Kinh tế Việt Nam quý II và triển vọng cả năm 2021
Ngày nhập : 21/06/2021 13:26
 
Do sự bùng phát của Covid-19, nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ, vì vậy tăng trưởng trong quý II dự kiến sẽ khó duy trì được ở mức cao như kỳ vọng. Mặc dù vậy, các chỉ số vĩ mô trong tháng 4 và tháng 5 vẫn thể hiện những dấu hiệu tích cực nhất định.

Kinh tế Việt Nam trong quý II/2021

Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 4 và tháng 5 tăng tương ứng 24,1% và 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó đáng chú ý lĩnh vực chế biến chế tạo dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng lên tới 29,1% trong tháng 4 và 14,6% trong tháng 5. Ngành sản xuất và cung cấp điện cũng vươn lên với tốc độ tăng trưởng khá cao 16,4% và 12%. Nhóm ngành khai khoáng ngày càng có đóng góp giảm sút trong giá trị sản xuất công nghiệp, tháng 4 chỉ tăng 1,8% còn tháng 5 giảm 919.8%.

Tính chung cho giai đoạn 5 tháng đầu năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6% đóng góp 10,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,3%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm -7%, làm giảm -1,1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Xét cả tăng trưởng kinh tế quý I và hoạt động lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2021, có thể nhận thấy nền kinh tế đang có sự phục hồi tương đối tốt. Tuy nhiên, việc dịch bệnh bùng phát trở lại vào tháng 5 năm 2021 có thể ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả tăng trưởng kinh tế trong tháng 6 do sự đình trệ hoạt động tại một số khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang, cũng như tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Về thương mại

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 4 và tháng 5 đều đạt khoảng 26 tỷ USD, tăng trên 30% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 131 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 33,06 tỷ USD, tăng 16,6%, chiếm 25,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 97,88 tỷ USD, tăng 36,3%, chiếm 74,8%. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu cũng có sự tăng trưởng khá trong tháng 4 và tháng 5, đạt lần lượt 27,78 và 28 tỷ USD, tăng trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng hợp cho cả 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 45,8 tỷ USD, tăng 30,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 85,51 tỷ USD, tăng 39,9%. Như vậy, mặc dù khu vực có vốn ĐTNN tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, tuy nhiên khu vực trong nước cũng đã có sự khởi sắc nhất định trong hoạt động xuất nhập khẩu của nền kinh tế.

Xét theo đối tác thương mại, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 37,6 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2021, chiếm tỷ trọng 28,7%, xếp thứ hai là Trung Quốc đạt 20,1 tỷ USD chiếm 15,2%. Tuy nhiên, về phía nhập khẩu, Trung Quốc là đối tác lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 43,3 tỷ USD, chiếm 33% tổng giá trị nhập khẩu, tiếp theo là Hàn Quốc đạt 20,9 tỷ USD, chiếm 16%; ASEAN đạt 18,1 tỷ USD, tương đương 18,1%.

Theo Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 4 nhập siêu 1,5 tỷ USD còn tháng 5 ước tính nhập siêu 2 tỷ USD. Tính tổng hợp 5 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại dự kiến nhập siêu 369 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,74 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,37 tỷ USD.

Như vậy, tăng trưởng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu ở mức cao phần nào cho thấy nền kinh tế thế giới và trong nước đang phục hồi mạnh mẽ, chuỗi cung ứng sản xuất đang được kết nối lại.

Về đầu tư

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 133,4 nghìn tỷ đồng, bằng 28,7% kế hoạch năm và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2020, gồm có: Vốn Trung ương quản lý đạt 20,9 nghìn tỷ đồng, bằng 27,1% kế hoạch năm; vốn địa phương quản lý đạt 112,5 nghìn tỷ đồng, bằng 29% kế hoạch năm và tăng 13%.

Trong 5 tháng đầu năm, dòng vốn FDI vào Việt Nam đạt 14 tỷ USD, trong đó có 613 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 8,83 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2020, mặc dù giảm 49,4% về số dự án nhưng giá trị vốn đăng ký lại cao hơn 18,6%, cho thấy giá trị quy mô vốn trung bình của các dự án đã tăng lên đáng kể. Ngược lại, dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt 546,7 triệu USD, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó có 21 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn là 143,5 triệu USD, đồng thời có 9 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt 403,2 triệu USD.

Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu suy giảm mạnh tại hầu hết các quốc gia và khu vực, tình hình dòng vốn FDI vào vẫn được duy trì ở mức khá cao cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn là một điểm sáng về thu hút dòng vốn nước ngoài.

Về tình hình doanh nghiệp

Trong tháng 4, cả nước có gần 14,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 179,9 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 94,6 nghìn người; giá trị vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 13 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cũng trong tháng 4 có 4.598 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 5.608 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 1.541 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Như vậy, trong tháng 4 có tới gần 12 nghìn doanh nghiệp chính thức ngừng hoạt động.

Bước sang tháng 5, số liệu thống kê cho thấy có 11,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 150,6 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 72,2 nghìn người. So với cùng kỳ năm 2020, số doanh nghiệp tăng 8,1%; số vốn đăng ký tăng 33,6%; số lao động đăng ký giảm 21,1%. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động trong tháng bao gồm 3.400 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 4.234 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 1.279 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể; tổng cộng gần 9 nghìn doanh nghiệp…

Về tình hình lạm phát, tiền tệ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 tăng 0,16% so với tháng trước và tăng 2,9% so với tháng 5/2020. Tính chung CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2021 tăng 1,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. Sự nhích lên của CPI khiến cho lạm phát cơ bản tháng 5 tăng 0,15% so với tháng 4 và tăng 1,13% so với cùng kỳ năm trước; tính tổng thể, chỉ số lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020. Những nguyên nhân chủ chốt khiến CPI và lạm phát tăng lên là do giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp, làm cho giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng; giá xăng dầu tăng theo giá thế giới; về phía người tiêu dùng thì giá điện, nước sinh hoạt tăng lên theo nhu cầu của xã hội.

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 5/2021 tăng 1,68% so với tháng trước; giảm 0,88% so với tháng 12/2020 và tăng 13,02% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5/2021 giảm 0,21% so với tháng trước; giảm 0,02% so với tháng 12/2020 và giảm 1,15% so với cùng kỳ năm trước…

(Nguồn: Nhà đầu tư)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh