Doanh Nghiệp phục hồi mạnh mẽ
Ngày nhập : 02/08/2022 15:51
Theo báo cáo tài chính, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh đều có lợi nhuận cao, ngoại trừ một số đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng từ yếu tố chu kỳ của giá...
 

Hoạt động sản xuất kinh doanh đang trên đà phục hồi mạnh mẽ sau khi dịch bệnh Covid-19 trong nước cơ bản được kiểm soát, đất nước chuyển sang giai đoạn "thích ứng linh hoạt, an toàn". Theo thông tin công bố của 590 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán (tính đến ngày 26/7), tổng doanh thu và lợi nhuận tăng lần lượt 25,3% và 17,9% so với cùng kỳ năm 2021. Con số này cho thấy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đang phục hồi mạnh mẽ.
 
Theo báo cáo tài chính, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh đều có lợi nhuận cao, ngoại trừ một số đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng từ yếu tố chu kỳ của giá. Một số doanh nghiệp kết quả kinh doanh không khả quan do dựa vào đất đai, đầu tư tài chính, điều này đã được dự báo trước do thị trường chung sụt giảm nên lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp không thể tăng trưởng.

Đánh giá triển vọng kinh doanh quý III và những tháng cuối năm 2022, Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng lạc quan khi nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Đặc biệt, lĩnh vực hoạt động sản xuất đang mở rộng, nhiều ngành dịch vụ khởi sắc trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát và hoạt động đầu tư tư nhân tích cực hơn. Ngành dịch vụ sẽ phục hồi dẫn đầu là du lịch, hàng không; tiếp đến ngân hàng, bảo hiểm và doanh nghiệp với lượng “tiền mặt” lớn có thể được hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng; Một số ngành sữa thực phẩm có thể hưởng lợi từ giá nguyên liệu sẽ đạt đỉnh vào cuối năm…

Tuy vậy, các chuyên gia vẫn khuyến nghị các nhà đầu tư cần cẩn trọng với các yếu tố tác động từ bên ngoài như Fed vẫn chưa ngừng tăng lãi suất nếu lạm phát của Mỹ chưa giảm về ngưỡng 2% như kỳ vọng của họ. Khi lãi suất đồng USD tăng lên sẽ tạo áp lực lên tỷ giá hối đoái của các đồng tiền chủ chốt trên thị trường quốc tế và những nền kinh tế có độ mở rộng như Việt Nam.

Bên cạnh đó là áp lực lạm phát cũng có xu hướng gia tăng. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2022 tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,59% so với tháng 12/2021 và tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng chỉ tăng 1,44%, thấp hơn mức CPI bình quân chung, cho thấy biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng rủi ro tăng giá gián tiếp từ giá xăng dầu vào các lĩnh vực vận tải, logistics… cần phải tính đúng, tính đủ, từ đó các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp mới có kế hoạch phòng ngừa rủi ro trong những tháng cuối năm 2022.

(Nguồn: Thời báo ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh