PCI 2015: Cải cách thủ tục thuế được ghi nhận rõ nét
Ngày nhập : 01/04/2016 09:00
Kết quả điều tra Theo Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015 đã cho thấy có dấu hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh của Việt Nam. Đặc biệt, doanh nghiệp đánh giá tốt về cải cách thủ tục hành chính, nhất là về thuế và có sự lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh.

Môi trường kinh doanh có dấu hiệu khởi sắc

Theo kết quả điều tra PCI 2015, tỷ lệ doanh nghiệp trong nước tăng quy mô đầu tư vốn tiếp tục tăng nhẹ với 10,9%. “Lần đầu tiên trong vòng 10 năm, quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp đã tăng đến mức cao nhất, trung bình là 16,5 tỷ đồng, gấp đôi so với quy mô của năm 2006. Tỷ lệ doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động cũng tăng gần gấp đôi (12%) so với mức đáy của năm 2012”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết.

Bên cạnh đó, qua khảo sát cho thấy, doanh nghiệp cũng lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh. Cụ thể, 49% doanh nghiệp dự kiến sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong vòng 2 năm tới, lần lượt tăng 3% và 16% so với năm 2014 và 2013. Đây cũng là mức cao nhất của chỉ tiêu này trong vòng 5 năm công bố báo cáo PCI gần đây.

Cũng theo Báo cáo PCI 2015, dù Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nhưng đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn hoạt động chủ yếu tại thị trường nội địa, chưa có các động thái tìm kiếm cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu. Chỉ có 3% doanh nghiệp siêu nhỏ, 4% doanh nghiệp nhỏ và gần 9% doanh nghiệp quy mô vừa có khách hàng là doanh nghiệp ở nước ngoài.
 
Báo cáo PCI 2015 cũng đã cho thấy có sự tiến bộ vượt lên ở một số chỉ số thành phần quan trọng. Trong đó, vấn đề gia nhập thị trường được đánh giá tốt. Thời gian chờ đăng ký và cấp giấy đăng ký doanh nghiệp đã được rút ngắn ở mức kỷ lục trong vòng 11 năm điều tra PCI. Hiện nay, kể cả thời gian chuẩn bị hồ sơ và đi lại, một doanh nghiệp trung bình chỉ mất 8 ngày để có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong tay, thay vì 10-12 ngày như trước. Thời gian để chuẩn bị và hoàn tất sửa đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cũng giảm mạnh từ 7 xuống 5 ngày.

Thêm vào đó, khả năng tiếp cận các tài liệu kế hoạch cấp tỉnh như bản đồ quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng được cải thiện. Đặc biệt, điểm số website trung bình của các địa phương tăng cao nhất trong 3 năm qua (30/54 điểm), khi website, cổng thông tin điện tử của chính quyền các tỉnh, thành phố dần trở thành kênh cung cấp thông tin hữu ích cho doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp truy cập vào cổng thông tin điện tử các tỉnh, thành phố tăng mạnh từ 64% năm 2014 lên 72% năm 2015.

Về chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, năm 2015 cũng đánh dấu những cải thiện trong công tác cải cách hành chính với nhiều doanh nghiệp nhỏ ghi nhận thủ tục, giấy tờ đơn giản hơn (51%), doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để lấy con dấu và chữ ký (61%), cán bộ nhà nước làm việc hiệu quả (67%) và thân thiện, nhiệt tình (59%).

Ngoài ra, các hiệp hội doanh nghiệp địa phương cũng dần nâng cao được vai trò của mình trong công tác xây dựng và phản biện chính sách, với 43% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá cao vai trò này của các hiệp hội.

DN có phản hồi tốt về quy trình thủ tục thuế

Báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2015 đã cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt ghi nhận những nỗ lực của ngành Tài chính trong việc cải cách các thủ tục về thuế. Hiện nay, thời gian thanh tra thuế đã giảm đáng kể từ 8 giờ xuống còn 4,5 giờ đối với trung bình một cuộc thanh tra. Đây được đánh giá là mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Đánh giá về những kết quả đã đạt được về cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung và cải cách về thuế nói riêng, ông Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, đây là lần thứ 11 VCCI kết hợp với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam thực hiện công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam và là lần đầu tiên phần lớn các doanh nghiệp có sự phản hồi tốt và nghi nhận những tiến bộ vượt bậc của các quy trình thủ tục về thuế. Có thể thấy sự đơn giản và những thuận lợi trong việc thực thi thuế của bộ máy tại các địa phương đã giúp cho cộng đồng doanh nghiệp có đánh giá tốt hơn về môi trường kinh doanh tại đó.

Ông Trần Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh, những cải cách về thể chế, quản lý thuế và thủ tục hành chính thuế trong thời gian qua đã cơ bản đáp ứng và đảm bảo được yêu cầu của bối cảnh hội nhập đặt ra. Trong đó, việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thực hiện đa dạng hóa các hình thức nộp thuế theo hướng hiện đại, thuận tiện cho doanh nghiệp, công tác kê khai thuế qua Internet, quản lý rủi ro trong tất cả các khâu tốt hơn… được doanh nghiệp khá hài lòng.

Tuy nhiên bên cạnh các lĩnh vực đã có sự thay đổi vẫn còn một số lĩnh vực bị đánh giá thấp và cần có sự cải thiện. Điển hình là chi phí không chính thức với tỷ lệ doanh nghiệp cho biết chi trả chi phí này tăng qua các năm, từ 50% (2013), lên tới 64,5% (2014) và 66% (2015).

“Hơn 11% doanh nghiệp cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, tăng nhẹ so với 2014 (10%). Vẫn có 65% doanh nghiệp cho biết tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến”, ông Tuấn phân tích.

Ngoài ra, 39% doanh nghiệp cho biết “tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của Nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp”, tăng 4% so với năm 2014. Đồng thời, gần 49% doanh nghiệp cho rằng “tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân trong nước”, tăng 6% so với năm trước đó./.

(Theo Thời Báo tài Chính Việt Nam)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh