Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và định hướng cho giai đoạn tới
Ngày nhập : 22/02/2021 10:31
Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (26/1/2021-1/2/2021) đã phát huy trí tuệ, tập trung thảo luận và nhất trí thông qua các văn kiện quan trọng. Kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011- 2025 cũng được Đại hội đánh giá, kiểm điểm, chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu.
 

Trên cơ sở đó, Đại hội đã nhất trí thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, trong đó xác định tầm nhìn và định hướng phát triển cụ thể, cũng như đề ra những giải pháp trọng tâm để Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội, sớm thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Một số thành tựu nổi bật trong thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020

Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn 2011-2020 cho thấy, bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, diễn biến phức tạp hơn so với dự báo. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, năm cuối của thời kỳ Chiến lược, đại dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng nặng nề và lan rộng trên khắp toàn cầu, dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng chưa từng có trong nhiều thập kỷ. Cùng với đó, thiên tai, lũ lụt trên diện rộng đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đồng bộ, kịp thời, hiệu quả trên các lĩnh vực với quyết tâm đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 cho thấy, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực lớn và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, góp phần củng cố niềm tin và tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, cụ thể :

(i) Kinh tế vĩ mô (KTVM) ổn định vững chắc hơn; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; tăng trưởng kinh tế đạt khá gắn với chất lượng tăng trưởng; các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện : Giai đoạn 2011-2020, tăng trưởng GDP dự kiến đạt khoảng 5,9%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Quy mô GDP tăng gấp 2,4 lần, từ 116 tỷ USD năm 2010 lên 268,4 tỷ USD vào năm 2020. GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên khoảng 2.750 USD năm 2020.

Tăng trưởng kinh tế giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, mở rộng tín dụng; từng bước dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 45,2% giai đoạn 2016-2020, tính chung 10 năm (2011-2020) đạt 39%, vượt mục tiêu Chiến lược đề ra (35%). Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011-2015 là 4,3%/năm, giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm…

Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân giảm từ 18,6% năm 2011 xuống mức khoảng 4%/năm giai đoạn 2016-2020. Lạm phát cơ bản giảm từ 13,6% năm 2011 xuống khoảng 2,3% năm 2020. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định; bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung cho lĩnh vực sản xuất, nhất là các ngành ưu tiên.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá tăng 3,6 lần, từ 157,1 tỷ USD năm 2010 lên gần 544 tỷ USD năm 2020. Xuất khẩu tăng nhanh, từ 72,2 tỷ USD năm 2010 lên gần 282 tỷ USD năm 2020, tăng bình quân khoảng 14%/năm, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Cán cân thương mại được cải thiện và có thặng dư vào những năm cuối kỳ Chiến lược. Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư; dự trữ ngoại hối tăng, từ 12,4 tỷ USD năm 2010 lên 28 tỷ USD năm 2015 và đạt gần 100 tỷ USD năm 2020.

Kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách nhà nước (NSNN) được tăng cường. Cơ cấu thu, chi NSNN chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển và giảm tỷ trọng chi thường xuyên. Tính chung 5 năm giai đoạn 2016-2020, bội chi NSNN bình quân khoảng 3,6% GDP, đảm bảo mục tiêu không quá 3,9% GDP theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 của Quốc hội. Các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm, góp phần củng cố vững chắc nền tảng KTVM. Tỷ lệ tiết kiệm so với GDP giai đoạn 2011-2020 bình quân đạt khoảng 29%.

Huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển được đẩy mạnh, đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh và chất lượng, hiệu quả được cải thiện. Vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2011-2020 đạt gần 15 triệu tỷ đồng (tương đương 682 tỷ USD), tăng bình quân 10,6%/năm, trong đó vốn NSNN và trái phiếu chính phủ là 3,1 triệu tỷ đồng (144 tỷ USD), chiếm 20,8% tổng đầu tư xã hội...

Vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước trong nước chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng đầu tư xã hội, tăng từ 36,1% năm 2010 lên 45,7% năm 2020. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh; đã thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao. Tổng số vốn đăng ký giai đoạn 2011-2020 đạt trên 278 tỷ USD; vốn thực hiện đạt 152,3 tỷ USD, tăng gần 6,9%/năm, chiếm 22,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội…

(ii) Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực : Các trọng tâm cơ cấu lại về đầu tư, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được tập trung thực hiện và đạt kết quả tích cực. Tỷ trọng vốn đầu tư nhà nước trong tổng đầu tư giảm từ 38,1% năm 2010 xuống 30,9% năm 2020. Kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công được tăng cường, góp phần chống thất thoát, lãng phí nguồn lực tài chính quốc gia.

Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn, bảo đảm ổn định, an toàn hệ thống. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 17,2% năm 2012 xuống dưới 3% đến cuối năm 2020... Cơ cấu thị trường tài chính có sự điều chỉnh theo hướng tích cực. Quy mô thị trường chứng khoán tăng mạnh từ 19,3% GDP năm 2011 lên 72,6% GDP năm 2019, năm 2020 đạt khoảng 85% GDP.

Cơ cấu lại DNNN được đẩy mạnh, thực chất hơn. Số lượng DNNN được thu gọn, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt. Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng; xuất hiện nhiều mô hình mới, hiệu quả. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước trong nước đạt tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 43% GDP, thu hút khoảng 85% lao động đang làm việc của nền kinh tế.

Cơ cấu kinh tế ngành và nội ngành chuyển biến tích cực. Tỷ trọng khu vực nông nghiệp trong GDP giảm từ 18,9% năm 2010 xuống còn 14,8% năm 2020. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và ứng dụng công nghệ cao trong các ngành, lĩnh vực ngày càng tăng; tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 65% năm 2011 lên 85% năm 2020. Một số ngành, lĩnh vực dịch vụ ứng dụng công nghệ cao được đẩy mạnh và từng bước hiện đại hóa như: công nghệ thông tin, truyền thông, thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, y tế, hàng không...

(iii) Các đột phá chiến lược được tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả, đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH : Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi. Phát triển nguồn nhân lực được đẩy mạnh, nhất là nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu thị trường; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 40% năm 2010 lên khoảng 64,5% năm 2020. Khoa học - công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam không ngừng được cải thiện, năm 2020 ở vị trí 42/131 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng đầu nhóm 29 quốc gia/nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp. Năng lực hệ thống kết cấu hạ tầng về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, viễn thông, thủy lợi, đô thị, thương mại... được nâng lên đáng kể.

(iv) Phát triển kinh tế vùng, kinh tế biển, đô thị, xây dựng nông thôn mới đã có bước chuyển biến nhất định, khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng vùng, khu vực.

Các vùng kinh tế trọng điểm, đô thị lớn tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu trong phát triển KT-XH, thu hút nhiều vốn đầu tư và đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu NSNN... Tiềm năng, lợi thế của biển được phát huy, nhiều địa phương có biển phát triển năng động. Hệ thống đô thị tăng nhanh về số lượng, mở rộng về quy mô, dần hình thành mạng lưới đô thị, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế; tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% năm 2020, vượt chỉ tiêu đề ra. Xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng; chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm so với mục tiêu đề ra; dự kiến đến hết năm 2020 có khoảng 63% xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt xa mục tiêu đề ra (50%).

(v) Phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đạt kết quả tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.

Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, được đánh giá là điểm sáng trong lĩnh vực giảm nghèo, y tế, giáo dục và đang tiếp tục tích cực triển khai kế hoạch hành động quốc gia phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam liên tục được cải thiện, thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình cao của thế giới. Các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt nhiều thành tựu quan trọng. Các chính sách đối với người có công, bảo trợ xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững được thực hiện hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 3% vào năm 2020.

Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai ngày càng được chú trọng. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên. Các cấp, các ngành đã thực hiện tốt chủ trương, kết hợp chặt chẽ phát triển KT-XH với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Huy động tối đa nguồn lực thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030

Hiện nay, xu thế toàn cầu hoá gặp nhiều trở ngại, thách thức; cạnh tranh chiến lược giữa các nước, đối tác lớn trên toàn cầu và trong khu vực ngày càng gay gắt; sự điều chỉnh chính sách, quan hệ đối ngoại của các nước lớn trong khu vực và trên thế giới diễn biến khó lường. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Trong khi, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) diễn biến nhanh, tác động sâu rộng, đa chiều trên phạm vi toàn cầu.

Ở trong nước, sau gần 35 năm đổi mới, Việt Nam tuy đã đạt được những thành tựu to lớn, song nền kinh tế vẫn tồn tại hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ tụt hậu; khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài còn yếu; năng lực tiếp cận nền kinh tế số, xã hội số còn hạn chế. Đại dịch Covid-19 vẫn có nguy cơ quay lại tác động, mạnh mẽ đến tình hình KT-XH đất nước…

Trong bối cảnh mới đầy khó khăn, thách thức, ĐH Đảng đề ra Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2030 với các chỉ tiêu phấn đấu và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau :

Các chỉ tiêu chủ yếu

Về kinh tế : Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD/người. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP. Tỷ lệ đô thị hoá đạt trên 50%. Tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33-35% GDP; nợ công không quá 60% GDP. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng đạt 50%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt trên 6,5%/năm. Giảm tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GDP ở mức 1-1,5%/năm.

Về xã hội : Chỉ số phát triển con người đạt trên 0,7; Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khoẻ đạt tối thiểu 68 tuổi; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%; Lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp giảm xuống dưới 20% trong tổng lao động nền kinh tế.

Về môi trường : Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42-43%. Tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%; Giảm ít nhất 8% lượng phát thải khí nhà kính; 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường. Tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3-5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.

Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền, nhất là về phân bổ nguồn lực, NSNN và các lĩnh vực KT-XH trọng yếu khác để đáp ứng yêu cầu phát triển; nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành. Phấn đấu đến năm 2030 môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu thế giới.

Thứ hai, phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ, phát triển mạng lưới kết nối nhân tài người Việt Nam. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40%...

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khoẻ, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực…

Thứ tư, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả; phát triển nền kinh tế số; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định KTVM.

Thứ năm, phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế vùng, kinh tế biển, lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với đô thị hóa, thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Phấn đấu đến năm 2030 có 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40% đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới…

Thứ sáu, phát triển văn hoá, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Xây dựng môi trường văn hóa toàn diện ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp để văn hóa thực sự là động lực, tạo đột phá phát triển KT-XH, hội nhập quốc tế. Khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tự hào dân tộc, tính cộng đồng và khát vọng vươn lên của người dân Việt Nam. Phấn đấu sớm hoàn thành các mục tiêu theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững…

Thứ bảy, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển KT-XH với bảo vệ môi trường; thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống ô nhiễm môi trường. Phấn đấu đến năm 2030, cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ tám, củng cố, tăng cường quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quốc phòng, an ninh phù hợp với hội nhập quốc tế và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thứ chín, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ mười, tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính. Chú trọng làm tốt công tác thông tin truyền thông, dân vận, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân, góp phần tạo đồng thuận xã hội trong thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

(Lược trích Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030).

(Nguồn: Tạp chí Tài chính)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh