Thỏa thuận CPTPP: Cú đột phá chiến lược
Ngày nhập : 13/11/2017 16:11
CPTPP là một Hiệp định Toàn diện và Phát triển trong môi trường hội nhập.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, sự kiện 11 quốc gia đạt thỏa thuận về Hiệp định “Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)” hoàn toàn có thể coi đây là một cú đột phá chiến lược…

Thông điệp mang tầm cỡ thời đại

Bình luận về sự kiện này, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, hoàn toàn có thể coi đây là một cú đột phá chiến lược không chỉ cho thương mại tự do trong khu vực. Cũng như Hiệp định TPP trước đây, CPTPP hôm nay không đơn thuần là một Hiệp định Thương mại tự do mà là một Hiệp định Toàn diện và Phát triển trong môi trường hội nhập. Bản thân tên mới của Hiệp định (Tiến bộ và Toàn diện) đã nói lên điều đó.
 
 
CPTPP hôm nay là một Hiệp định Toàn diện và Phát triển trong môi trường hội nhập

“Với cú đột phá này, lòng tin vào xu thế toàn cầu hóa với nội dung cốt lõi là liên kết và hợp tác phát triển được khẳng định. Điều này là hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh xu thế bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy. Việc duy trì gắn kết 11 nền kinh tế vào một hiệp định phát triển ở trình độ cao nhất trong điều kiện Mỹ - một trụ cột đặc biệt quan trọng - rút khỏi hiệp định có giá trị của một tuyên ngôn, một thông điệp mang tầm cỡ thời đại - rằng xu thế liên kết phát triển ở trình độ cao nhất sẽ mang lại những lợi ích phát triển to lớn không thể thay thế, ngay cả khi không có Mỹ”, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Trong khi đó lý giải về vấn đề được dư luận quan tâm là việc Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP thì các nước sẽ gặp khó khăn gì, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Hiệp định TPP 12 đã được các quốc gia tham gia đàm phán và xây dựng với tiêu chuẩn rất cao trên các lĩnh vực và khi đạt được sự đồng thuận này thì tất cả các quốc gia đều hài lòng vì nó không những là một dự thảo hiệp định với tiêu chuẩn chất lượng cao mà còn đạt được điểm cân bằng chung của các quốc gia tham gia hiệp định này.

Vì vậy khi Hoa Kỳ, một quốc gia có sức nặng kinh tế, với vai trò của mình rút ra khỏi Hiệp định TPP thì cũng tạo ra những khó khăn nhất định cho các quốc gia trong quan điểm tiếp tục duy trì Hiệp định TPP với tiêu chuẩn chất lượng cao như vậy.

“Bốn vòng đàm phán của cấp Trưởng đoàn đàm phán tại các thời gian, địa điểm khác nhau đã phản ánh đầy đủ các khó khăn này, nhưng tuy nhiên với quan điểm xây dựng của các Bộ trưởng TPP, Chính phủ của các nước đã giúp chúng tôi đi đến đạt được các thỏa thuận rất quan trọng cốt lõi của Hiệp định TPP 11 nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu của TPP 12 chất lượng cao”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Trước đó, bên lề Hội nghị cấp cao APEC, các Bộ trưởng đã họp Hội nghị Bộ trưởng TPP vào các ngày 8, 9, 10/11/2017 về việc thảo luận sớm đưa Hiệp định TPP vào thực thi trong bối cảnh tình hình mới. Sau cuộc họp của các Bộ trưởng phụ trách về kinh tế tại Hà Nội và Đà Nẵng, các nước trong Hiệp định TPP 11 đã lần lượt tổ chức các cuộc họp ở cấp Trưởng đoàn đàm phán và đã thống nhất được rất nhiều nội dung cơ bản quan trọng.

Trên cơ sở các kết quả của các buổi đàm phán, các Bộ trưởng đã họp trong các ngày vừa qua tại Đà Nẵng và đã thống nhất một số nội dung quan trọng. Trong đó, thống nhất với tên gọi mới của Hiệp định TPP gồm 11 nước thành viên là CPTPP.

Các Bộ trưởng cũng đã ra tuyên bố chung khẳng định các nước trong CPTPP đã thống nhất những vấn đề cốt lõi của hiệp định này theo hướng giữ nguyên các nội dung của Hiệp định TPP cũ nhưng cho phép các nước thành viên được tạm hoãn một số nghĩa vụ để đảm bảo cân bằng trong bối cảnh mới với chất lượng cao của hiệp định.

Thách thức gì cho Việt Nam ?

Lý giải về vấn đề khúc mắc nhất, ảnh hưởng nhất đến Việt Nam khi đàm phán Hiệp định TPP, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, quá trình đàm phán Hiệp định TPP 11 cho mục tiêu là duy trì Hiệp định TPP có chất lượng cao nhất, thì đây cũng đã đặt ra những khó khăn cho các nước khi mà phải tìm ra điểm cân bằng mới cho việc duy trì Hiệp định TPP 11 trong bối cảnh mới này. Đây không chỉ là khó khăn riêng của Việt Nam mà của cả các quốc gia khác đều phải xem xét đánh giá lại về yêu cầu, lợi ích, điểm cân bằng để đảm bảo duy trì Hiệp định TPP này. Vì vậy, quá trình đàm phán của các quốc gia đều phản ánh quá trình tham vấn, xây dựng chính sách của mỗi quốc gia trong quá trình đàm phán để đảm bảo mục tiêu hiệu quả cho các quốc gia tham gia.

“Việt Nam cũng giống như các quốc gia khác đều có nghiên cứu, đánh giá rất cụ thể trong việc cải cách mở cửa, thực hiện hội nhập… trong các khía cạnh kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội để đưa ra được quan điểm cân bằng về lợi ích của Việt Nam khi tham gia Hiệp định TPP 11, đồng thời đóng góp cho Hiệp định TPP 11 đạt được sự đồng thuận chung để đưa vào thực thi”, ông Trần Tuấn Anh cho biết.

Trong khi đó, theo TS. Trần Đình Thiên, sau khi đàm phán thành công, thách thức hội nhập mới trở thành hiện thực đúng nghĩa. Trong đàm phán, cái cần chủ yếu là năng lực đàm phán. Còn đàm phán xong, mới cần đến năng lực thực thi, năng lực hội nhập thực tế. Mà đó chính là cái ta yếu và thiếu nhiều nhất.

Ông Trần Đình Thiên cũng chỉ ra ba tuyến vấn đề mấu chốt mà Việt Nam phải làm sau khi đã đạt được thỏa thuận CPTPP, bao gồm:

Thứ nhất, phải nỗ lực để đàm phán cho xong, cho trọn vẹn các điều khoản để đi đến ký kết thực thi. Điều này cũng phải tích cực, phải đẩy nhanh. Mọi thứ đều có thể xảy ra, như việc Mỹ đột ngột rút khỏi Hiệp định TPP là một ví dụ.

Thứ hai, phải tích cực chuẩn bị các năng lực thực thi - năng lực cạnh tranh sản phẩm - dịch vụ, năng lực thể chế (tuân thủ và vận hành) để đáp ứng các điều kiện khắt khe, các đòi hỏi rất cao của một hiệp định phát triển đẳng cấp cao nhất. Vấn đề năng lực bộ máy, năng lực con người, hệ thống luật lệ, chính sách và cơ chế bảo đảm sự tương thích, nguồn nhân lực, lực lượng DN... Khối lượng công việc là rất lớn và rất phức tạp, với những chất lượng rất mới. Nghĩa là phải hành động theo tư duy đổi mới mạnh mẽ, với tinh thần cải cách cơ cấu triệt để và xây dựng thể chế vượt trội.

Thứ ba, thúc đẩy mạnh mẽ các quan hệ hợp tác phát triển khác, trong đó, trọng tâm là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Trong đó đặc biệt là việc tăng cường quan hệ đối tác với Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ. Đây là những mối quan hệ mang tính trụ cột, bảo đảm sự cân bằng, thế vững chắc chiến lược cũng như những lợi ích phát triển hàng đầu.

(Theo Thời Báo Ngân Hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh