Cánh cửa kinh tế số ngày càng mở rộng
Ngày nhập : 08/12/2020 14:32
Đó là nhận định chung của các đại biểu tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế số” do Học viện Ngân hàng và Tạp chí Ngân hàng đồng tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.

Thanh toán không dùng tiền mặt phát triển vượt bậc

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) có vai trò đặc biệt quan trọng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các chủ thể tham gia và cả nền kinh tế, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao khả năng tiếp cận tài chính và thúc đẩy tài chính toàn diện. TTKDTM giúp giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, góp phần vào công tác quản lý thuế, phòng, chống tội phạm…

Với việc triển khai tích cực, đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp, Phó Thống đốc cho biết, thời gian qua, hoạt động TTKDTM đã có nhiều chuyển biến tích cực, vượt bậc. Nổi bật là hành lang pháp lý cho hoạt động TTKDTM đã được hoàn thiện. Hạ tầng kỹ thuật, công nghệ phục vụ TTKDTM (nhất là thanh toán điện tử) được mở rộng, đầu tư và nâng cấp. Hầu hết các thành tựu của CMCN 4.0 đã được ứng dụng vào hoạt động thanh toán. Các sản phẩm, dịch vụ TTKDTM được phát triển mạnh mẽ, đa dạng. Số lượng, giá trị các giao dịch được thực hiện qua các phương tiện TTKDTM có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Các hệ sinh thái thanh toán số được hình thành, cho phép kết nối, tích hợp với các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ.
 

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh phát biểu tại hội nghị

Dẫn chứng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của TTKDTM, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết, đến thời điểm này, mỗi ngày hệ thống thanh toán liên ngân hàng và hệ thống chuyển mạch, bù trừ điện tử của ngành Ngân hàng xử lý tới 20 tỷ USD; trong khi cả năm tổng doanh thu thị trường thương mại điện tử mới chỉ chiếm 10-12 tỷ USD. Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2020, giao dịch chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng tương ứng khoảng 74,5% về số lượng và tăng 110,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Tương tự số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM đều tăng trưởng, tương ứng 75,2% và 30,4% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt là số lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng mạnh tương ứng gần 125% và 130% so với cùng kỳ năm 2019. Theo thống kê của Vụ Thanh toán, giá trị TTKDTM so với dùng tiền mặt gấp 3,9 lần…

Đó quả là những con số rất ấn tượng cho thấy TTKDTM đang tăng trưởng rất nhanh trong thời gian gần đây. Một điểm đáng chú ý nữa là trên thị trường thanh toán đã xuất hiện thêm những người chơi mới như ví điện tử, trong khi hệ sinh thái số đang được hình thành. Thành công đáng chú ý nữa đó là việc đưa dịch vụ công vào TTKDTM. Đơn cử, hơn 26 triệu hộ dân thanh toán tiền điện qua ngân hàng...

Bệ phóng đầu tiên cho thanh toán số, ngân hàng số

Nhấn mạnh mục tiêu phát triển TTKDTM cũng là nội dung quan trọng được Chính phủ, ngành Ngân hàng đưa vào các quyết sách quan trọng như Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, số lượng giao dịch TTKDTM đạt tốc độ tăng 20% - 25% hàng... Để đạt mục tiêu quan trọng trên, thúc đẩy thanh toán số phát triển thời gian tới, NHNN cho biết sẽ thúc đẩy nhanh chóng hoàn thiện tốt hơn nữa khung pháp lý. Thông tin mới nhất được đưa ra tại hội nghị đó là NHNN sẽ sớm ban hành Thông tư về eKYC. “Đây được coi là bệ phóng đầu tiên của ngành Ngân hàng để phát triển thanh toán số và ngân hàng số phát triển”, ông Phạm Tiến Dũng bày tỏ vui mừng và cho biết thêm: Chúng tôi đang nghiên cứu xem xét có nên đưa ra Luật Thanh toán hay không…

TS. Cấn Văn Lực cũng gợi ý thêm giải pháp nên xây dựng bộ tiêu chí đo lường chính xác tỷ lệ sử dụng các phương tiện TTKDTM để có thể theo dõi và đề ra chính sách giải pháp hiệu quả hơn. Đồng thời phải có quy định về chia sẻ thông tin, dữ liệu, cơ chế công nhận kết quả thẩm định/xác thực lẫn nhau nhằm tạo điều kiện xây dựng hệ sinh thái số và hướng đến sự tiện lợi, hiệu quả, song vẫn đảm bảo an toàn. Một đề xuất nữa của vị chuyên gia này là ban hành quy định quản lý hoạt động của Fintech, BigTech, ví điện tử và Mobile Money theo hướng mở ban đầu rồi kiểm soát dần; xây dựng cơ chế liên kết giữa ngân hàng, Fintech, BigTech và các chuỗi cửa hàng, trang thương mại điện tử…

Hiện nay, thói quen người tiêu dùng vẫn là một rào cản lớn trong việc phát triển TTKDTM ở Việt Nam. Vì vậy, các đại biểu tham gia hội nghị đề xuất, Chính phủ phối hợp cùng các bộ, ban, ngành và các doanh nghiệp cần đẩy mạnh truyền thông đồng bộ và có hiệu quả trong việc phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng của người dân. Qua đó, nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho người dân, khuyến khích sử dụng các phương thức TTKDTM.

(Nguồn: Thời báo ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh