Phó Thống đốc Đào Minh Tú tiếp Giám đốc khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, Ban FCI
Ngày nhập : 12/01/2018 16:17
 
Phó Thống đốc Đào Minh Tú chúc mừng ông Ganesh Rasagam nhậm chức Giám đốc khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của Ban Tài chính, Cạnh tranh và Đổi mới Sáng tạo (FCI) - WB

Ngày 11/1/2018, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) do Ông Ganesh Rasagam - Giám đốc khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ban Tài chính, Cạnh tranh và Đổi mới Sáng tạo (FCI) làm trưởng đoàn.

Tham dự buổi làm việc, về phía NHNN có đại diện lãnh đạo Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ Dự báo Thống kê, Vụ Ổn định Tiền tệ - Tài chính; về phía Ngân hàng thế giới có Ông Ganesh Rasagam, Bà Jennifer Insern và một số cán bộ của WB cùng các chuyên gia của Văn phòng WB tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chào mừng Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) đã đến làm việc tại NHNN. Thay mặt ban lãnh đạo NHNN, Phó Thống đốc chúc mừng ông Ganesh Rasagam nhận cương vị mới thay Bà Jennifer Insern làm Giám đốc khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của Ban Tài chính, Cạnh tranh và Đổi mới Sáng tạo (FCI), trong đó có phụ trách Việt Nam. Đồng thời, Phó Thống đốc cũng cảm ơn Bà Jennifer Insern đã có những đóng góp tích cực hỗ trợ NHNN trong thời gian qua. NHNN luôn đánh giá cao sự hợp tác của WB trong chiến lược Phát triển kinh tế và xã hội nói chung và lĩnh vực ngân hàng, tài chính nói riêng và luôn xem WB là nhà tài trợ hàng đầu trong lĩnh vực ngân hàng – tài chính.

Trao đổi tại buổi tiếp, Phó Thống đốc NHNN đã cập nhật sơ bộ về tình hình và định hướng xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu. NHNN đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận về cải thiện ổn định tài chính, tái cấu trúc ngân hàng trong giai đoạn 1 (2011-2015). Trong quá trình 2 (2016 - 2020), cải cách khu vực ngân hàng tiếp tục là nhiệm vụ ưu tiên của Chính phủ và NHNN. NHNN đã tăng cường hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cụ thể: (i) Đề án tái cơ cấu hệ thống TCTD; (ii) Nghị quyết thí điểm về xử lý nợ xấu của các TCTD; và (iii) Luật các TCTD sửa đổi gắn với xử lý các TCTD yếu kém.
 

Phó Thống đốc Đào Minh Tú làm việc với Ông Ganesh Rasagam (bên trái) và Bà Jennifer Insern (ở giữa) phụ trách Ban Tài chính, Cạnh tranh và Đổi mới Sáng tạo (FCI) khu vực Đông Á - Thái Bình Dương

Trong thời gian tới, Chính phủ và NHNN sẽ nỗ lực thực hiện tái cơ cấu ngân hàng, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý: xây dựng các văn bản dưới luật, tăng cường phát triển và quyết tâm lành mạnh hóa khu vực ngân hàng để đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động theo thông lệ quốc tế.

NHNN đánh giá cao thời gian qua WB đã tích cực làm việc với SECO và NHNN để hoàn thiện nội dung Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật (HTKT): Tăng cường phát triển và lành mạnh khu vực ngân hàng tại Việt Nam, tập trung vào 4 lĩnh vực: tăng cường hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho khu vực ngân hàng; tăng cường quản lý nhà nước và giám sát ngân hàng; tăng cường xử lý nợ xấu; và tăng cường ổn định tài chính và an toàn vĩ mô. Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh đây là thời điểm phù hợp để tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho NHNN nhằm phục vụ mục tiêu thực hiện thành công kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2 (2016-2020).

Trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho khu vực ngân hàng giai đoạn 2, đề nghị WB tiếp tục hỗ trợ NHNN: (i) phổ biến, tuyên truyền: Nghị quyết xử lý nợ xấu; và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật TCTD trong thời gian tới; (ii) xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Nghị quyết xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD; và (iii) hỗ trợ nghiên cứu đánh giá tổng kết Nghị quyết và Luật TCTD phù hợp, khả thi với tình hình thực tế Việt Nam trong giai đoạn 5 năm tới. Để sớm tiếp nhận và triển khai HTKT này trong nưm 2018, NHNN đề nghị WB sớm xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện các cấu phần của WB quản lý, sớm phê duyệt thủ tục nội bộ để triển khai thực hiện.

Ngoài ra, Phó Thống đốc cũng đánh giá cao WB đã nỗ lực hỗ trợ NHNN thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện trong thời gian vừa qua và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như: (i) dự thảo Khung Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và hiện đang trong quá trình chuẩn bị xin ý kiến các bên; (ii) dự thảo kế hoạch thực hiện thu thập thông tin bên cung và bên cầu, thiết kế bảng hỏi điều tra bên cầu để phục vụ xây dựng Chiến lược, dự thảo cơ chế điều phối về tài chính toàn diện; (iii) xây dựng Đề án thanh toán không có tiền mặt giai đoạn 2016-2020, dự thảo một số thông tư có liên quan như hoạt động ủy thác thanh toán, đại lý, cấp phép, tổ chức và hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô, v.v.; (iv) triển khai các đoàn công tác phụ vụ cho việc xây dựng báo cáo thực trạng tài chính nông nghiệp và thanh toán chính phủ tại Việt Nam; và (v) tổ chức các hội thảo, tọa đàm về các chủ đề có liên quan của tài chính toàn diện nhằm chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao nhận thức cũng như kêu gọi sự phối hợp của các bên để thúc đẩy tài chính toàn diện.
 

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cập nhật kết quả hoạt động ngành Ngân hàng năm 2017 và những định hướng, mục tiêu năm 2018

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh đây là lĩnh vực mới nên NHNN đã rất tích cực phối hợp với WB để vừa học hỏi kinh nghiệm các nước, vừa xây dựng và điều chỉnh các nội dung về Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia phù hợp với thực tế của Việt Nam. Trong thời gian tới, NHNN đề nghị WB tiếp tục hỗ trợ tìm kiếm các nguồn lực tài chính để hỗ trợ NHNN thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện và triển khai thực hiện các hoạt động về tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng 4.0 và sự bùng nổ của Fintech, NHNN mong muốn WB tiếp tục huy động nguồn lực tài chính và tư vấn quốc tế để hỗ trợ NHNN nghiên cứu về các sản phẩm đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực ngân hàng: chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong khu vực về phát triển các sản phẩm tài chính số, Fintech, thanh toán điện tử, …

Một lưu ý được Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh trong buổi làm việc với Đoàn công tác đó là việc bổ sung thêm nội dung: Tăng cường năng lực giám sát cho Cơ quan Thanh tra Giám sát của NHNN nằm trong Dự án “Hệ thống thông tin quản lý và hiện đại hóa Ngân hàng” (FSMIS) do Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Nhật Bản tài trợ.

Bà Jennifer Isern, phụ trách Ban Tài chính, Cạnh tranh và Đổi mới Sáng tạo (FCI) của Nhóm Ngân hàng Thế giới cảm ơn Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã dành thời gian đón tiếp Đoàn công tác WB. Là người đã công tác nhiều năm tại Việt Nam, Bà Jennifer Isern cho rằng WB và NHNN đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong quá trình triển khai Chương trình Tài chính toàn diện (FISF).

Bà Jennifer Isern chúc mừng NHNN đã thành công trong việc quản lý các chính sách tiền tệ, tín dụng, ổn định lãi suất, tỷ giá hối đoái, giải quyết nợ xấu và thực hiện lộ trình tái cơ cấu ngân hàng 5 năm. Năm 2017 cũng được ghi nhận là một bước ngoặt quan trọng của NHNN trong tiến trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các TCTD khi Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD; Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”.

Bà Jennifer Isern ủng hộ các đề nghị từ phía NHNN, đặc biệt là việc thành lập bộ phận hỗ trợ trực thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia về Tài chính toàn diện và sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho NHNN. Khung hỗ trợ quốc gia (CSP) của Chương trình FISF cho Việt Nam dự kiến được thực hiện từ tháng 6/2016 đến 6/2019 với bốn trụ cột chính gồm: Xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện; Tăng cường khuôn khổ pháp lý cho thanh toán bán lẻ và tài chính số; Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và không được đáp ứng nhu cầu thông qua báo cáo chẩn đoán và cải cách môi trường chính sách; Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng và năng lực/ kiến thức tài chính thông qua cải thiện khuôn khổ pháp lý và quy định, nâng cao việc giám sát đối với bảo vệ người tiêu dùng.

Trong quá trình triển khai, WB đã và đang hỗ trợ NHNN trong việc chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và cung cấp tài liệu liên quan đến xây dựng chiến lược và cơ chế điều phối quốc gia về tài chính toàn diện; tìm hiểu và tư vấn ban đầu về các chương trình tuyên truyền/ giáo dục tài chính; Xây dựng các báo cáo chẩn đoán về tài chính nông nghiệp, khuôn khổ pháp lý cho hệ thống thanh toán, thanh toán chính phủ; triển khai các hỗ trợ liên quan đến lĩnh vực thanh toán.

Thay mặt ban lãnh đạo NHNN, Phó Thống đốc đề nghị WB tiếp tục huy động các nguồn lực tài chính của WB, các quỹ Tín thác (Trust Fund) và tư vấn kỹ thuật quốc tế để hỗ trợ NHNN thực hiện, triển khai đề án tái cấu trúc ngân hàng giai đoạn 2. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng việc rà soát, đánh giá lại toàn bộ nội dung chương trình là cần thiết và quan trọng để đảm bảo các hoạt động triển khai trong thời gian tới được hiệu quả, các nguồn lực được sử dụng hợp lý, đáp ứng trúng nhu cầu và mục tiêu của NHNN cũng như mong muốn của WB nhằm thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam trong thời gian tới.

(Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh