Chính sách tiền tệ đã hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán
Ngày nhập : 16/01/2020 11:15
Để có sự ổn định và tăng trưởng, theo người đứng đầu ngành Chứng khoán, trong các năm qua, công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN là rất tốt, chính vì thế đã tạo điều kiện cho sự phát triển của thị trường vốn...
 
 
Mặc dù tình hình chính trị, kinh tế, tài chính quốc tế diễn biến phức tạp do chịu tác động bởi căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tăng trưởng kinh tế của các nước chủ chốt trên thế giới chậm lại, nhưng được hỗ trợ bởi sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong nước và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực của chính sách tiền tệ đã giúp thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn duy trì sự tăng trưởng trong năm 2019 và là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Các chỉ số vẫn tăng trưởng dù sóng gió

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tình hình kinh tế vĩ mô năm 2019 trong nước tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm  soát đã hỗ trợ TTCK Việt Nam giữ được đà tăng trưởng khá bền vững. Thị trường cổ phiếu đã tăng 7,5% về chỉ số và tăng 10,6 % về quy mô vốn hóa, tương đương với 79,2 % GDP, huy động vốn của DN thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu đều tăng trưởng đột phá so với cùng kỳ. Thị trường trái phiếu Chính phủ tiếp tục góp phần đáp ứng nhu cầu huy động của ngân sách và góp phần quan trọng vào tái cơ cấu nợ của Chính phủ. TTCK phái sinh và các sản phẩm mới dù mới ra đời nhưng đã có sự tăng trưởng nhanh hơn kỳ vọng trên tất cả các chỉ tiêu về khối lượng giao dịch và số lượng tài khoản của nhà đầu tư.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), TTCK Việt Nam hiện có 748 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở GDCK và 862 cổ phiếu đăng ký giao dịch (ĐKGD) trên UPCoM với tổng giá trị niêm yết, ĐKGD đạt gần 1.385 nghìn tỷ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2018.

Thị trường trái phiếu có sự hiện diện của 517 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt 1.184 nghìn tỷ đồng, tăng 5,6% so với cuối năm 2018 (tương đương 21,4% GDP). Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 9.139 tỷ đồng, tăng 3,4% so với bình quân năm 2018, trong đó, tỷ trọng giao dịch Repos tương đương với giao dịch Outright. Tỷ trọng giao dịch Repos ngày càng tăng và ngày càng lớn hơn tỷ trọng giao dịch Outright. Đây là chỉ báo cho thấy thị trường có sự tăng trưởng về chiều sâu.

Tổng mức huy động trên TTCK trong năm ước đạt 302,6 nghìn tỷ đồng, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm trước. Hai SGDCK đã tổ chức 41 phiên đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn, tổng giá trị bán được là 4.996 tỷ đồng, tỷ lệ thành công đạt 84,5%; trong đó có 7 đợt đấu giá cổ phần hóa, trị giá 566 tỷ đồng và 34 đợt đấu giá thoái vốn Nhà nước, thu về 4.430 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 5 phiên đấu giá khác (phát hành thêm, đấu giá quyền mua…), mang về 360 tỷ đồng cho doanh nghiệp và nhà nước. 

Chính sách tiền tệ hỗ trợ tích cực

Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết, năm 2019, thanh khoản trên thị trường cổ phiếu giảm 29% nhưng thanh khoản trên thị trường trái phiếu tăng. Đáng chú ý các NĐT nước ngoài vẫn mua ròng khoảng 7.500 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu và hơn 13.000 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu. Danh mục của NĐT nước ngoài năm  2018 khoảng hơn 34 tỷ USD thì đến 25/12/2019 là khoảng 36,4 tỷ USD, tăng khoảng hơn 2 tỷ, ngoài ra dòng vốn vào ròng của NĐT nước ngoài khoảng hơn 2,731 tỷ USD.

“Trước đây, chưa bao giờ chúng ta có thể huy động được trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài, nhưng bây giờ chúng ta đã thực hiện được và lãi suất của trái phiếu Chính phủ thấp nhất trong vòng chục năm qua. Điều đó cho thấy dù tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động nhưng kinh tế vĩ mô trong nước có nhiều cơ sở để ổn định và phát triển. Trong các dự báo phát triển nền kinh tế của các nước gần đây, Ngân hàng Phát triển châu Á và WB đều đánh giá là sẽ giảm trong năm 2020 nhưng riêng với Việt Nam thì lại có sự tăng trưởng”, ông Dũng cho hay.

Để có sự ổn định và tăng trưởng này, theo người đứng đầu ngành Chứng khoán, trong các năm qua, công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN là rất tốt, chính vì thế đã tạo điều kiện cho sự phát triển của thị trường vốn.

“Điều hành chính sách tiền tệ ưu tiên theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định lạm phát… đã giúp thị trường trái phiếu Chính phủ cũng như thị trường cổ phiếu có đất để phát triển, qua đó tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển phát triển tốt hơn thông qua các thương vụ M&A đã được thực hiện”, ông Dũng nhấn mạnh.

Về phần mình, ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, thành tựu mà ngành Ngân hàng đạt được trong năm 2019 đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, ổn định vĩ mô và kiềm chế lạm phát, góp phần quan trọng vào sự thành công của TTCK năm 2019. Trong đó hai chỉ tiêu cơ bản, hai trụ cột cơ bản của 12 chỉ tiêu là tăng trưởng kinh tế chúng ta đã vượt mức 7% và lạm phát thì chỉ ở mức 2,79%, thấp hơn nhiều mục tiêu mà Quốc hội đề ra. Để đạt được những kết quả này, công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã đóng vai trò rất tích cực.

Đặc biệt là về lãi suất, theo ông Quang, từ năm 2018 đến năm 2019, chính sách tiền tệ cũng như lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới biến động rất nhiều chiều, cụ thể trong năm 2018, có trên 48 lần các ngân hàng trung ương trên thế giới vừa tăng vừa giảm lãi suất, nhưng đến năm 2019 thì có đến 68 lần các ngân hàng trung ương trên thế giới đã cắt giảm lãi suất. Sự thay đổi đột ngột về điều hành chính sách tiền tệ sang nới lỏng tại các nước trên thế giới, đặc biệt là tại các nền kinh tế phát triển có tác động rất lớn đến thương mại đầu tư toàn cầu và đương nhiên sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam.

“Trong bối cảnh đó, năm 2019 NHNN dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đã điều hành mặt bằng lãi suất rất ổn định trên tất cả các thị trường. Chính sự quản lý chặt chẽ ổn định thị trường tiền tệ, duy trì mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp đã tạo tiền đề rất vững chắc cho sự phát triển của thị trường trái phiếu Chính phủ”, ông Quang nhấn mạnh.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh