Việt Nam- Ấn Độ: Hướng tới thương mại song phương 15 tỷ USD năm 2020
Ngày nhập : 22/09/2017 15:44
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish cho biết, hiện tại, quan hệ kinh tế Việt Nam- Ấn Độ vẫn đang ở dưới mức tiềm năng. Hai nước đang phấn đấu gia tăng giao thương, hướng tới thương mại song phương đạt 15 tỷ USD vào năm 2020.

Phát biểu tại hội thảo “Ấn Độ - Việt Nam: Triển vọng cho sự thịnh vượng và hợp tác” ngày 21/9, tại Hà Nội, Đại sứ Parvathaneni Harish- Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cho biết, năm 2017 là năm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Ấn Độ- Việt Nam, 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Hai bên đã mở rộng và thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực: chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng, kinh tế, khoa học - giáo dục, văn hóa - xã hội. Trong đó, quan hệ hợp tác chính trị - ngoại giao và an ninh-   quốc phòng là những lĩnh vực vượt bậc.

Trước đó, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào tháng 9/2016,  các cơ quan, đối tác của hai nước đã ký kết 12 văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực, đặc biệt là về quốc phòng - an ninh.

Hiện tại, Ấn Độ là 1 trong 3 đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Ấn Độ rất coi trọng quan hệ với Việt Nam và coi Việt Nam là một trong những trụ cột quan trọng của chính sách “Hành động phía Đông” của mình.

Tuy quan hệ kinh tế - thương mại Việt -  Ấn đã có sự tiến triển mạnh so với giai đoạn trước, nhưng vẫn chưa theo kịp quan hệ chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng và chưa tương xứng với tiềm năng giữa hai nước. Năm 2016, thương mại song phương giữa hai nước đạt 5,5 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Xuân Trung- Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, có 3 nhóm nguyên nhân khiến cho thương mại giữa Việt Nam- Ấn Độ  còn nhiều hạn chế.

Nhóm nguyên nhân đến từ các yếu tố văn hóa, tôn giáo, lề lối làm việc, phong cách làm việc, sự khác biệt thể chế, thực thi cam kết. Những nguyên nhân này gây khó khăn trong việc tiếp xúc giữa các doanh nghiệp hai bên và nguy cơ rủi ro trong hợp tác cũng như tâm lý e ngại của doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp hai bên vẫn còn rất ít thông tin về thị trường của nhau cũng như thông tin về các doanh nghiệp hai bên rất hạn chế.

Do cơ cấu kinh tế của hai nước khá tương đồng nên khả năng cạnh tranh của sản phẩm mỗi bên chưa cao. Những thế mạnh về sản phẩm của Ấn Độ, nhiều thứ cũng là thế mạnh của Việt Nam. Tính bổ sung giữa hai nền kinh tế không nhiều. Những cơ hội hợp tác nếu không tìm hiểu kỹ sẽ khó phát hiện ra.

Thêm vào đó, khả năng cạnh tranh sản phẩm của Việt Nam tại thị trường Ấn và của Ấn tại Việt Nam còn hạn chế so với sản phẩm của nhiều nước như Trung Quốc, ASEAN.

Nguyên nhân thứ ba là do lực hút quá lớn của các đối tác trong khu vực như Trung Quốc, khiến nền kinh tế Việt Nam hướng vào đây mà hạn chế quan hệ với đối tác khác, trong đó có Ấn Độ.

Theo ông Nguyễn Xuân Trung, để tăng cường giao thương giữa hai nước, trong thời gian tới, cả hai nước cần tăng cường quảng bá, giới thiệu lẫn nhau để cộng đồng doanh nghiệp hai nước hiểu biết sâu rộng hơn về thị trường của nhau.

Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, gia tăng các hoạt động xúc tiến thương mại ở cả hai bên. Ông Nguyễn Xuân Trung cũng đề xuất, ở một tương lai không xa, giữa hai nước Việt Nam- Ấn Độ nên ký kết một hiệp định thương mại tự do song phương.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Đại sứ Harish cho biết, trong thời gian tới, hai nước sẽ tăng cường các lĩnh vực hợp tác trong chương trình đối tác chiến lược toàn diện đã ký vào tháng 9/2016, để hướng tới thương mại song phương đạt 15 tỷ USD vào năm 2020.

(Theo Thời Báo Tài Chính Việt Nam)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh