Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hài hòa trong thực hiện "mục tiêu kép"
Ngày nhập : 02/07/2021 13:26
Chiều 1/7 tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm
Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, tại phiên họp thường kỳ tháng 6, Chính phủ đã thảo luận các nội dung: Bối cảnh, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, những kết quả đạt được, những hạn chế, các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và dự báo tình hình, mục tiêu, phương hướng, quan điểm chỉ đạo, các nhiệm vụ, giải pháp trong 6 tháng cuối năm; các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn liên quan tới công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19; một số nội dung liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong thời gian qua.
Chính phủ thống nhất nhận định, trong 6 tháng qua, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh cơ hội, thuận lợi cũng lớn nhưng khó khăn, thử thách nhiều hơn. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là từ cuối tháng 4, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hầu hết các lĩnh vực.

(Ảnh minh họa)

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước, chúng ta đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đồng thời thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát; chiến lược tiêm chủng vaccine được chỉ đạo triển khai quyết liệt.
GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (1,82%); Lạm phát ở mức thấp, chỉ số CPI bình quân 6 tháng tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm vẫn thấp hơn 0,58 điểm phần trăm so với kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP (6,22%), tạo áp lực lớn cho các quý còn lại và 6 tháng cuối năm 2021.
Bên cạnh các cơ hội, thách thức và yếu tố tác động khách quan từ bên ngoài, thì trong nước, các khó khăn, thách thức, rủi ro còn nhiều, nhất là khi tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, đe dọa trực tiếp tới sản xuất công nghiệp ở các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng; mùa du lịch hè đã qua tháng 6 nhưng chưa khai thác được vì dịch nên sẽ tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ, trước mắt là trong quý III, chỉ số PMI ngành sản xuất tháng 6 giảm mạnh… Vì vậy, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 là rất thách thức, đòi hỏi vừa kiểm soát tốt dịch COVID-19 vừa bảo đảm sản xuất, kinh doanh, có giải pháp hỗ trợ nền kinh tế.

Chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng
Tuy nhiên, với các yếu tố tích cực và kết quả đã đạt được của 6 tháng đầu năm kể trên, trước mắt Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị giữ nguyên các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ở mức cao nhất. Theo đó kịch bản tăng trưởng kinh tế được xây dựng theo hướng tập trung kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ, duy trì sản xuất kinh doanh trong quý III/2021, tạo nền tảng để đẩy mạnh tăng trưởng trong quý IV/2021 do nhu cầu thường tăng cao vào thời điểm cuối năm.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 2 kịch bản tăng trưởng. Trong đó, kịch bản 1: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, quý III cần đạt mức tăng trưởng là 6,2% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,5 điểm phần trăm), quý IV tăng 6,5% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,2 điểm phần trăm). Kịch bản 2: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý III phải đạt mức tăng trưởng là 7% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,3 điểm phần trăm) và quý IV tăng 7,5% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,8 điểm phần trăm).
Thông tin thêm tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng theo Kịch bản 1 trong trường hợp dịch COVID-19 ở Việt Nam cơ bản được khống chế trong tháng 7/2021, không có các ổ dịch lớn tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế không bị giãn cách xã hội.
Trong khi đó, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng theo Kịch bản 2 trong trường hợp dịch COVID-19 cơ bản được khống chế trong tháng 6/2021, không có các ổ dịch tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố không bị giãn cách xã hội.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, tới thời điểm này, chúng ta vẫn chưa thay đổi mục tiêu đã đề ra, nhưng phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hài hòa giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó tùy diễn biến tình hình thực tế, có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phòng chống dịch; hoặc ưu tiên cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; hoặc phải cân bằng cả hai mục tiêu, nhiệm vụ này.
Trên cơ sở đánh giá sát và phân tích kỹ tình hình, Chính phủ khẳng định, nhất quán quan điểm là phải kiên định mục tiêu, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện hài hòa, thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trên tinh thần này, Chính phủ yêu cầu từng thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương bám sát các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, quyết liệt hành động, không để công việc trì trệ; đổi mới tư duy, phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng bám sát thực tiễn, nhận diện đúng tình hình để đưa ra quyết sách kịp thời, chính xác, đạt hiệu quả cao nhất.
Cụ thể, cần tập trung cao độ, dành mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa ưu tiên phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội; chỉ thực hiện giãn cách, phong tỏa khi thật sự cần thiết và trong phạm vi phù hợp. Xây dựng và triển khai chiến lược vaccine theo hướng mua vaccine nhanh nhất, nhiều nhất có thể: tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí; thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước nhanh nhất, sớm nhất và triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine, bảo đảm an toàn, hiệu quả, sớm đạt được miễn dịch cộng đồng.
Theo dõi sát tình hình, phân tích, dự báo và cập nhật kịch bản tăng trưởng. Điều hành linh hoạt, hiệu quả các chính sách tiền tệ, tài khóa để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, tiết giảm tối đa chi thường xuyên; theo dõi sát diễn biển giá cả trong nước và quốc tế, nhất là biến động giá của các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu, kịp thời đề xuất điều chỉnh các chính sách để hỗ trợ bình ổn giá cả, nhất là chính sách thuế xuất, nhập khẩu. Chú trọng đạ dạng hoá thị trường xuất khẩu, tích cực tìm kiếm thị trường mới; khai thác hiệu quả cơ hội từ các FTA. Bảo đảm mục tiêu cán cân thương mại hải hòa, bền vững. Tăng cường phòng chống gian lận xuất xứ; có biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp. Theo dõi sát tình hình xuất khẩu nông sản, kịp thời tháo gỡ khó khăn, ách tắc, bảo đảm thông quan thuận lợi, an toàn.

                                                                                              Nguồn: Thời báo Ngân hàng

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh