Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú tham dự Hội nghị thường niên ADB lần thứ 51 tại Manila, Philippines
Ngày nhập : 08/05/2018 13:34
Ngày 5/5/2018, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) chính thức khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 51 với chủ đề “Kết nối các nền kinh tế và người dân nhằm mục tiêu phát triển tài chính toàn diện” tại Thủ đô Manila, Philippines. Đoàn Việt Nam do Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú làm Trưởng đoàn.
 
 
Phó Thống đốc Đào Minh Tú chụp ảnh với Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte và Trưởng đoàn các nước

Tại phiên khai mạc, phiên họp hội đồngThống đốc, các thành viên tham gia nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, liên kết các nền kinh tế và người dân nhằm xây dựng Châu Á Thái Bình Dương phát triển bền vững. ADB sẽ tập trung vào hỗ trợ các nước thành viên thực hiện giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, tạo việc làm, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển kinh tế tư nhân và chống biến đổi khí hậu... ADB tiếp tục tăng cường hợp tác khu vực như xây dựng mạng lưới giao thông và giảm chi phí logistic, kết nối năng lượng, giáo dục, y tế, du lịch và ổn định tài chính. ADB cam kết tiếp tục cải cách mạnh mẽ cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực hỗ trợ cho các nước thành viên hướng tới xây dựng khu vực phát triển bền vững. Ngoài ra, ADB sẽ phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế khác, các ngân hàng tư nhân để tăng cường các nguồn lực và phát huy hiệu quả trong việc giải quyết các thách thức trong khu vực.

Tại buổi làm việc với ông Stephen Groff, Phó Chủ tịch ADB, Phó Thống đốc Đào Minh Tú bày tỏ ủng hộ những ưu tiên của ADB trong chiến lược phát triển bền vững năm 2030. Đồng thời, Phó Thống đốc đánh giá cao nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chính sách của ADB dành cho Việt Nam và khẳng định Chính phủ quyết tâm sử dụng hiệu quả nguồn lực quan trọng này. Phó Thống đốc thông báo ADB về việc Chính phủ đang triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm kịp thời đàm phán và tiếp nhận hết 613 triệu USD vốn ADF trước khi tốt nghiệp nguồn vốn này từ ngày 1/1/2019.

Phó Chủ tịch ADB đánh giá cao những nỗ lực và kết quả tích cực mà Chính phủ Việt Nam đã đạt được như: kinh tế vĩ mô ổn định, duy trì mức tăng trưởng GDP cao, lạm phát duy trì ở mức thấp, đặc biệt là việc thực thi hiệu quả chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu. ADB cũng cam kết sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam và tin tưởng Chính phủ Việt Nam sẽ đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
 
 
Phó Thống đốc và Phó Chủ tịch ADB thống nhất sẽ phối hợp chặt chẽ để triển khai các chủ trương hợp tác được đưa ra trong chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch ADB trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) vào cuối tháng 3 năm 2018. Đặc biệt, Phó Thống đốc đề nghị ADB sớm thông báo chính thức về việc hoãn trả nợ nhanh nguồn vốn ADF sau khi tốt nghiệp cho Việt Nam. Phó chủ tịch khẳng định Chủ tịch ADB và Ban lãnh đạo ADB ủng hộ hoãn trả nợ nhanh nguồn ADF cho Việt Nam và sẽ chỉ đạo các bộ phân liên quan có thông báo sớm cho Việt Nam về vấn đề này.

* Bên lề Hội nghị, Bên lề Hội nghị thường niên ADB, từ ngày 2-4/5/2018, Đoàn NHNN đã tham dự chuỗi hội nghị trong khuôn khổ hợp tác tài chính, tiền tệ các quốc gia ASEAN+3.

Tại các sự kiện, lãnh đạo NHTW và Bộ Tài chính các quốc gia trong khu vực ASEAN+3 cùng với đại diện đến từ các tổ chức quốc tế như Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB)... đã chia sẻ quan điểm về tình hình kinh tế cũng như các thách thức trơng thời gian tới trên thế giới và khu vực, cũng như đưa ra những dự đoán, mục tiêu phát triển kinh tế trong năm 2018 và 2019 lần lượt ở mức 5.4% và 5.2%. Đại diện lãnh đạo ASEAN+3 cho rằng với nền kinh tế khu vực nắm giữ khoảng 25% GDP và 30% thương mại toàn cầu, các quốc gia thành viên có rất nhiều tiềm năng để khai thác và hợp tác.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro và trước xu hướng bảo hộ tại một số nền kinh tế, lãnh đạo NHTW và Bộ Tài chính các quốc gia ASEAN+3 nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác trong khuôn khổ các sáng kiến bao gồm: Rà soát và hoàn thiện nội dung của Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM), tiếp tục nâng cao khả năng đánh giá, dự báo rủi ro của AMRO và mở rộng tư cách thành viên cũng như đẩy mạnh các hoạt động trong khuôn khổ Sáng kiến Phát triển Thị trường Trái phiếu châu Á (ABMI).

(Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh