Nông nghiệp xuất siêu gần 4 tỷ USD trong 4 tháng
Ngày nhập : 04/05/2022 15:52
Xuất khẩu nông lâm thủy sản trong tháng 4/2022 đem về 4,8 tỷ USD, tăng 11,2% so với tháng 4/2021, giảm 2,6% so với tháng 3/2022. Giá trị xuất khẩu phân bón khoảng 439 triệu USD, tăng 2,9 lần so với cùng kỳ...
 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản 4 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 31,8 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 17,9 tỷ USD, tăng 15,6%; nhập khẩu 13,9 tỷ USD, giảm 2,3%. Đến thời điểm này, toàn ngành nông nghiệp xuất siêu gần 4 tỷ USD, cao gấp 3,2 lần so với 4 thàng đầu năm trước.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, ngành nông nghiệp đã có 5 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị kim ngạch đạt trên 1 tỷ USD (cà phê, gạo, nhóm rau quả, tôm, sản phẩm gỗ).

Một số mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, như: Cà phê, cao su, hồ tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn, cá tra, tôm, gỗ và các sản phẩm gỗ.

Cụ thể: Giá trị xuất khẩu cà phê đạt gần 1,7 tỷ USD (tăng 59,4%); cao su đạt khoảng 869 triệu USD (tăng 10,9%); hồ tiêu khoảng 367 triệu USD (tăng 29,6%); sắn và sản phẩm sắn đạt 574 triệu USD (tăng 29,5%), cá tra đạt 894 triệu USD (tăng 89,6%), tôm đạt trên 1,3 tỷ USD (tăng 38,6%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 5,5 tỷ USD (tăng 4,5%); mây, tre, cói thảm đạt 339 triệu USD (tăng 22,7%).

Những mặt hàng giảm về giá trị xuất khẩu gồm: Chè đạt 51 triệu USD (giảm 13,2%), nhóm hàng rau quả đạt khoảng 1,2 tỷ USD (giảm 14,6%), hạt điều ước đạt 889 triệu USD (giảm 6,7%).

4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 7,4 tỷ USD, tăng 10,5%; xuất khẩu lâm sản chính đạt gần 5,9 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu thủy sản 4 tháng ước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 43,7%; chăn nuôi ước đạt 105,4 triệu USD, giảm 19,0% so với 4 tháng đầu năm 2021.

Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp đạt khoảng 883 triệu USD, tăng 70,7%; nhất là phân bón giá trị xuất khẩu khoảng 439 triệu USD, tăng 2,9 lần so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường, ước giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 4 tháng đầu năm của Việt Nam tới khu vực châu Á chiếm 41,0% thị phần; châu Mỹ  chiếm 29,7%;  châu Âu chiếm 12,8%;  châu Phi chiếm 1,8% và châu Đại Dương chiếm 1,7%.

Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ đạt gần 4,9 tỷ USD (chiếm 27,3% thị phần), trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 68,2% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam tại thị trường này.

Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với trên 3,2 tỷ USD (chiếm 18,1% thị phần) với kim ngạch xuất khẩu nhóm cao su chiếm 22,4% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Ở vị trí thứ 3 là thị trường Nhật Bản, với giá trị kim ngạch đạt gần 1,3 tỷ USD (chiếm 7,1%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất (chiếm 44,0% giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường này).

Chiếm giữ vị trí thứ 4 là Hàn Quốc, với 822 triệu USD (chiếm 4,6%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất (chiếm 43,9% giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản vào Hàn Quốc.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp ước gần 13,9 tỷ USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt gần 8,8 tỷ USD, giảm 2,9%; nhóm hàng thủy sản ước khoảng 564,3 triệu USD, tăng 13,0%; nhóm lâm sản chính khoảng 988,2 triệu USD, giảm 3,6%; nhóm sản phẩm chăn nuôi khoảng 979,8 triệu USD, giảm 14,9%; nhóm đầu vào sản xuất ước gần 2,4 tỷ USD, tăng 4,0% (riêng giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu gần 1,5 tỷ USD (giảm11,9%), phân bón khoảng 625,4 triệu USD (+73,3%).

Về thị trường nhập khẩu, Campuchia lại trở thành thị trường cung ứng nông sản sang Việt Nam nhiều nhất đạt 1,6 tỷ USD, chiếm 11,4% thị phần. Trong đó mặt hạt điều chiếm 50,8% giá trị kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản từ Campuchia.

Tiếp theo là Hoa Kỳ và Braxin đều đạt khoảng 1,1 triệu USD, chiếm 8,1% (mặt hàng bông chiếm khoảng 34,4% giá trị hàng từ Hoa Kỳ và 30,9% từ Braxin).

Trong tháng 4, Cục Bảo vệ thực vật đã kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu trên 47,4 nghìn lô hàng (nhập khẩu 23,5 nghìn lô, xuất khẩu trên 23,9 nghìn lô) với trọng lượng gần 7,8 triệu tấn; kiểm tra an toàn thực phẩm hàng thực vật nhập khẩu khoảng 13.98 nghìn lô, trọng lượng là 1,78 triệu tấn.

Cùng với đó, đã kiểm tra 862 lô phân bón nhập khẩu; chủ yếu từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Hàn Quốc, Hồng Kông, Mỹ, Thái Lan, Pháp,... 331 lô thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm chủ yếu từ các nước Trung Quốc, Đức, Singapore, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc,…

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong tháng 4/2022, cơ quan này đã xây dựng kế hoạch khảo sát tình hình tiêu thụ, phát triển thị trường nông sản tại các địa phương, các cửa khẩu biên giới, đồng thời cũng đã làm việc với Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và đầu tư) về Sổ tay hướng dẫn Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa lĩnh vực nông nghiệp.

Trong tháng 4, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã tiếp tục hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện quy định Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Cùng với đó, Cục cũng đã tổng hợp được 78 thông báo dự thảo quy định về SPS; đã xử lý 11 cảnh báo của EU.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản.

Ngoài ra, tập trung đàm phán, hoàn thiện các thủ tục (đánh giá rủi ro, kiểm tra...) để thúc đẩy xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc, bưởi, chanh ta sang Newzealand; lông vũ, yến và sản phẩm từ yến, sữa và sản phẩm từ sữa sang Trung Quốc; xuất khẩu mật ong sang EU; khảo sát vùng trồng bưởi, nhà máy chiếu xạ để thống nhất kế hoạch xuất khẩu bưởi với Hoa Kỳ.

Đề cập nhiệm vụ hợp tác quốc tế và phát triển thị trường đề ra cho tháng 5, ông Nguyễn Quốc Toản cho hay, tới đây sẽ triển khai cập nhật hệ thống phần mềm dữ liệu cung cầu nông sản từ địa phương; tổ chức khóa đào tạo tập huấn về “Chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc trong sản xuất, chế biến nông sản” – bước đầu của Quy trình số hóa 3 bước cho nông sản Việt.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng sẽ chuẩn bị nội dung làm việc song phương với Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc. Cùng với đó, xây dựng Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đi EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5/2022 là chuẩn bị các nội dung kỹ thuật. Các vấn đề vướng mắc kỹ thuật cho cuộc họp Ủy ban SPS Hiệp định CPTPP, để đề xuất mở cửa thị trường sản phẩm nông sản đối với các nước tham gia Hiệp định CPTPP.

(Nguồn: vneconomy.vn)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh