Ưu tiên ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô
Ngày nhập : 01/03/2018 14:18
Nếu cải cách toàn diện, sâu rộng hơn, nhanh hơn chắc chắn bức tranh kinh tế 2018 sẽ có nhiều điểm sáng hơn

Nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả phát triển ấn tượng như tăng trưởng kinh tế ở mức cao, nền kinh tế vĩ mô ổn định và tiếp tục hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới. “Có rất nhiều nguyên nhân góp phần tạo nên kết quả ấn tượng đó, trong đó nguyên nhân quan trọng và cũng là động lực mang tính nền tảng hơn cả là sự cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh”, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phân tích.
 
 
Nếu cải cách toàn diện, sâu rộng hơn, nhanh hơn chắc chắn bức tranh kinh tế 2018 sẽ có nhiều điểm sáng hơn

Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao không chỉ về sự thăng hạng vượt bậc so với chính mình về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà còn thu hẹp đáng kể khoảng cách tụt hậu so với nhóm ASEAN-4 (Singapore, Malaysia, Thailand, và Philippines), và đã vượt qua Trung Quốc tới 10 bậc xếp hạng. Cải thiện môi trường kinh doanh đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đưa xếp hạng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016 và tăng 20 bậc so với 5 năm trước đây.

Tiến triển vượt bậc này là kết quả từ những nỗ lực, quyết tâm bền bỉ của Chính phủ trong những năm qua, theo GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn. Đầu tiên là sự quyết tâm chính trị cao song hành với nỗ lực nâng cao năng lực quản trị nhà nước của Chính phủ Việt Nam theo hướng xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân và DN là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất có tính chi phối (trực tiếp và gián tiếp) tới sự cải thiện vượt bậc về môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Chất lượng công tác hoạch định chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh được nâng cao theo hướng công khai, minh bạch, nhất quán, có sự tham vấn cộng đồng và có trách nhiệm giải trình cao là một trong những nguyên nhân quan trọng hàng đầu mang tính quyết định tới sự thăng hạng vượt bậc về môi trường kinh doanh. Và đã có sự đồng loạt hưởng ứng tinh thần cải cách của Chính phủ của các bộ, ngành bằng các chính sách và hành động cụ thể.

Có thể kể một số ví dụ tiêu biểu như Ngân hàng Nhà nước nâng cao chất lượng hệ thống thông tin tín dụng, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người vay và người cho vay; Bộ Tài chính cải cách các quy định và thủ tục về thuế, hải quan; Bộ Xây dựng tăng cường thực hiện các biện pháp rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan; Bộ Kế hoạch và Đầu tư rút ngắn thủ tục và thời gian hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh; Bộ Tư pháp nâng cao chất lượng thi hành án dân sự, góp phần cải thiện các chỉ số thuộc lĩnh vực tư pháp... Cả nước đã có trên 5.000 thủ tục và điều kiện kinh doanh được cắt giảm.

TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng kết quả ấn tượng có được là nhờ ở một năm quyết liệt với cải cách và cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ. Những rào cản về môi trường kinh doanh đã được thảo luận nhiều năm, nhiều lần... thì năm qua cũng đã được triển khai thực hiện không chỉ ở Chính phủ mà còn chuyển động đến tất cả các bộ và cả các địa phương. Sự tăng cường hiệu quả thực thi và phối hợp chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh với trọng tâm nâng cao năng lực thực thi và giám sát cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất có tính chất quyết định trực tiếp tới sự thăng hạng nhanh về môi trường kinh doanh.

Có thể thấy rất rõ những chuyển biến từ việc cắt giảm điều kiện kinh doanh giúp giảm phiền hà, thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Không chỉ ở những con số về điều kiện kinh doanh được các bộ, ngành nêu ra, mà còn ở những điều kiện đã được cắt giảm và quyết tâm cắt giảm nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, DN cho rằng nhiều điều chưa được như mong muốn, sự chuyển động của nhiều bộ ngành còn chậm… TS.Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, kết quả cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính năm 2017 mới chỉ mạnh ở đường lối, năm 2018 phải là năm thực hiện và phải làm thật mạnh.

Còn Viện trưởng Cung cho rằng kết quả từ những nỗ lực cải thiện đó so với những yêu cầu mà chúng ta phải có và đáng phải có để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam và thu hẹp khoảng cách với các nước thì rõ ràng chúng ta còn khoảng cách tương đối xa. Các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặt ra là tương đối toàn diện, nhưng việc triển khai trên thực tế là triển khai từng vụ việc chứ không đồng bộ, với quy mô lớn, tốc độ nhanh trong khi thế giới đang “đi rất nhanh”.

Nhấn mạnh môi trường kinh doanh đóng vai trò xương sống cho sự phát triển ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế, GS.Thuấn khuyến nghị: Để duy trì tăng trưởng nhanh và bền vững trong thời gian sắp tới, các chính sách cần chú trọng nâng cao chất lượng của môi trường đầu tư – kinh doanh và cùng với đó là các chính sách giải quyết những vấn đề đang tồn đọng trong nền kinh tế, tăng cường xây dựng năng lực nội tại để có thể chủ động đón nhận cơ hội và vượt qua thách thức.

Và “điều kiện cần” cho cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đến năm 2020 và giai đoạn xa hơn là ưu tiên tiếp tục thiết lập nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn kết hợp với ổn định chính trị xã hội. Chính phủ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách, nâng cao năng lực quản trị nhà nước hiện đại; Nâng cao chất lượng công tác hoạch định chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng công khai, minh bạch, nhất quán, có sự tham vấn cộng đồng và có trách nhiệm giải trình cao. Cải thiện mục tiêu khởi sự kinh doanh và giải quyết phá sản DN để không chỉ rút ngắn khoảng cách tụt hậu quá xa của Việt Nam so với ASEAN-4 mà quan trọng hơn là góp phần khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Viện trưởng Cung cho rằng các giải pháp, biện pháp, kế hoạch - chương trình hành động đó cần phải được thực hiện quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, để có thể tạo ra những bứt phá trong tăng trưởng kinh tế trong năm 2018. Nếu có những cải cách toàn diện hơn, sâu rộng hơn, tốc độ nhanh hơn thì chắc chắn bức tranh kinh tế 2018 sẽ có nhiều điểm sáng hơn so với 2017.

(Theo Thời Báo Ngân Hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh