Để nền kinh tế bật lên sau đại dịch
Ngày nhập : 22/04/2021 13:48
 
Đã đến lúc cần chuẩn bị cho nền kinh tế bật tăng mạnh mẽ hơn trong năm 2021. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – ông Trần Quốc Phương nhấn mạnh như vậy khi trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng.

Cùng với sự nỗ lực của cả nước, tăng trưởng kinh tế quý I khá tích cực khi đạt 4,48%, nhưng vẫn thấp hơn kế hoạch mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01 và quý I của những năm trước đó.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường, đại dịch Covid-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới, vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng tới các ngành dịch vụ du lịch, vận tải, lưu trú, ăn uống... việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm nay là một thách thức.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5% tại Nghị quyết 01/NQ-CP, nhiệm vụ đặt ra là khá nặng nề, tăng trưởng các quý sau phải cao hơn kịch bản đã đề ra: quý II/2021 GDP cần tăng 7,19%; quý III cần tăng 6,78% và quý IV cần tăng 7,16%. Đây là nhiệm vụ khó khăn và thách thức, đòi hỏi không chỉ là hệ thống các giải pháp đồng bộ, mà còn cả sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp và xã hội, phát huy tối đa hiệu quả các bài học kinh nghiệm quý chúng ta đã có được trong năm 2020 vừa qua.

Trước hết, tăng trưởng kinh tế quý I tích cực nhưng vẫn chưa đạt được tốc độ tăng cùng kỳ của các năm ở thời điểm trước dịch và mục tiêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP. Một số ngành, lĩnh vực tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, đặc biệt là các ngành dịch vụ lưu trú, du lịch, vận tải, hàng không…

Lúc này không chỉ lo để nền kinh tế phục hồi, đạt mục tiêu tăng trưởng mà còn phải chuẩn bị để nền kinh tế bật tăng trưởng mạnh trở lại sau đại dịch. Trước hết là vẫn phải kiểm soát tốt dịch bệnh, tuyệt đối không chủ quan đồng thời tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu kép.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có thể tiếp tục chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt và chủ động, mở rộng ở mức hợp lý. Bên cạnh đó cần tập trung theo dõi các thị trường tiềm ẩn nhiểu rủi ro, giám sát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản, chứng khoán và BOT giao thông…

Tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng của các ngành và các lĩnh vực quyết tâm thực hiện thành công kịch bản tăng trưởng đã đề ra. Thúc đẩy phân bổ ngân sách và giải ngân đầu tư công để tạo động lực cho tăng trưởng. Bên cạnh đó là đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp và thu hút FDI có chọn lọc và đa dạng hóa thị trường xuất – nhập khẩu đồng thời chú trọng phát triển thị trường trong nước và nghiên cứu đưa ra các chính sách kích cầu trong nước, kích thích tiêu dùng sản phẩm sản xuất trong nước...

Triển khai nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, NHNN... nghiên cứu, tổng kết, đánh giá các giải pháp hỗ trợ năm 2020 và đề xuất giải pháp tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế cùng với cách thức triển khai thực hiện trong lĩnh vực mình phụ trách để từ đó xây dựng chính sách tổng thể chung.

Đáng chú ý là tình hình kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản ổn định, trong đó, lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định, CPI bình quân quý I chỉ tăng 0,29% so với cùng kỳ năm 2020, thấp nhất trong 20 năm qua, lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp, thu ngân sách khả quan. Đây là điều kiện thuận lợi và là dư địa để thực hiện các chính sách tài khóa hợp lý, thực hiện ngay các chính sách hỗ trợ bổ sung cho các ngành, lĩnh vực đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Về định hướng chung, chính sách hỗ trợ sẽ được xây dựng trên cơ sở làm rõ các vấn đề: Yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế, có cần hỗ trợ không và hỗ trợ đối tượng nào, triển khai thực hiện ra sao. Trước hết, cần đánh giá hiệu của các giải pháp đã thực hiện trong năm 2020. Về chính sách hỗ trợ thông qua chính sách tiền tệ, các giải pháp giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ của hệ thống ngân hàng được đánh giá là rất hiệu quả, có tác dụng tạo dòng tiền cho doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục hồi tốt trong những tháng cuối năm 2020. Tuy nhiên, về phía cầu, cũng phải đánh giá nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Mặc dù nguồn vốn hỗ trợ đã dễ tiếp cận hơn nhưng doanh nghiệp có vay hay không còn phải dựa vào thị trường đầu ra để tính toán việc vay nợ ở mức hợp lý, an toàn.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh