Nền kinh tế bắt đầu khởi sắc
Ngày nhập : 01/06/2020 12:01
 
Ngay sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, cả nước bước sang giai đoạn vừa phòng, chống dịch bệnh vừa khôi phục và phát triển kinh tế, tình hình kinh tế tháng 5/2020 đã có nhiều khởi sắc. Số liệu kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm 2020 vừa được Tổng cục Thống kê công bố đã cho thấy, động lực chủ yếu của tăng trưởng trong tháng vừa qua đến từ chính thị trường trong nước, trong khi đó các yếu tố bên ngoài vẫn chưa thể phục hồi và mang lại tác động tích cực.

Thị trường trong nước phục hồi rõ nét

Tín hiệu phục hồi rõ nét nhất chính là hoạt động sản xuất công nghiệp đã có chuyển biến tích cực khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2020 đạt mức tăng 11,2% so với tháng trước, mặc dù vẫn giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Tháng 5 là tháng đầu tiên cuộc sống trở lại bình thường sau giãn cách xã hội, cùng với kỳ nghỉ Lễ 30/4-1/5 nên hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân có dấu hiệu tăng trở lại. Hoạt động thương mại, dịch vụ tháng 5 tăng mạnh 26,9% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,9%; tuy nhiên mức giảm đang dần thu hẹp lại so với mức của 3 tháng là 4,7% và 4 tháng là 4,3%.

Sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, cùng với tác động tích cực từ những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, bức tranh phát triển DN khởi sắc hẳn lên. Theo đó, trong tháng 5 cả nước có 10.700 DN đăng ký thành lập mới, tăng 36,1% so với tháng 4/2020. Bên cạnh đó, có 5.056 DN quay trở lại hoạt động, tăng 32,7% so với tháng trước và tăng 105,4% so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có 48.300 DN đăng ký thành lập mới, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong 5 tháng đạt 11,5 tỷ đồng, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên số DN quay trở lại hoạt động tăng 10,5%; số DN tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 14,5% và số DN hoàn tất thủ tục giải thể giảm 4,8%.

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 trên cả nước đã được kiểm soát tốt, hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cơ bản trở lại trạng thái bình thường. Các dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tính chung 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 116.300 tỷ đồng, bằng 24,9% kế hoạch năm và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 chỉ tăng 4,2%).

Trái ngược với sự khởi sắc của thị trường trong nước, thị trường quốc tế chưa có nhiều cải thiện tích cực, đã ảnh hưởng khá nhiều tới sự phục hồi của kinh tế Việt Nam trong 5 tháng đầu năm. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, thương mại hàng hoá lần đầu tiên đã quay đầu giảm (trừ tháng có ngày nghỉ Tết Nguyên đán), cho thấy dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại các thị trường là đối tác thương mại chính của nước ta, gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm ước tính đạt 196,8 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 1,7%; nhập khẩu giảm 3,8%. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng ước tính vẫn có mức xuất siêu 1,9 tỷ USD; tuy nhiên xuất siêu cũng đang thu hẹp sau khi đạt 3 tỷ USD sau 4 tháng.

Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư nước ngoài cũng tiếp tục chững lại, với tổng vốn đầu tư nước ngoài tính đến ngày 20/5/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần đạt 13,9 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 5 tháng cũng giảm 8,2%.

Dịch bệnh cũng khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm mạnh,  trong tháng 5 chỉ đạt 22.700 lượt người, mức thấp nhất trong nhiều năm qua, giảm 13,6% so với tháng trước và giảm 98,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,7 triệu lượt người, giảm 48,8% so với cùng kỳ năm trước.

Các động cơ chính vẫn hoạt động dưới công suất

Nhìn chung, mặc dù nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc, song vẫn hết sức khó khăn. Bởi tính chung 5 tháng, các động cơ chính của toàn nền kinh tế vẫn đang hoạt động dưới công suất. Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng chỉ tăng 1%, là mức tăng thấp nhất nhiều năm qua; thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo chỉ tăng 2,2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,9%), đóng góp 2 điểm % vào mức tăng chung. Các ngành khác tuy duy trì được mức tăng trưởng nhẹ, như sản xuất và phân phối điện đóng góp 0,2 điểm %, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đóng góp 0,1 điểm %; nhưng ngành khai khoáng lại giảm 8,1%, làm giảm 1,3 điểm % trong mức tăng chung.

Bên cạnh đó, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 5/2020 vẫn đối diện nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến trồng trọt và nuôi trồng thủy sản; dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát nhưng tốc độ tái đàn chậm; dịch Covid-19 đã được cơ bản khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt là những nước có quan hệ thương mại lớn với nước ta gây ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất và xuất, nhập khẩu nông sản. Sản xuất lâm nghiệp và thủy sản trong tháng có dấu hiệu phục hồi nhưng còn chậm.

Đáng mừng là kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì ổn định, lạm phát giảm tốc mạnh. Tổng cục Thống kê đánh giá, sự chủ động điều hành giá xăng dầu của Liên Bộ Công thương - Tài chính; NHNN Việt Nam giảm lãi suất điều hành và thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước, đồng thời giảm 1,24% so với tháng 12 năm trước - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước vẫn ở mức cao nhất trong 3 năm gần đây (tăng 4,39%). Điều đó cho thấy lạm phát vẫn tiềm ẩn yếu tố khó lường và chưa thể “phóng tay” trong công tác điều hành để kích thích tăng trưởng trong các tháng còn lại của năm 2020…

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh