Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017: Phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2017, triển khai nhiệm vụ 2018 ngay từ đầu năm
Ngày nhập : 06/12/2017 16:26
Ngày 01/12/2017, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017.
 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp

Tại cuộc họp này, các thành viên Chính phủ cho rằng tình hình kinh tế - xã hội tháng 11/2017 tiếp tục chuyển biến tích cực hơn, khẳng định những kết quả toàn diện trên các mặt mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội. Kinh tế vĩ mô ổn định; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao; khu vực dịch vụ phục hồi mạnh. Nhiều lĩnh vực tiếp tục lập những kỷ lục mới, như lượng khách du lịch quốc tế, vốn đầu tư nước ngoài, kim ngạch xuất khẩu, số doanh nghiệp thành lập mới đều tiếp tục tăng mạnh.

Về nhiệm vụ thời gian tới Chính phủ xác định, trong tháng cuối năm và dịp Tết cổ truyền, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa dịch vụ, tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản được đẩy nhanh. Do vậy, các Bộ, ngành cần tận dụng cơ hội này cho phát triển sản xuất kinh doanh với tinh thần là không được chủ quan, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; nỗ lực phấn đấu đạt được kết quả tốt hơn, toàn diện hơn so với số liệu ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội. Đồng thời, không để biến động lớn trong tháng cuối năm và dịp Tết trên các lĩnh vực tiền tệ, thị trường hàng hóa, giá cả…
 
 
Quang cảnh phiên họp

Một trong những vấn đề quan trọng được Chính phủ thảo luận tại phiên họp là phương hướng, nhiệm vụ, các trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2018, cụ thể là xây dựng Nghị quyết 01 năm 2018. Đây là văn bản chủ đạo, quan trọng nhất trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ và cả hệ thống hành chính nhà nước trong năm 2018, cần được tổ chức triển khai thực hiện ngay từ những ngày đầu năm 2018. Do vậy, Chính phủ đã xác định thực hiện nhất quán 3 trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2018 là: (i) Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng. (ii) Quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật và chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. (iii) Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, tinh thần chung trong xây dựng dự thảo Nghị quyết là phải ngắn gọn, rõ ý, có trọng tâm, trọng điểm, thứ tự ưu tiên, giảm thiểu tình trạng đưa nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, công việc thường xuyên của Bộ ngành vào dự thảo. Các Bộ, ngành tập trung rà soát toàn bộ các cơ chế chính sách, pháp luật liên quan, phân tích đánh giá rõ những điểm tồn tại, hạn chế, khó khăn thách thức để khắc phục ngay và đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực để triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội.

Bên cạnh việc xây dựng dự thảo Nghị quyết 01, Thủ tướng giao các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các bộ, ngành triển khai thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình thị trường tiền tệ, tín dụng, lãi suất, tỉ giá hối đoái, thị trường ngoại tệ để có chính sách điều chỉnh kịp thời, không để biến động lớn trong tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Cũng tại phiên họp này, Chính phủ đã bàn về 4 dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập; về y tế và dân số; bàn nội dung sửa đổi, bổ sung một loạt các Luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, đầu tư kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và quy hoạch…

(Theo www.sbv.gov.vn)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh