Chính sách kinh tế nào cho thời hậu Covid ?
Ngày nhập : 10/03/2021 16:38
Bên cạnh những chính sách kích thích kinh tế hậu Covid-19, vị chuyên gia của UNDP khuyến nghị Việt Nam cần có chính sách tốt hơn, khuyến khích R&D và cần có sự hỗ trợ của Chính phủ giúp khởi tạo kinh doanh dựa trên chuyển đổi công nghệ. Mục tiêu là giúp các doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng công nghệ, hỗ trợ thương mại hóa các công nghệ mới.
 

Chuyển sang chính sách hậu Covid-19

Khi bàn kinh tế Việt Nam, TS.Jonathan Pincus - chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP cho rằng, sẽ không thể có tăng trưởng kinh tế nếu không kiểm soát được Covid-19 trước. Vì vậy, việc Việt Nam đạt được 2 mục tiêu là vừa bảo vệ sức khỏe của người dân, vừa giữ tăng trưởng kinh tế là không hề mâu thuẫn. Nhìn lại năm 2020, theo vị chuyên gia này, Việt Nam đã phản ứng rất nhanh nhạy với dịch bệnh và những kết quả đạt được, chứng minh Chính phủ Việt Nam đã cho thấy tầm nhìn xa và năng lực tổ chức việc ứng phó với mối đe dọa của đại dịch. Nhưng tình hình mới đòi hỏi những chính sách mới, biện pháp mới. Đó là “phải chuyển từ Covid-19 sang phục hồi hậu Covid-19”, vị chuyên gia của UNDP khuyến nghị.

Tuy nhiên việc hỗ trợ, thúc đẩy mọi lĩnh vực và mọi doanh nghiệp sẽ khó thành công. Vì vậy theo vị chuyên gia này, chính sách kinh tế hậu COVID cần hướng vào hai tiêu chí: xuất khẩu và năng suất. Theo đó sẽ hỗ trợ những doanh nghiệp trong nước đã có năng lực cạnh tranh quốc tế và hỗ trợ doanh nghiệp có năng lực tăng năng suất lao động, tạo việc làm, trả lương cao hơn và đang sẵn sàng đào tạo lao động.

Theo TS.Jonathan Pincus, tăng trưởng nhờ xuất khẩu đã tạo ra hàng triệu việc làm ổn định và hàng tỷ USD ngoại hối - hai yếu tố cần thiết cho tăng trưởng của Việt Nam. Tuy nhiên trong dài hạn, Việt Nam cần đặt mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng trong nước từ việc tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu. “Động lực thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay và những năm tới sẽ là tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng chế tạo. Nhưng xuất khẩu mặt hàng chế biến chế tạo của việt Nam tăng vọt nhưng giá trị gia tăng thì không”, TS.TS.Jonathan Pincus nói. Vì vậy, Việt Nam cần tăng hàm lượng nội địa trong xuất khẩu hàng chế biến chế tạo. Việt Nam có cơ hội lớn để đứng vào hàng ngũ các nước có thu nhập cao ở Đông Á bằng con đường xuất khẩu các mặt hàng chế tạo.

Giảm phụ thuộc vốn ngoại

Nói về phục hồi kinh tế hậu Covid-19 và tương lai Việt Nam, ông nhắc lại bài học từ quá trình chuyển đổi kinh tế của các quốc gia Đông Á. Bài học này cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì một tỷ lệ đầu tư sản xuất (cả đầu tư công và đầu tư tư nhân) và tốc độ tăng trưởng nhanh của xuất khẩu mặt hàng chế biến chế tạo là động lực chính cho tăng năng suất lao động (và thu nhập) bền vững. Những quốc gia thành công cũng là những quốc gia hỗ trợ mạnh mẽ cho nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt là ứng dụng và phổ biến công nghệ…

Vì vậy bên cạnh những chính sách kích thích kinh tế hậu Covid-19, vị chuyên gia của UNDP khuyến nghị Việt Nam cần có chính sách tốt hơn, khuyến khích R&D và cần có sự hỗ trợ của Chính phủ giúp khởi tạo kinh doanh dựa trên chuyển đổi công nghệ. Mục tiêu là giúp các doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng công nghệ, hỗ trợ thương mại hóa các công nghệ mới.

Theo đó, Việt Nam cần cải thiện năng lực công nghệ đáng kể trong lĩnh vực điện tử, thiết bị truyền dẫn, máy tính, phần mềm và thiết bị quang học. Chính phủ Việt Nam có thể giúp các doanh nghiệp bằng cách hỗ trợ hoạt động R&D, khuyến khích doanh nghiệp FDI sử dụng nguồn đầu vào ngay trong nước… Điều quan trọng nữa là phát triển kết cấu hạ tầng tập trung để giúp doanh nghiệp trong nước hưởng lợi từ sự tập trung này và chia sẻ thông tin giữa họ với doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, phát triển thị trường vốn trong nước để bơm vốn cho doanh nghiệp trong nước cũng là việc rất quan trọng.

TS.Jonathan Pincus tin rằng, Việt Nam vẫn là một đất nước có lợi thế thu hút FDI, là thị trường hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Ông dự báo tới đây Việt Nam sẽ dễ dàng tiếp cận vốn nước ngoài. Việc Ngân hàng Trung ương các nước đã bơm hàng nghìn USD thanh khoản vào các thị trường tài chính trong đại dịch Covid-19, chưa kể hàng nghìn tỷ được phát hành trong thời gian khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thanh khoản dư thừa sẽ chảy vào các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Nhưng dòng vốn ngoại cũng mang nhiều hạn chế. Việc phụ thuộc quá nhiều vào dòng vốn nước ngoài làm chậm sự phát triển của thị trường vốn trong nước và việc tiếp tục dễ dàng tiếp cận vốn nước ngoài sẽ giảm sức ép cải cách và phát triển thị trường vốn trong nước. Mặc dù có lãi suất thấp song vay nợ nước ngoài lại có chi phí cao hơn vì có rủi ro lớn về tỷ giá. Chưa kể, với dòng vốn FDI vào Việt Nam ngày càng lớn, khi nhà đầu tư chuyển lợi nhuận ra nước ngoài cũng ảnh hưởng đến cán cân thanh toán. Vay nợ nước ngoài và FDI tạo ra các khoản nợ ngoại tệ có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ suy thoái…

Vì vậy, Việt Nam cần ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở pháp lý để phát triển thị trường vốn trong nước: cần quy định rõ ràng và đơn giản hóa khung pháp lý và quy định đối với ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp trong nước, bảo hiểm và cho thuê đồng thời các hạn chế vay nợ nước ngoài cần được duy trì hoặc tăng cường.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh