ pháp lý chưa có quy định; tăng vốn điều lệ cho các NHTM nhà nước; phối hợp giữa các bộ ngành trong việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu...

Trước những áp lực từ bên trong lẫn bên ngoài đối với nền kinh tế cũng như chính sách tiền tệ, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý trong thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt nhưng thận trọng, giữ lạm phát ở mức dưới 4%.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh