Thu hút vốn FDI sẽ khởi sắc
Ngày nhập : 11/03/2022 14:57
Loạt văn kiện hợp tác quan trọng trị giá hàng tỷ USD vừa được ký kết cùng các cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam...
 

Hơn 11 tỷ USD là số vốn mà các nhà đầu tư Singapore cam kết đầu tư vào Việt Nam nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào cuối tháng 2/2022.

Trong đó, riêng Tập đoàn Sovico cùng các đối tác liên quan đã có chuỗi thỏa thuận với tổng trị giá lên tới 5,2 tỷ USD.

Ngoài ra là các thỏa thuận hợp tác khác giữa T&T Group và Tập đoàn YCH về nghiên cứu cơ hội hợp tác đầu tư và triển khai dự án Logistics có quy mô trên 70 ha tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Và TH hợp tác với HAO Mart trong tiêu thụ và quảng bá các sản phẩm sữa tươi sạch và các mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi sạch, an toàn, hữu cơ của TH tại thị trường Singapore…

Theo ông Wee Ee Cheong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn UOB – doanh nghiệp Singapore đầu tiên nhận bằng khen hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhân chuyến của Chủ tịch nước lần này, Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.

“Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm nhiều hơn của nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, với việc là một trong những nước thụ hưởng chính của Hiệp định Thương mại Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), vốn đầu tư nước ngoài vào khu vực cũng như Việt Nam sẽ gia tăng mạnh mẽ”, ông Wee Eo Cheong nhận định.

CƠ HỘI TỪ MỞ CỬA

Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho thấy, tổng vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua của cổ phần tính đến 20/2/2022 của cả nước đạt gần 5 tỷ USD. Ngoài vốn đầu tư đăng ký mới giảm thì cả vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đều tăng mạnh so với cùng kỳ.

Cụ thể, có 183 dự án được cấp mới với tổng vốn đăng ký đạt gần 631,8 triệu USD, giảm 80,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đà giảm này đã được bù đắp bằng 142 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng gấp hơn 2,2 lần so với cùng kỳ.

Đáng kể đến là loạt 3 dự án FDI “khủng” điều chỉnh tăng vốn lên tới hàng tỷ USD. Đó là dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (Singapore) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD tại Thái Nguyên và Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Hồng Kông) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 306 triệu USD tại Bắc Ninh...

Hơn nữa, theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI đăng ký mới tuy giảm mạnh song số lượng dự án đầu tư mới lại tăng (45,2%). Điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào kết quả phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ, cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới.

Niềm tin này cũng được đại diện UOB nhắc tới. “Khi Việt Nam mở cửa lại biên giới và du lịch quốc tế bắt đầu trở lại, chúng tôi tin tưởng rằng các công ty sẽ có thể phục hồi sau đại dịch để nắm bắt các cơ hội mới trên thị trường”, ông Harry Loh, Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết.

Sự phục hồi của thị trường càng được thể hiện rõ ở con số góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại – một chỉ số bị tác động nặng nề bởi Covid-19 và các biện pháp giãn cách xã hội suốt 2 năm qua. Sau giai đoạn dài sụt giảm mạnh, tổng giá trị vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại đã bật tăng mạnh mẽ trở lại (41,17% so với cùng kỳ) với 769,6 triệu USD.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, việc đi đúng hướng trong phòng chống dịch và dưới tác động của các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA… đã giúp Việt Nam ghi nhận rất nhiều kết quả tích cực trong thu hút vốn FDI ngay từ đầu năm 2022.

“Cùng với kết quả tích cực trong thu hút FDI từ những tháng đầu năm, sự lạc quan và tin tưởng vào môi trường đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư FDI cho thấy mục tiêu thu hút 40 tỷ USD vốn FDI trong năm 2022 là hoàn toàn khả thi”, ông Nguyễn Văn Toàn dự báo.

MỤC TIÊU KHẢ THI

Không chỉ là nguồn vốn đã được cam kết, theo chia sẻ của nhiều nhà đầu nước ngoài, nguồn vốn mà họ dự định rót vào Việt Nam là khá lớn.

Theo chia sẻ của ông Tharabodee Serng Adichaiwit, Phó Chủ tịch Phòng thương mại Thái Lan tại Việt Nam (ThaiCham), các nhà đầu tư Thái có kế hoạch sẽ rót thêm vài tỷ USD vào Việt Nam trong thời gian tới.

Trong thời gian qua, những ngành tiềm năng đã và đang được nhà đầu tư Thái Lan quan tâm đầu tư bao gồm sản xuất, bán lẻ, năng lượng... Mặc dù trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát vừa qua có tới 90% doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam bị ảnh hưởng trong sản xuất song cho đến  hiện nay, các đơn vị đã hoạt động trở lại gấp đôi công suất.

Công ty Công nghệ phần mềm toàn cầu Bosch có kế hoạch mở chi nhánh trung tâm phần mềm mới tại Hà Nội trong tháng 2/2022, sau khi trung tâm tại TP.HCM đạt hơn 2.600 kỹ sư trình độ cao. Mục tiêu của Bosch là sẽ nâng đội ngũ kỹ sư phần mềm ở Việt Nam lên hơn gấp đôi vào năm 2025, đạt 6.000 người.

Hay như Nestlé đã công bố đầu tư thêm 132 triệu USD nhằm tăng gấp đôi công suất chế biến các dòng cà phê chất lượng cao tại nhà máy Nestlé Trị An (Đồng Nai). Khoản đầu tư này sẽ nâng tổng giá trị đầu tư của Nestlé Việt Nam lên gần 730 triệu USD.

Mới đây nhất, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng Giám đốc Tập đoàn Adidas Kasper Rorsted cũng đánh giá Việt Nam là địa bàn sản xuất quan trọng hàng đầu, điểm đến của các nhà đầu tư Đức và EU. Theo đó, Tập đoàn Adidas cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực tận dụng, cụ thể hóa các cơ hội phát triển tại Việt Nam trong thời gian tới.

Các chuyên gia kinh tế tin rằng trong năm 2022, việc thực thi Nghị quyết 128/NQ-CP sẽ càng nhuần nhuyễn hơn, giúp doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ, là tín hiệu tốt để các nhà đầu tư ngoại tin tưởng rót vốn đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt, nguồn vốn này sẽ tăng mạnh vào các tháng cuối năm khi tình hình dịch bệnh ngày càng ổn định hơn với tỷ lệ tiêm chủng ngày một gia tăng.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), triển vọng phục hồi kinh tế sau Covid-19 liên quan mật thiết tới đà phục hồi của cả mạng lưới sản xuất khu vực Châu Á. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng cần tận dụng tối đa các cơ hội khai thác được từ hiệp định thế hệ mới như RCEP cũng như chiến dịch đầu tư dài hạn. Vì vậy, cơ hội đón vốn đầu tư FDI của Việt Nam sẽ gia tăng.

“Để đón được cơ hội này, Việt Nam phải tạo được niềm tin của nhà đầu tư về cách thức quản lý trong điều kiện bình thường mới cũng như việc thực thi cam kết hội nhập. Bên cạnh đó là việc giải quyết những điểm nghẽn lâu nay về lao động, thủ tục hành chính và các mâu thuẫn pháp luật”, ông Dương nhận định.

                                                                                                           (Nguồn: VnEconomy)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh