Việt Nam: Điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn
Ngày nhập : 10/09/2020 10:16
Sự quyết liệt trong công tác điều hành chính sách của NHNN Việt Nam đã mang lại nhiều kết quả quan trọng: lạm phát được kiểm soát, thanh khoản hệ thống ngân hàng được đảm bảo, thị trường tiền tệ ổn định, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp, lãi suất cho vay giảm đáng kể, tỷ giá và thị trường ngoại tệ diễn biến ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tiếp tục tăng.
 

Toàn cảnh hội nghị từ điểm cầu NHNN

Trong khó khăn chung vẫn có những con số đáng khích lệ

Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến với chủ đề “Việt Nam – Ngôi sao đang lên” do Ngân hàng Standard Chartered phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) và NHNN Việt Nam tổ chức ngày 7/9/2020, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh FDI toàn cầu dự báo có khả năng suy giảm tới 40% trong năm 2020, kết quả thu hút FDI trong 8 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn tương đối khả quan với tổng vốn đăng ký gần 20 tỷ USD, trong đó, vốn đăng ký mới tăng 6,6%, vốn đăng ký mở rộng và tăng thêm tăng 22,2% so với cùng kỳ. “Những con số này rất đáng khích lệ, khẳng định nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ và các cấp chính quyền trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, phù hợp với định hướng của Việt Nam”, ông Dũng nói.

Trong thời gian vừa qua, để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, Việt Nam đã và đang chủ động chuẩn bị các điều kiện đầu vào cho các hoạt động đầu tư, như: Chuẩn bị hạ tầng đất đai, mặt bằng sạch; đẩy nhanh quá trình đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu của DN; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia; thành lập Tổ Công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài để đón các tập đoàn đa quốc gia, DN lớn đến đầu tư, nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới.

Cùng với đó, một loạt các bộ luật liên quan đến đầu tư kinh doanh như: Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP) đã được thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vừa qua với nhiều điểm mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục đầu tư, tăng cường phân cấp, minh bạch, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, bổ sung cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án quy mô lớn đáp ứng các tiêu chí và có đóng góp đáng kể đối với phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, EVFTA, EVIPA cũng chính thức có hiệu lực, cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các FTA khác, được xem như các tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa Việt Nam với các nền kinh tế trên thế giới, mở rộng và sâu hơn nữa về thị trường, đầu tư thương mại giữa Việt Nam với các nước và khu vực.

Bộ trưởng Bộ KHĐT cho rằng, với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, cùng những cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và vị thế trên trường quốc tế ngày càng tăng, đồng thời nhờ các biện pháp phòng chống Covid-19 tích cực và hiệu quả, Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao, trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Cơ hội đã có, nhưng để vượt qua các thách thức, khó khăn hiện nay, Việt Nam cần phải có quyết tâm cao hơn nữa, đổi mới tư duy, hành động mạnh mẽ, quyết liệt và sáng tạo trong quá trình triển khai.

Đầu tư hơn nữa vào nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng

Tại hội thảo này, đại diện các DN nước ngoài cũng bàn nhiều về các vấn đề của Việt Nam hiện nay để có thể thu hút thêm các dòng vốn đầu tư chất lượng, cũng như cách thức để tiếp tục tiến lên trong các nấc thang phát triển. Bàn cụ thể đến vấn đề nguồn nhân lực, ông Soren Bech - Tổng giám đốc RB Health Vietnam cho rằng, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực là chìa khóa để Việt Nam thành công trong CMCN 4.0, cũng như trong thu hút dòng vốn đầu tư. Do đó, cần đầu tư hơn nữa cho giáo dục, đưa hệ thống giáo dục tiệm cận với thế giới để xây dựng được lực lượng lao động trong nước có kỹ năng và chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi sản xuất, đầu tư đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ hiện nay.

Một vấn đề khác cũng được xem là nút thắt cổ chai của Việt Nam trong những năm gần đây là cơ sở hạ tầng (CSHT). Theo ông C.K.Tong, Tổng giám đốc BW Industrial Development, bức tranh về CSHT của Việt Nam đã có nhiều cải thiện, nhiều địa phương đặc biệt ở miền Bắc đã có kết nối CSHT tốt giữa các khu công nghiệp với các sân bay, bến cảng, đường cao tốc… “Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dư địa hơn nữa để cải thiện, phát triển CSHT, nhất là ở phía Nam. Như các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… cần được đầu tư CSHT mạnh hơn để kết nối và phát triển nhanh hơn”, ông C.K.Tong nói và tin tưởng: “Những thành tựu đạt được và những gì Việt Nam đã làm cho thấy, vấn đề chỉ là cần thêm thời gian và quyết tâm đầu tư hơn nữa cho CSHT và tôi tin dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ chảy vào Việt Nam mạnh hơn nữa, cũng như có niềm tin mạnh mẽ là Việt Nam sẽ trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhất trong khu vực ASEAN trong những năm tới”.

Thực tế trong thời gian gần đây, nhiều DN khởi nghiệp và tập đoàn đa quốc gia đã thành lập và triển khai các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam để tận dụng vị thế kết nối chiến lược, một cửa ngõ để phát triển kinh doanh của họ trong ASEAN. Đáng chú ý theo cuộc khảo sát được thực hiện tại Diễn đàn Doanh nghiệp ASEAN 2020 do Standard Chartered tổ chức cuối tháng 8 vừa qua, có tới 38% số người tham gia khảo sát cho biết sẽ xem xét Việt Nam là một lựa chọn trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ. Đây là tỷ lệ cao nhất trong các nước ASEAN.

Theo ông Nirukt Sapru - Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam, nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á, với những yếu tố nền tảng mạnh mẽ như dân số trẻ, năng động và am hiểu công nghệ; thị trường nội địa đang phát triển nhanh; tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng và một nền kinh tế mở, Việt Nam đang tiếp tục mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn. “Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh tế trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam và có thể sẽ còn kéo dài thêm một thời gian nữa. Tuy nhiên, điều đó sẽ không ngăn cản được việc tìm kiếm các cơ hội và đưa ra những chiến lược mới để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng tại Việt Nam”, ông Nirukt Sapru nhận định.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh